Cập nhật lúc 2022-04-28 21:52:15
Sáng ngày 29/04/2022, Tổ Bộ môn Đô thị & Vùng lãnh thổ của Khoa Các khoa học liên ngành (CKHLN) trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức seminar chủ đề “Một cách hiểu khác về đô thị đương đại” do PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục trình bày cùng phần dẫn đề của chuyên gia quy hoạch Nguyễn Xuân Anh và TS. Lê Phước Anh.
Nhằm liên tục khuyến khích nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học tại Khoa CKHLN, tạo điều kiện cho các nhà khoa học, nghiên cứu, học viên, sinh viên có điều kiện tiếp cận với các thông tin khoa học, tri thức cập nhật nhất, các buổi sinh hoạt khoa học tại Khoa luôn được chú trọng tổ chức và phổ biến tới toàn thể thành viên Khoa.
Nội dung của tọa đàm tập trung vào làm rõ: Việc nhận diện bức tranh thế giới hiện nay; tới cái nhìn tại thời điểm chuyển đổi văn minh; Các giai đoạn phát triển đô thị thế giới; Những vấn đề của đô thị học; và từ đó đến được với quan điểm về cách hiểu khác về đô thị.
Mở đầu cho bài thuyết trình của mình, PGS đề cập tới việc nhận diện bức tranh thể giới hiện nay theo các quan điểm của các nhà nghiên cứu như: Quan điểm coi khát vọng nhận thức là động lực của lịch sử và dùng quan niệm đó để giải thích những biến đổi xã hội của Francis Fukuyama; Hay sự chỉ rõ về xu hướng của những năm 80 sang xu hướng của năm 2000 do hai nhà dự báo Naisbitt và Patricia Aburdene đề cập; Bên cạnh đó còn có quan điểm: “những thay đổi nhanh chóng của thế giới hiện thời không phải là hỗn loạn và ngẫu nhiên, mà là một quá trình biến đổi từ văn minh này sang văn minh khác” của Alvin Toffler; Và cuối cùng là cách nhìn của Edgar Morin, tiên đoán, sự hấp hối của tự nhiên Trái đất - thiên thể lang thang, của tính hiện đại vào cuối thế kỷ 20. Để chuyển sang Văn minh trí thức lấy con người làm bản thể: Chúng ta có thể nghĩ tới ý đồ lớn duy nhất: làm cho Trái đất thành văn minh.
Diễn giả cũng chỉ ra cho người nghe mối liên hệ giữa những làn sóng văn minh (Nông nghiệp - Công nghiệp - Tri thức) với các giai đoạn phát triển đô thị thế giới (Đô thị truyền thống - Đô thị công nghiệp - Đô thị hiện đại - Đô thị kiểu mới). Đồng thời, độc giả cũng được tiếp cận và nghe phân tích về trạng thái cụ thể của từng giai đoạn phát triển đô thị với những đặc trưng riêng có theo từng giai đoạn lịch sử và phát triển.
Theo mạch tư duy về đô thị, PGS đã phân tích những vấn đề của đô thị học như: 1) Sự phụ thuộc vào hình thái, mỗi hình thái sẽ quyết định đặc trưng của từng loại hình đô thị cũng như dân cư trong đô thị ấy; 2) Đô thị quá khổng lồ và những hệ quả của siêu đô thị (Megalopolis) đang diễn ra ngày một nhanh và mạnh, tạo nên những bất cập trong trạng thái xã hội, con người tại đô thị đó; Từ những vấn đề trên dẫn tới thúc đẩy thay đổi phương pháp quy hoạch đô thị (tích hợp các loại quy hoạch chung, chi tiết tới quy hoạch chiến lược và quy hoạch hành động).
