Cập nhật lúc 2025-01-10 00:00:00
Nguồn nhân lực sáng tạo là đội ngũ nòng cốt của các ngành công nghiệp văn hóa đang thiếu trầm trọng cả về chất và lượng và cũng là khoảng trống đào tạo ở các trường văn hóa nghệ thuật. Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp văn hóa và sáng tạo có tính liên ngành cao, bao chứa những khía cạnh văn hóa, nghệ thuật, công nghệ thông tin, truyền thông, kinh doanh, Luật sở hữu trí tuệ...
1/Về vấn đề trên, PGS, TS Phạm Quỳnh Phương, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đang đặt ra những thách thức cả về mặt lý luận và thực tiễn. Hầu hết nguồn nhân lực phục vụ cho các lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa, sáng tạo hiện nay ở Việt Nam vẫn chủ yếu được cung cấp dựa trên hệ thống giáo dục nghệ thuật truyền thống và đào tạo chuyên sâu ở các trường chuyên ngành. Hiện đang khuyết thiếu một lực lượng lao động chuyên nghiệp có năng lực và kỹ năng chuyển hóa các tác phẩm thành sản phẩm trong thị trường văn hóa.
PGS, TS Phạm Quỳnh Phương, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội
TS Phạm Quang Anh, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu thí dụ, nhiều trường đại học nghệ thuật ở Anh có thể mời các nghệ sĩ đến làm giảng viên kiêm nhiệm, vừa sáng tác trong khuôn viên của trường. Và ngược lại, khi các nghệ sĩ có được một nhà bảo trợ lớn từ các trường đại học, họ cũng thấy rằng công sức của mình được tôn trọng trong một môi trường học thuật khá tốt. Cùng về vấn đề này, TS Bùi Trung Dũng, Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp cho rằng, cần cập nhật chương trình đào tạo, tăng cường thực hành và hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức văn hóa để cung cấp cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng thực tế.
2/Bên cạnh đó, việc phát triển kiến thức toàn diện của người học về lĩnh vực công nghiệp văn hóa và sáng tạo nhằm xây dựng đội ngũ lao động tham gia lĩnh vực kinh tế này có tư duy hệ thống và có khả năng phát triển các sản phẩm sáng tạo có tính tích hợp cao rất quan trọng. Do vậy, liên ngành và khai phóng là xu hướng không thể đảo ngược trong đào tạo nghệ thuật đương đại với định hướng sản xuất tri thức. Họa sĩ Đỗ Kỳ Huy (Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế) gợi ý, nên áp dụng giáo dục khai phóng cho sinh viên nghệ thuật đương đại. Theo ông, khai phóng nhìn từ góc độ giáo dục là sự trao quyền để người học có thể lựa chọn, lập kế hoạch tích lũy tri thức theo kế hoạch riêng, ưu tiên phát triển tư duy phản biện và giải quyết vấn đề sáng tạo, hoàn toàn khác với mô hình truyền thống mang tính kinh viện, dựa vào các nguyên tắc và kỹ năng, kỹ thuật cụ thể. Giờ đây, công chúng đóng một vai trò quan trọng không kém gì người sáng tạo, giáo dục khai phóng tạo điều kiện cho sinh viên có hiểu biết sâu sắc hơn về xã hội, về các đối tượng tiêu dùng văn hóa.
Cần đào tạo nhân lực chất lượng cao để phát triển công nghiệp văn hóa.
Nghệ sĩ đương đại không còn giới hạn mình trong những khuôn khổ truyền thống mà tìm kiếm sự kết nối và đối thoại liên ngành. Họ có thể kết hợp các yếu tố từ hội họa, điêu khắc, trình diễn, công nghệ kỹ thuật số, truyền thông đại chúng, và thậm chí cả khoa học và triết học để tạo ra những tác phẩm giàu ý nghĩa và đa tầng. Như vậy, cần thiết phải có những chương trình liên ngành để cung cấp những kiến thức toàn diện về văn hóa, quản trị, kinh tế, công nghệ, phát triển bền vững… cho nguồn nhân lực công nghiệp văn hóa. Mặt khác nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa mà các cơ sở đào tạo ra cũng sẽ trở thành người tiêu dùng khi tham gia vào thị trường nghệ thuật. Vì vậy, việc từ đào tạo đến việc họ hưởng thụ dịch vụ rồi quay trở lại đóng góp, tạo thành một vòng lặp trong kinh tế tri thức liên quan đến công việc sáng tạo.
Để gỡ “nút thắt” trong việc đào tạo nguồn nhân lực, cần thay đổi rất nhiều, từ tư duy của cá nhân các giảng viên cho đến sự thay đổi tổng thể về chính sách cũng như chương trình đào tạo. Nhìn trên bình diện cả nước, chưa có nhiều cơ sở kịp thay đổi theo xu thế phát triển chung của công nghiệp văn hóa và sáng tạo hiện nay. Các cơ sở đào tạo cần phải có thêm nhiều vai trò khác trong bối cảnh hiện tại.
Bài và ảnh: KHIẾU MINH
CÁC TIN KHÁC