Cập nhật lúc 2024-11-14 00:00:00
Chia sẻ về định hướng phát triển, về giáo dục sáng tạo nghệ thuật tại Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như quan điểm và triết lý đào tạo của Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật. Phóng viên TCMT có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu – Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu – Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội
PV: Kính thưa PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, theo chúng tôi được biết Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội trong thời gian gần đây đang dần khẳng định trở thành một cơ sở đào tạo về các lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật. Xin ông chia sẻ thêm về định hướng phát triển về giáo dục sáng tạo nghệ thuật tại Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như quan điểm và triết lý đào tạo của Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật?
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu: Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật là cơ sở đào tạo trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, phát triển từ các tiền thân như Khoa Sau đại học (2002) và Khoa Các khoa học liên ngành (2017), với định hướng ban đầu là xây dựng các chương trình đào tạo mang tính liên ngành và liên lĩnh vực để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trong bối cảnh công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo đang ngày càng trở thành động lực phát triển quan trọng trên thế giới, Đại học Quốc gia Hà Nội đã định hướng mở rộng vào các lĩnh vực sáng tạo và nghệ thuật. Điều này vừa phù hợp với chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa – sáng tạo của Đảng và Nhà nước, vừa hoàn thiện mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực, nhằm đóng vai trò dẫn dắt trong hệ thống giáo dục đại học cả nước. Trên cơ sở đó, Khoa Các khoa học liên ngành, đơn vị đã và đang triển khai một số chương trình đào tạo nghệ thuật được Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định lựa chọn để chuyển đổi thành Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật – một cơ sở giáo dục mang sứ mệnh đào tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực sáng tạo và nghệ thuật liên ngành như các bạn thấy hiện nay.
Với nền tảng phát triển tư duy giáo dục lẫn chương trình đào tạo mang tính liên ngành và được thừa hưởng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, cùng các thành tựu khoa học đã tích lũy qua nhiều thập kỷ tại Đại học Tổng hợp và Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật đã xây dựng một triết lý giáo dục liên ngành mới. Triết lý này hướng đến phát triển một hệ sinh thái giáo dục nghệ thuật đa lĩnh vực, bao gồm nghệ thuật thị giác (nghệ thuật tạo hình đương đại và nhiếp ảnh nghệ thuật), kiến trúc và thiết kế cảnh quan, và mỹ thuật ứng dụng (đồ họa công nghệ số, thiết kế nội thất bền vững, và thời trang sáng tạo) và có thể được bổ sung thêm một số lĩnh vực mới trong thời gian tới như (thiết kế game, thiết kế truyền thông thị giác…) với mục tiêu là đào tạo nguồn nhân lực mới đáp ứng được những yêu cầu đa dạng và thách thức của thời đại.
Triết lý giáo dục nghệ thuật của nhà trường không chỉ dừng lại ở liên ngành, mà còn nhấn mạnh sự cân bằng giữa lý thuyết và thực hành, giữa tính hàn lâm và tính ứng dụng, giữa nghệ thuật vì nghệ thuật và nghệ thuật vì nhân sinh. Nhà trường chú trọng phát triển toàn diện tiềm năng của người học, để họ có thể tự do sáng tạo một cách đa dạng và phong phú. Các chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng mở đường, tiên phong, thử nghiệm và không ngừng cải tiến để thích ứng với những thay đổi về công nghệ và xã hội. Bên cạnh đó, nhà trường đề cao tính bản địa và giá trị dân tộc, đồng thời khuyến khích hội nhập với các xu hướng nghệ thuật đương đại, nhằm phát huy cả bản sắc văn hóa lẫn khả năng sáng tạo đổi mới.
PV: Vậy việc định hướng phát triển trở thành một cơ sở giáo dục về sáng tạo nghệ thuật trong hệ thống các trường đào tạo về nghệ thuật có phải là lý do chính để Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật dự kiến sẽ tổ chức Hội thảo “100 năm nghệ thuật Việt Nam từ góc nhìn liên ngành và khai phóng” nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương không và lý do nào để nhà trường tổ chức cuộc hội thảo quan trọng này?
