[Quân Đội Nhân Dân] Đưa nghệ thuật thị giác Việt Nam vươn xa

Cập nhật lúc 2025-01-10 00:00:00

Từ những dấu ấn sơ khai trên trống đồng Đông Sơn đến những dự án đương đại, nghệ thuật thị giác (visual art) đã khẳng định sức sống mãnh liệt trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Hòa mình vào làn sóng toàn cầu hóa sau đổi mới, nghệ thuật thị giác mở ra nhiều cơ hội song hành cùng những thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng từ cộng đồng nghệ sĩ để tiếp tục vươn xa, ghi dấu trên bản đồ nghệ thuật quốc tế.

Bước cùng nhịp đổi mới

Được coi là giao điểm hòa quyện của hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh cùng các loại hình đương đại như video art, sắp đặt, nghệ thuật đa phương tiện, trình diễn, nghệ thuật hình thể... nghệ thuật thị giác là lĩnh vực nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ chính là hình ảnh để tạo nên bức tranh đa chiều của cảm xúc và ý tưởng nghệ thuật. Mỗi tác phẩm thị giác không chỉ là sự tái hiện thế giới mà còn hàm chứa trong đó những thông điệp sâu sắc, phản ánh tư duy cũng như tình cảm của người nghệ sĩ.

Theo nhà nghiên cứu nghệ thuật Phạm Long, nghệ thuật thị giác bao gồm tất cả hình thức nghệ thuật tác động vào mắt người, sử dụng những hình tượng mà mắt có thể cảm nhận, từ đó đánh thức xúc cảm của người xem. Cách hiểu này không chỉ bao quát những loại hình nghệ thuật truyền thống mà còn mở rộng biên độ với các loại hình đương đại, tạo nên một ngôn ngữ nghệ thuật phong phú, giúp người xem tiếp cận thế giới nghệ thuật một cách toàn diện và sâu sắc hơn.

Từ định nghĩa trên, có thể thấy nghệ thuật thị giác đã hiện diện ở nước ta từ rất sớm với những hình khắc tinh xảo trên trống đồng Đông Sơn như chim lạc, giao long, giã gạo hay cảnh sinh hoạt cộng đồng là những minh chứng cho sự phát triển của ngôn ngữ hình ảnh từ thời kỳ tiền sử. Bước phát triển tiếp theo đó chính là biểu hiện của nghệ thuật dân gian mà ngày nay vẫn còn lưu dấu ấn trên những công trình kiến trúc, tranh thờ truyền thống...

Đưa nghệ thuật thị giác Việt Nam vươn xa
Học sinh tham quan Triển lãm “Hành tinh nhựa” tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom. Ảnh: MAI AN

Dù vậy, khái niệm hiện đại về nghệ thuật thị giác chỉ thực sự hình thành và phổ biến ở nước ta từ sau thời kỳ đổi mới, khi Việt Nam mở cửa tiếp thu những dòng chảy nghệ thuật của thế giới. Kể từ đây, các nghệ sĩ Việt Nam bắt đầu thử nghiệm với những phong cách và kỹ thuật mới, thoát khỏi khuôn khổ truyền thống. Những tên tuổi từ làn sóng đầu tiên trong thế kỷ 20 như: Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng, Trần Lương, Đào Anh Khánh (nghệ thuật trình diễn); Ly Hoàng Ly (sắp đặt, trình diễn); Trương Tân (hội họa, sắp đặt); Nguyễn Văn Cường (sắp đặt); Lê Quảng Hà (nghệ thuật hình thể); Nguyễn Thế Sơn (sắp đặt, nghệ thuật nhiếp ảnh); Oanh Phi Phi (sắp đặt, video art)... đã đưa nghệ thuật thị giác Việt Nam hòa nhập với thế giới, đồng thời phát triển một phong cách nghệ thuật độc đáo mang đậm dấu ấn cá nhân.

