[Báo Nhân dân] Công nghệ phát huy giá trị bức tranh trăm tuổi

Cập nhật lúc 2024-12-02 00:00:00

Phóng viên (PV): Xin anh chia sẻ qua về sự ra đời của bức tranh cũng như giá trị lịch sử và nghệ thuật của nó!

TS Trần Hậu Yên Thế: Theo sử liệu, tác giả bức tranh - họa sĩ Victor Tardieu là người phụ trách việc trang trí nội thất của tòa nhà Đại học Đông Dương. Tác phẩm rộng 77 m2 này được ông vẽ trên toan bằng chất liệu sơn dầu từ năm 1921, đến năm 1928 bức tranh được dán lên mảng tường hình cung trong giảng đường tòa nhà Đại học Đông Dương khi công trình hoàn thành.

Bức tranh đã phản ánh sự giao thoa văn hóa Đông - Tây rất rõ rệt, với phong cách phục hưng, nội dung tác phẩm mang đậm văn hóa Việt Nam thời bấy giờ. Ngoài chữ “Thăng đường nhập thất” trên cổng tam quan dưới tán cây đa, hai bên còn có hai câu đối “Nhân tài là nguyên khí quốc gia/Đại học là gốc của giáo hóa”. Cùng với đó là hơn 200 nhân vật, nhiều nhân vật có thật trong xã hội đương thời.

PV: Điều gì thôi thúc anh thực hiện triển lãm video art “Thăng đường nhập thất”?

TS Trần Hậu Yên Thế: Bức tranh được vẽ lại năm 2006 từ ảnh gốc đen trắng và do họa sĩ Hoàng Hưng thực hiện trong khoảng thời gian ngắn ngủi với kinh phí có hạn. Nhưng còn nhiều điều ẩn ý trong bức tranh chưa được sáng tỏ và đã gợi cho tôi nhiều câu hỏi cần được nghiên cứu và khám phá. Một lý do nữa để dự án số hóa bức tranh được triển khai, khi năm 2024 là dịp kỷ niệm tròn 100 năm thành lập Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1924-2024) và đây cũng là dịp Hà Nội tổ chức Lễ hội thiết kế sáng tạo.

Bên cạnh đó, được biết, thời gian tới tòa nhà có thể sẽ phải trùng tu lại và bức vẽ hiện cũng đã xuống cấp. Nên tôi nghĩ với công nghệ hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể làm được rất nhiều các tác phẩm phái sinh. Với các tác phẩm hiện nay, yếu tố phái sinh rất quan trọng, như việc tạo hình động cho các tác phẩm kinh điển… và cũng có rất nhiều giải pháp để giúp tác phẩm gốc tương tác lan tỏa qua nhiều chiều đến công chúng.

Công nghệ phát huy giá trị bức tranh trăm tuổi ảnh 1

Bức tranh tường của họa sĩ Victor Tardieu trong giảng đường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

PV: Hành trình dựng lại bằng kỹ thuật số tác phẩm đến sát nguyên gốc bằng sự kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với sự phân tích dữ liệu nghệ thuật, sử học, xã hội học như thế nào, thưa anh?

TS Trần Hậu Yên Thế: Ban đầu, kỳ vọng của chúng tôi chỉ dùng máy chiếu thể hiện bức tranh bằng kỹ thuật số để phục vụ cho lễ hội thiết kế sáng tạo. Nhưng với sự tiến bộ về công nghệ, cũng những sử liệu xác tín, chúng tôi đã nỗ lực tái hiện chân thực, gần với nguyên gốc nhất qua video art “Thăng đường nhập thất”. Tác phẩm được dựng dựa trên ảnh gốc đen trắng, sử dụng AI học màu qua tranh sơn dầu gốc, kết hợp video art và chuyển động (animation), làm bức tranh như sống lại với những con người như đang hiện diện trong thế giới thật trong tranh.

TS Phạm Long đã cung cấp rất nhiều thông tin tư liệu về quá trình sáng tác, những tên gọi của tác phẩm, những phác thảo cho tác phẩm này. Tiếp đó, kỹ sư Viên Hồng Quang số hóa ảnh đen trắng thành phim, ảnh màu để nghệ sĩ Triệu Minh Hải chuyển hướng từ tác phẩm nhiếp ảnh kỹ thuật số sang thể loại video art và một đoạn phim tư liệu liên quan tới giá trị bức tranh, đem đến hơi thở đương đại cho tác phẩm gần 100 năm tuổi này. Cuối cùng là công đoạn mapping lên chính bản phục dựng 2006 được thực hiện do chuyên gia Lê Huy Thanh Hoàng của công ty Panasonic. Công nghệ AI đã tạo cảm giác sống động cho bức tranh với sắc màu chân thực cùng hiệu ứng dòng nước đang chảy trên bề mặt bức tranh như một ẩn dụ về dòng chảy của thời gian, của lịch sử.

TS Trần Hậu Yên Thế: Không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, bức tranh còn là tài liệu lịch sử quý giá, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về xã hội phương Đông dưới ảnh hưởng của phương Tây như hệ thống vật dụng, phương tiện giao thông, dạng thức kiến trúc, đặc điểm địa lý, giống cây trồng, vật nuôi, trang phục…

PV: Dường như trong quá trình thực hiện, các anh còn có những phát hiện thú vị?

TS Trần Hậu Yên Thế: Nhìn kỹ, bức tranh có lượng người Việt khá đông, đầy đủ các thành phần xã hội. Nếu nhìn trang phục để phán đoán thì có một nhân vật rất đặc biệt đứng ở trung tâm. Mãi đến thời gian gần đây, chúng tôi mới tìm ra được bộ tứ rất quan trọng của người Việt thời đó có trong bức tranh. Đó là các vị Hoàng Trọng Phu, Lê Văn Miến, Phạm Gia Thụy và Thân Trọng Huề. Bốn người này thuộc thế hệ trí thức đầu tiên của Việt Nam được triều Nguyễn cho đi du học tại Pháp. Có học vấn tinh thông bởi họ đều mang trong mình tri thức của cả phương Đông và phương Tây.

Hình ảnh nhân vật Alma Mater (nữ thần tri thức-đại học) xuất hiện mờ ảo nhưng lại có nhiều nét như một bà hoàng người Việt. Bức tranh gốc còn có dòng chữ Latin đề cao tri thức đại học: Alma Mater ex te nobis dignitas ubertas felicitas (Nữ thần đại học - Người ban phước cho chúng ta phẩm giá và hạnh phúc), đây là ý nghĩa thâm sâu của bức tranh. Tiếc là bản phục dựng 2006 đã không khôi phục dòng chữ này. Đặc biệt, trong tranh có cả gương mặt một số sinh viên người Việt là học trò của họa sĩ Victor Tardieu. Tất cả đều đang học những năm đầu của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như họa sĩ Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ và tất nhiên có cả họa sư Nam Sơn.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ rất ý nghĩa của anh!

- Khiếu Minh

CÁC TIN KHÁC