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu: Đối với Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội thảo “100 năm nghệ thuật Việt Nam từ góc nhìn liên ngành và khai phóng” là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt. Đây không chỉ là hội thảo khoa học quy mô lớn đầu tiên về lĩnh vực nghệ thuật do Trường tổ chức, mà còn là cơ hội để các nhà khoa học cùng thảo luận về những vấn đề chuyên sâu trong việc phát triển giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam, nhìn từ góc độ kết nối quá khứ và hiện tại. Thời điểm ngày 27 tháng 10 năm 1924 khi Toàn quyền Đông Dương ban hành quyết định về việc thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, một cơ sở đào tạo về nghệ thuật trực thuộc Đại học Đông Dương – đơn vị đào tạo bậc cao nhất trong hệ thống giáo dục thuộc địa là một sự kiện mang tính pháp lý chính thức; đánh dấu sự ra đời của một tổ chức giáo dục đồng thời cũng là khoảnh khắc quan trọng mở ra một hệ thống giáo dục nghệ thuật mới theo hướng hiện đại ở Việt Nam và khu vực Đông Dương
Dù được chính quyền thuộc địa Pháp thành lập gắn liền với sứ mệnh khai hóa văn minh, Trường Mỹ thuật Đông Dương đã vượt xa chức năng ban đầu để trở thành một hình mẫu tiến bộ trong giáo dục nghệ thuật. Trường không chỉ thực hiện việc đào tạo nhiều lĩnh vực chuyên môn nghệ thuật đa dạng bao gồm hội họa, điêu khắc, kiến trúc, mỹ thuật ứng dụng, các nghề thủ công…mà còn mang theo triết lý tự do khai phóng, đề cao sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, giữa truyền thống bản địa và xu thế hiện đại, giữa nghệ thuật như một phương thức biểu đạt thẩm mỹ cá nhân với các giá trị triết lý xã hội nhân văn sâu sắc.
Bên cạnh đó, Trường Mỹ thuật Đông Dương cũng là cơ sở giáo dục đầu tiên đặt nền tảng cho hệ thống giáo dục mỹ thuật ở Đông Dương và các trường nghệ thuật tại Việt Nam sau này. Từ mái trường này, không chỉ chứng kiến sự trưởng thành các thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng mà cũng là nơi sản sinh ra các nhà sư phạm nghệ thuật giàu tâm huyết, góp phần quan trọng vào sự phát triển của các cơ sở giáo dục nghệ thuật trên khắp Việt Nam suốt gần một thế kỷ qua, như Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Đại học Kiến trúc Hà Nội, và Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh… Tất cả những điều đó cho thấy chúng ta đang kế thừa một di sản giáo dục nghệ thuật vô giá, có ảnh hưởng lan tỏa sâu rộng vượt thời đại.
Vì vậy, việc tổ chức một cuộc hội thảo về Trường Mỹ thuật Đông Dương không chỉ là dịp tri ân các bậc tiền nhân, những người đã đặt nền móng cho hệ thống giáo dục nghệ thuật Việt Nam hiện đại, mà còn là cơ hội để chúng ta nhìn lại, học hỏi và tiếp nối các giá trị tinh thần mà những nhà sư phạm nghệ thuật Pháp – Việt đã dựng xây cách ngày nay tròn một thế kỷ.
PV: Xin ông có thể chia sẻ quan điểm về mối liên hệ giữa Trường Mỹ thuật Đông Dương và Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu: Như tôi đã chia sẻ, không chỉ riêng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật mà nhiều cơ sở giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam hiện nay đều có mối liên hệ, dù trực tiếp hay gián tiếp, với Trường Mỹ thuật Đông Dương. Điều này phản ánh giá trị to lớn và vị trí không thể thay thế của Trường Mỹ thuật Đông Dương trong lịch sử giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam.
Đối với Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, dù là một cơ sở đào tạo mới trong lĩnh vực nghệ thuật, chúng tôi tìm thấy sự đồng điệu và gần gũi với Trường Mỹ thuật Đông Dương ở hai khía cạnh chính. Thứ nhất, dù cách nhau một thế kỷ, cả hai đều nằm trong các hệ thống giáo dục mang tính chất đa ngành – đa lĩnh vực là Đại học Đông Dương và Đại học Quốc gia Hà Nội. Điều này ảnh hưởng đến quan điểm và tư duy giáo dục nghệ thuật của nhà trường. Tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, người học không chỉ có nền tảng về mỹ thuật mà còn được trang bị kiến thức khoa học từ nhiều lĩnh vực khác, một yếu tố mà chúng tôi cũng đang nỗ lực tiếp nối tại Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật. Thứ hai, chúng tôi đặc biệt trân trọng và theo đuổi các giá trị mà Trường Mỹ thuật Đông Dương đã xây dựng, đó là tinh thần khai phóng, sáng tạo và khả năng thích ứng với nhiều loại hình nghệ thuật. Điều này rất quan trọng trong đào tạo mỹ thuật và nghệ thuật nói chung, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ hiện nay.