Không chỉ gói gọn trong các phòng triển lãm, nghệ thuật thị giác còn lan tỏa đến không gian công cộng, nơi nghệ thuật không chỉ để chiêm ngưỡng mà còn để khán giả cảm nhận, tương tác. Những dự án nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, triển lãm đa phương tiện đã mang nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, tạo ra những không gian văn hóa sống động, góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tạo.

Từng bước khẳng định vai trò trong đời sống nghệ thuật

Những năm gần đây, nghệ thuật thị giác tại Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, phản ánh những biến đổi sâu sắc trong đời sống xã hội và văn hóa. Các nghệ sĩ bắt đầu thử nghiệm với những phong cách mới từ bối cảnh toàn cầu hóa. Chính sự giao thoa này đã thổi một làn gió mới vào nền nghệ thuật nước nhà, tạo nên những tác phẩm đầy cá tính, độc đáo, mang hơi thở thời đại.

ThS Phạm Minh Quân, giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, nghệ thuật thị giác Việt Nam đã nhanh chóng mở rộng không chỉ về hình thức mà còn về ý tưởng và nội dung. Các nghệ sĩ tiên phong không còn bị ràng buộc bởi những khuôn khổ truyền thống, thay vào đó, họ tự do khám phá và thể hiện bản thân. Không chỉ dừng lại ở hội họa và điêu khắc, họ còn mở rộng sang nghệ thuật sắp đặt, video art và các hình thức đương đại khác. Đây là thời kỳ sự sáng tạo được đánh giá cao, nghệ thuật thị giác dần khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa”.

 

Đưa nghệ thuật thị giác Việt Nam vươn xa
ThS Phạm Minh Quân, giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội 

Sự phát triển trên cũng đi kèm với không ít thách thức. Một trong những rào cản lớn nhất là nhận thức hạn chế của dư luận về loại hình nghệ thuật này. Nghệ thuật thị giác, với nhiều người, vẫn còn là một khái niệm mới mẻ, thậm chí khó hiểu. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc tìm kiếm không gian trưng bày và tổ chức triển lãm, việc cấp giấy phép, bảo trì sau một thời gian trưng bày tác phẩm ngoài trời.

Một vấn đề khác là thiếu hụt tài chính và sự hỗ trợ từ các tổ chức văn hóa quốc tế. Nghệ thuật thị giác, đặc biệt là các dự án nghệ thuật công cộng, thường đòi hỏi nguồn lực lớn để có thể hiện thực hóa những ý tưởng táo bạo. Trong khi đó, các nghệ sĩ trẻ lại phải tự thân vận động, đối mặt với áp lực về tài chính và không gian sáng tạo. Họ thiếu những cơ hội giao lưu, học hỏi từ quốc tế, khó tiếp cận với các nguồn tài trợ văn hóa.

Dù vậy, nghệ thuật thị giác tại Việt Nam vẫn đang từng bước khẳng định vị thế của mình. Những dự án nghệ thuật công cộng bắt đầu xuất hiện, mang nghệ thuật đến gần hơn với cộng đồng. “Đây không chỉ là cơ hội để công chúng tiếp cận và hiểu thêm về nghệ thuật mà còn là cách để nghệ sĩ thể hiện trách nhiệm xã hội, khơi dậy nhận thức về giá trị của nghệ thuật trong đời sống. Những dự án như nghệ thuật sắp đặt tại các không gian công cộng, triển lãm đa phương tiện không chỉ làm phong phú thêm bức tranh văn hóa mà còn góp phần thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong nghệ thuật”, ThS Phạm Minh Quân nhận định.

Kỳ vọng làn sóng sáng tạo mới

Giáo dục nghệ thuật thị giác ở Việt Nam đã đặt nền móng vững chắc từ những năm đầu thế kỷ 20 với sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Mang ảnh hưởng từ nghệ thuật phương Tây, ngôi trường này đã tạo ra một thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư tài năng, góp phần định hình diện mạo mỹ thuật hiện đại của Việt Nam nói chung cũng như dòng chảy nghệ thuật thị giác nói riêng. Tuy nhiên, bước vào thời đại mới, giáo dục nghệ thuật thị giác cần có những cải tiến mạnh mẽ để theo kịp những đòi hỏi về sáng tạo và linh hoạt trong nghệ thuật đương đại.

