Cập nhật lúc 2024-11-28 00:00:00
Với mục tiêu tôn vinh giá trị của dòng di sản tư liệu - Mộc bản, hội thảo là nơi quy tụ các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế để nghiên cứu chuyên sâu cũng như đưa ra các giải pháp bảo tồn nghề in khắc gỗ và khai thác giá trị của nó trong phát triển du lịch và văn hóa.
Sáng 26/11/2024, Hội thảo quốc tế lần thứ 10 của Hiệp hội Mộc bản Quốc tế (IAPW) với chủ đề “Mộc bản - Di sản và Công nghệ” đã diễn ra tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Sự kiện do Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN là đơn vị đại diện Việt Nam đăng cai thực hiện, phối hợp với Viện Nghiên cứu Hàn Quốc và Hiệp hội Mộc bản Quốc tế tổ chức. Đây là một sự kiện quan trọng đối với việc từng bước khẳng định vị thế và uy tín học thuật của Nhà trường trong lĩnh vực Di sản ở cả trong nước và quốc tế.
Di sản mộc bản là một trong những loại hình di sản tư liệu mang nhiều giá trị cả ở góc độ vật thể và phi vật thể. Một số di sản mộc bản quý của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh như Mộc bản triều Nguyễn (1802-1945), Mộc bản kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm... Di sản mộc bản không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, tôn giáo, mà còn là hình thức lưu giữ và trao truyền các hệ thống giáo lý, văn hóa, tinh thần cũng như triết lý của Phật giáo tại Việt Nam. In khắc mộc bản còn là tri thức dân gian của thợ thủ công, của làng nghề từ việc chế tác mộc bản (chọn gỗ, xử lý gỗ, viết chữ, khắc chữ, khắc trang trí) đến việc trao truyền tri thức của nghề cho thế hệ sau. Di sản tư liệu từ mộc bản góp phần lưu giữ các ký ức về đời sống của người dân, các sự kiện lịch sử, truyền thuyết dân gian.
Tuy nhiên, sự suy giảm nghiêm trọng của nghề in mộc bản do sự phát triển của kỹ thuật in ấn hiện đại, cũng như sự thất thoát của các tư liệu mộc bản được lưu trữ cũng là một vấn đề cần đặt ra đối với các nhà nghiên cứu và công tác bảo tồn Mộc bản cũng như nghề in khắc gỗ. PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng đã từng đặt ra một câu hỏi: “Nhà Nguyễn để lại cho chúng ta hơn 50 nghìn tấm mộc bản, nhưng hiện tại chúng ta chỉ còn lưu lại được hơn 30 nghìn tấm, vậy những tấm còn lại lưu lạc ở đâu”?. Bên cạnh đó, sự phát triển như vũ bão của công nghệ in ấn hiện đại như: 2D, 3D, AI… có tác động như thế nào tới in khắc gỗ truyền thống? Liệu có sự kết hợp kỳ diệu nào giữa hiện đại và truyền thống để tái dựng lại những giá trị quý báu của nghề in mộc bản hay không? Điều này càng thôi thúc chúng ta, những nhà nghiên cứu về nghề in khắc gỗ phải tiến hành công cuộc bảo tồn Mộc bản song hành với sự phát triển của công nghệ hiện đại với mục tiêu nâng cao hơn nữa giá trị của nghề in khắc gỗ cũng như bảo tồn di sản tư liệu quý báu của quốc gia. Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản mộc bản là thực sự cần thiết nhằm góp phần giới thiệu các giá trị văn hóa, lịch sử từ nguồn tư liệu này. Ngoài ra, đó cũng là một cách để giới thiệu tri thức dân gian của người thợ thủ công, của làng nghề khi đối mặt với nguy cơ mai một và không còn được trao truyền nữa, không chỉ ở Việt Nam mà còn của cả Đông Nam Á.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu khẳng định “Di sản và công nghệ không còn đơn thuần là những cách tiếp cận mà đó cũng là định hướng quan trọng để những người thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị của mộc bản cần hướng tới trong thời gian tới. Do đó, thông qua việc tổ chức hội thảo lần này, Nhà trường cũng thể hiện mong muốn tìm hiểu và nghiên cứu mộc bản ở một góc độ sáng tạo, tích cực và gần gũi với đời sống thực hành văn hóa hiện nay hơn”.