Có thể nói, với chúng tôi, Trường Mỹ thuật Đông Dương là một điển phạm mẫu mực trong giáo dục nghệ thuật liên ngành và tự do – những giá trị cần tiếp tục được tái khám phá và kế thừa. Chúng tôi hy vọng có thể tiếp nối vai trò của Trường Mỹ thuật Đông Dương trong hệ thống giáo dục của Đại học Đông Dương xưa thông qua việc phát triển đào tạo nghệ thuật tại Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một môi trường giáo dục nghệ thuật lành mạnh, cởi mở, có khả năng thúc đẩy và lan tỏa tinh thần khai phóng, đồng thời khuyến khích sự đa dạng hóa để kiến tạo một nền nghệ thuật Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc và sẵn sàng hội nhập quốc tế.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc đổi mới giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam hiện nay dựa trên di sản của Trường Mỹ thuật Đông Dương?
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu: Mặc dù một thế kỷ đã trôi qua song các di sản vô giá, đặc biệt là các giá trị tinh thần mà Trường Mỹ thuật Đông Dương để lại vẫn cho chúng ta không hết sự tự hào về một dòng chảy phát triển không ngừng từ quá khứ đến hiện tại. Tuy nhiên, truyền thống đó cũng gợi mở những trăn trở và suy nghĩ về định hướng và con đường phát triển giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam hiện nay, nhất là khi các hoạt động sáng tạo nghệ thuật gắn với công nghiệp văn hóa – sáng tạo đang từng bước trở thành một lĩnh vực kinh tế bền vững, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, xây dựng thương hiệu và bản sắc quốc gia.
Thực tiễn của xã hội và thị trường gần đây đã chỉ ra xu thế tất yếu của giáo dục nghệ thuật mang tính đa ngành và liên ngành, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo. Mỗi nghệ sĩ trong thời đại ngày nay không chỉ là những thực thể sáng tạo đơn lẻ mà là một bộ phận không thể tách rời của một hệ thống dây chuyền phức tạp từ sản xuất, phân phối cho đến tiêu dùng các sản phẩm văn hóa; đòi hỏi mỗi cá nhân khi tham gia hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo cần trang bị một hệ thống kiến thức và kỹ năng đa dạng, làm chủ nhiều loại hình sáng tạo nghệ thuật và khả năng nắm bắt với các xu thế của thế giới. Điều này đặt ra yêu cầu của việc đổi mới tư duy và quan điểm giáo dục nghệ thuật, để vượt ra khỏi những góc nhìn hạn hẹp và bó buộc của hệ thống giáo dục nghệ thuật chuyên ngành vốn tồn tại và có ảnh hướng sâu rộng ở Việt Nam suốt nửa thế kỷ vừa qua. Trong bối cảnh đó, các giá trị được đúc kết từ Trường Mỹ thuật Đông Dương chắn chắn sẽ là những bài học đáng giá để chúng ta phải suy ngẫm.
Bên cạnh đó, theo tôi một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc của Trường Mỹ thuật Đông Dương mà thế hệ chúng ta hôm nay đáng phải học hỏi là sự dung hòa và kết hợp truyền thống và hiện đại, giữa tính dân tộc và tính thời đại trong các hoạt động giáo dục nghệ thuật. Tuy nhiên, để đạt điều đó cần xây dựng một triết lý và môi trường giáo dục khai phóng, tự do; khuyến khích và thúc đẩy tinh thần trao đổi hợp tác, đề cao tư duy phản biện và chấp nhận cái mới song biết trân trọng và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Phát triển một hệ thống giáo dục nghệ thuật theo quan điểm tiếp cận liên ngành, tinh thần khai phóng và tầm nhìn toàn cầu chính là một trong những yếu tố quan trọng vào sự thành công của nhiều quốc gia trên thế giới trong phát triển công nghiệp văn hóa – sáng tạo thời gian qua.
Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật không chỉ thấu hiểu, tôn vinh và mong muốn kế thừa những giá trị tinh thần của Trường Mỹ thuật Đông Dương để lại nhưng đồng thời muốn phát triển các giá trị ấy để phù hợp hơn với xu thế cách mạng công nghiệp của kỷ nguyên 4.0 ngày nay. Chúng tôi tin rằng, một di sản “sống” không phải là những giá trị nằm yên trong quá khứ, mà là những giá trị được kế thừa, làm mới và trao truyền cho thế hệ mai sau, trở thành tương lai của nền nghệ thuật Việt Nam. Từ đó, chúng tôi mong mỏi và kêu gọi sự chung tay đóng góp với hy vọng đào tạo một thế hệ nghệ sĩ và nhà sáng tạo mới có kiến thức và kỹ năng đa dạng, toàn diện; có khát vọng và không ngừng thử nghiệm, đổi mới, đồng thời biết trân trọng, giữ gìn các giá trị nghệ thuật Việt Nam, từng bước khẳng định vị thế của đất nước trên bản đồ nghệ thuật toàn cầu.
CÁC TIN KHÁC