Chia sẻ tầm nhìn về vấn đề này, nhà nghiên cứu nghệ thuật Phạm Long cho biết: “Hiện tại, nhiều chương trình giảng dạy tại các trường nghệ thuật Việt Nam thường nặng về lý thuyết hoặc tập trung vào thực hành trong những phạm vi chuyên môn tương đối hẹp mà thiếu sự kết nối giữa các lĩnh vực cũng như hệ sinh thái sáng tạo để phát triển. Hệ quả là sinh viên ra trường có thể giỏi kỹ năng nhưng thiếu các kiến thức liên ngành, đa văn hóa nên kém chủ động sáng tạo khi bước chân vào đời sống đương đại sôi động và biến chuyển không ngừng”.

Có thể thấy, đa số sinh viên được đào tạo kỹ năng mỹ thuật truyền thống, nhưng lại thiếu đi kiến thức về nghệ thuật thị giác đa phương tiện, nghệ thuật kỹ thuật số hay quản lý nghệ thuật. Điều này khiến khả năng sáng tạo và tự do tư duy của sinh viên bị giới hạn. Với bối cảnh nghệ thuật quốc tế đang phát triển, việc giảng dạy theo lối truyền thống không còn đáp ứng được yêu cầu đa dạng và linh hoạt trong sáng tạo nghệ thuật. Nghệ thuật thị giác hiện đại không chỉ là câu chuyện về kỹ năng mà còn đòi hỏi người nghệ sĩ có tư duy phản biện, khả năng liên kết và vận dụng nhiều kiến thức từ các lĩnh vực khác nhau.

Để phát triển giáo dục nghệ thuật thị giác, Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái giáo dục toàn diện và liên ngành. Các trường nghệ thuật cần mở rộng chương trình giảng dạy, bao gồm các lĩnh vực nghệ thuật số, nghệ thuật đa phương tiện, video art và kỹ năng mềm như quản lý nghệ thuật, tiếp thị và tổ chức sự kiện. Điều này sẽ giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện hơn, không chỉ trong sáng tạo nghệ thuật mà còn trong việc quản lý và triển khai các dự án của chính mình. Bên cạnh đó, việc đưa nghệ thuật thị giác ra khỏi lớp học, tham gia vào các dự án nghệ thuật công cộng, triển lãm và giao lưu văn hóa sẽ tạo ra những trải nghiệm thực tế quý báu, giúp sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm và xây dựng mối quan hệ trong cộng đồng nghệ thuật.

Thực tế cũng cho thấy, nghệ thuật thị giác Việt Nam vẫn còn chịu nhiều rào cản về tài chính và cơ chế quản lý. Các nghệ sĩ trẻ thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ và không gian để trưng bày tác phẩm của mình. Để khắc phục điều này, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức văn hóa cũng như cơ quan quản lý. Các doanh nghiệp có thể đồng hành với nghệ sĩ qua việc tài trợ triển lãm, dự án nghệ thuật công cộng, đồng thời tạo ra những không gian sáng tạo mở để khuyến khích giới trẻ tham gia nghệ thuật. Nhà nước và các cơ quan quản lý văn hóa cũng cần có chính sách hỗ trợ để nghệ sĩ có thể dễ dàng thực hiện các dự án sáng tạo. Ngoài ra, việc thúc đẩy các chương trình hợp tác quốc tế và tổ chức các cuộc thi, triển lãm giao lưu văn hóa sẽ giúp nghệ sĩ trẻ Việt Nam mở rộng tầm nhìn và học hỏi từ bạn bè quốc tế, tăng cường khả năng sáng tạo và xây dựng bản sắc nghệ thuật riêng biệt.

LƯU DIỆU LINH

CÁC TIN KHÁC