Cũng trong phiên toàn thể, PGS.TS. Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thành viên ban lãnh đạo Hiệp hội Mộc bản Quốc tế, đồng thời phụ trách chuyên môn tại Hội thảo Mộc bản Quốc tế lần thứ 10, cũng chia sẻ tầm quan trọng của sự kiện này trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản mộc bản. Bên cạnh đó, TS.Kang Bo Seung, giảng viên Đại học Quốc gia Kyungpook giới thiệu vị trí quan trọng của Mộc bản trong di sản văn hóa Hàn Quốc thông qua việc lưu giữ văn học, nghệ thuật và truyền bá tri thức với nhiều loại mộc bản khác nhau, được thiết kế riêng cho một mục đích cụ thể như: in khẩu hiệu, thư pháp, hình ảnh trên bìa sách hoặc thư từ.
Hội thảo được diễn ra với các phiên và nội dung phong phú, giàu hàm lượng khoa học, tập trung 1 phiên toàn thể và 3 phiên tiểu ban, cuối mỗi phiên họp đều có phần thảo luận để tăng cường giao lưu học thuật chuyên môn.
Từ góc nhìn di sản, các tham luận đã tập trung giới thiệu, thảo luận về các kho di sản mộc bản ở Đông Á, trong đó ở Việt Nam có Trung tâm lưu trữ 4 ở Đà Lạt, Trường học Phúc Giang ở Hà Tĩnh, đền Bắc Lệ ở Lạng Sơn, làng khắc in mộc bản Thanh Liễu ở Hải Dương, bộ mộc bản sách Đại Nam thực lục.
Ở Hàn Quốc có bài giới thiệu chung về mộc bản Hàn Quốc, kho Khuê Chương các (Kyujanggak) và bộ mộc bản sách Đại Đông vận phủ quần ngọc (Daedong Unbugunok 大東韻府群玉).
Ở Trung Quốc có bảo tàng mộc bản Dương Châu và Dương Châu thi cục. Ở Nhật Bản có sưu tập ấn phẩm tranh khắc gỗ mới Shin-Hanga của Shōtarō Satō.
Qua các tham luận vừa có độ bao quát, vừa có tính chuyên sâu này, có thể thấy, di sản mộc bản là mối quan tâm chung của các nước Đông Á, có mức độ phổ biến xã hội cao, gắn với văn hoá in ấn của từng khu vực và từng thời kì, góp phần tạo nên sự bảo tồn và lưu truyền tri thức trong khu vực.
Từ góc nhìn công nghệ, các tham luận đã thảo luận về phương thức bảo quản mộc bản, xác định chất liệu gỗ khắc ván, ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo để khôi phục mô hình 3D mộc bản. Các tham luận này đã nhìn nhận mộc bản từ góc độ kĩ thuật tạo tác, bảo tồn, phục dựng, nhân bản. Đây là những điều vô cùng cần thiết để bảo quản lâu dài để có thể phát huy giá trị mộc bản bằng các phương thức công nghệ vừa truyền thống vừa hiện đại.
Các phiên tham luận đã mang tới nhiều khía cạnh then chốt trong lĩnh vực mộc bản học, từ di sản đến công nghệ, từ kĩ thuật tạo tác đến văn hóa in ấn, từ truyền thống tới hiện đại, từ hàn lâm đến bình dân, cũng như các ý tưởng, đề xuất thực tế hóa công cuộc bảo tồn, phát triển và khai thác Mộc bản vào phát triển văn hóa, du lịch. Hội thảo cũng kỳ vọng được xem xét thêm theo hướng mở rộng và đi sâu, đối chiếu và so sánh liên quốc gia, nhằm thúc đẩy lĩnh vực mộc bản học có những bước phát triển mới, đóng góp vào sự phát triển của học thuật nói chung, của các lĩnh vực mộc bản học, di sản học nói riêng.
Hội thảo Mộc bản - Di sản và công nghệ đã diễn ra nghiêm túc, có chiều sâu, giàu hàm lượng khoa học với các ý kiến đa chiều, mang tới nhiều đóng góp vào việc nâng cao nhận thức, và cũng là là động lực cho những hành động cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản mộc bản. Hội thảo lần này cũng là cột mốc khẳng định uy tín học thuật của Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật trong mọi lĩnh vực, phương diện của ngành Di sản, từng bước đặt nền móng cho một đơn vị tiên phong đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực Di sản trên toàn quốc.
(Bài và ảnh) Thanh Ngọc - Minh Thảo
CÁC TIN KHÁC