Trong khuôn khổ nội dung bài tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục đã nêu lên những quan điểm tiếp cận mới - cái nhìn khác về đô thị tương lai. Cụ thể hơn về đổi mới hệ sinh thái tự nhiên-xã hội trong đô thị, trong đó là quan hệ của con người đối với tự nhiên thay đổi căn bản, vấn đề sinh thái đã trở thành một vấn đề cốt tử của đời sống loài người và đô thị sinh thái - xanh - thân thiện con người là xu thế toàn cầu. Diễn giả cũng nêu lên cách hiểu về Eco- Friend Cities: một khu định cư của con người được mô phỏng theo cấu trúc và chức năng tự phục hồi của hệ sinh thái tự nhiên", hướng tới một hình thái cao nhất của đô thị đương đại, định hướng bền vững. Từ đó đặt ra câu hỏi: cộng đồng nào có thể sinh sống và vận hành những đô thị thông minh và bền vững này. Đây cũng chính là sứ mệnh đặt ra cho Khoa Các khoa học liên ngành, đơn vị tiên phong đào tạo về lĩnh vực Đô thị trong ĐHQGHN với 2 bậc đào tạo: Bậc cử nhân Quản trị đô thị thông minh & bền vững; Bậc Cao học Quản lí phát triển đô thị.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục cũng mong muốn buổi tọa đàm trở thành một động lực thay đổi nhận thức dành cho không chỉ các học viên, sinh viên, người quan tâm tới đô thị, quản lí phát triển đô thị hay quy hoạch đô thị. Mà còn là nơi để trao đổi, chia sẻ, bổ sung nhận thức lẫn nhau từ phía các nhà khoa học trong cùng lĩnh vực. PGS khao khát lan tỏa giá trị về định hướng liên ngành trong cả vấn đề đào tạo cũng như phát triển đô thị đương đại, cũng như kỳ vọng sinh viên, học viên về lĩnh vực đô thị của Khoa sẽ là con người chủ thể để vận hành đô thị, hiểu đô thị là một tiến trình, là một “cơ thể sống”, là sự tham gia vào đô thị một cách hạnh phúc, trân trọng chứ không phải chỉ là một mục đích để đạt được kết quả cố định nào đó.
Tọa đàm đã nhận được rất nhiều câu hỏi quan tâm từ khán giả theo dõi xoay quanh các vấn đề về quan điểm của đô thị, sự phát triển của đô thị, những thực trạng đã đang và sẽ diễn ra của đô thị từ quá khứ tới tương lai. PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục cũng trao đổi với khán giả về quan điểm: Phải chăng đô thị đương đại sẽ là nơi chốn lưu giữ bản sắc độc đáo về văn hóa, con người và giữ gìn di sản độc đáo dân tộc trong đời sống hiện đại. Phải chăng đô thị hôm nay đang tạo ra không gian sống để con người cá nhân sẽ tự nâng lên thành công dân toàn cầu, cùng gánh trách nhiệm về bảo vệ môi trường, về lao động sáng tạo, công bằng và loại bỏ sự nghèo nàn... Sứ mạng của đô thị là phải đáp ứng những nhu cầu chân chính đó, là mở rộng các không gian liên kết của khoa học, công nghệ, kinh doanh hay văn hóa, sáng tạo và nghệ thuật – Để đổi mới xã hội.
Tọa đàm được tổ chức qua cả 2 hình thức: trực tiếp và trực tuyến, đã gặt hái được thành công tốt đẹp với hơn 20 thành viên tham dự trực tiếp và gần 80 thành viên dự Online. Sự quan tâm của các thành viên, sự hấp dẫn của chủ đề tọa đàm là động lực cho Khoa Các khoa học liên ngành tiếp tục xây dựng và tổ chức các hoạt động đầy ý nghĩa này cho toàn Khoa cũng như lan tỏa rộng rãi hơn nữa nhằm thu hút các nhà khoa học tới sinh hoạt tại Khoa. Hơn thế nữa, đây cũng chính là một sự bảo chứng về chất lượng và tâm huyết mà các giảng viên tổ bộ môn Đô thị và Vùng lãnh thổ muốn lan tỏa tới các thế hệ sinh viên và học viên ngành Quản trị Đô thị thông minh & bền vững và Quản lí phát triển đô thị tại Khoa.
Thanh Ngọc
CÁC TIN KHÁC