Cập nhật lúc 2024-10-25 00:00:00
Trong 2 ngày 24-25/10/2024, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (KHLN&NT), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Tạp chí Kinh tế Môi trường chủ trì tổ chức Hội thảo quốc tế chuyển đổi xanh lần thứ nhất với chủ đề “Chuyển đổi xanh trong bối cảnh biến đổi toàn cầu năm 2024”, tại tầng 18, Eurowindow Office Building, số 2 Tôn Thất Tùng, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội. Đây cũng là một điểm nhấn khẳng định vị thế của Nhà trường về kinh nghiệm hơn 10 năm đào tạo trong lĩnh vực Biến đổi khí hậu và Khoa học bền vững.
“Hội thảo quốc tế chuyển đổi xanh lần thứ nhất” là một sự kiện quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi mà các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đang trở nên vô cùng cấp thiết. Hội thảo không chỉ là một diễn đàn khoa học liên ngành mà còn là cầu nối để chia sẻ những ý tưởng sáng tạo, các chính sách và kinh nghiệm thực tiễn từ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, bền vững.
Đến dự Hội thảo có các đại diện từ ĐHQGHN gồm: TS. Nguyễn Trung Hiển, Phó Trưởng ban, Ban Hợp tác và Phát triển. Về phía Trường KHLN&NT: PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Nguyễn Việt Khôi, Phó Hiệu trưởng Nhà trường. Đại diện các đơn vị đối tác đào tạo ở các lĩnh vực: Biến đổi khí hậu, Phát triển đô thị, khoa học bền vững, Giáo dục; Đại diện các đơn vị tài trợ: VINIF-VINBIGDATA, CIRAD, CIAT, KORO; Các đơn vị Báo chí truyền thông, các học giả, nhà nghiên cứu, các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực ở cả trong nước và quốc tế cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của Trường KHLN&NT.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định tầm quan trọng của việc kết nối giữa lý thuyết và thực tiễn trong giáo dục; Việc tổ chức Hội thảo chuyển đổi xanh là hành động tất yếu nhằm làm rõ thực trạng, thách thức và giải pháp cho việc ứng phó với tác động của Biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, “đây cũng là những bước đầu tiên để Nhà trường hướng tới mục tiêu biến Hội thảo Chuyển đổi xanh thành một hội thảo thường niên, trong đó sẽ tập trung xem xét xu hướng chuyển đổi xanh như một thực hành quản lý về chính sách cũng như một hướng tiếp cận khoa học mang tính ứng dụng theo quan điểm liên ngành”.
Hội thảo được tiến hành với 1 phiên toàn thể gồm các nội dung trao đổi đến từ các chuyên gia ở cả trong và ngoài nước:
1. Prof. Sadhan Kumar Ghosh, from Jadavpur University, Kolkata, India, Circular Economy in the Global Perspective for the Next Gen - Kinh tế tuần hoàn trong viễn cảnh toàn cầu cho thế hệ tiếp theo;
2. Prof. Tran Dinh Thien, from Vietnam Institute of Economics, Green Growth and Green Transformation for Sustainable, Prosperous, and Safe Development: Global, Vietnam - Tăng trưởng xanh và chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững, thịnh vượng và an toàn: Toàn cầu, Việt Nam;
3. Prof. Rizalinda De Leon, from University of the Philippines-Diliman, Philippines, Emission Reduction and Energy Transition: The Race to Net-Zero - Giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng: Cuộc đua hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0;
4. Marcos Dominguez Viera, from Wageningen Economic Research, Wageningen, the Netherlands, Food System Transformation Trade-offs in Vietnam: A Scenario Simulation Study - Sự đánh đổi trong chuyển đổi hệ thống thực phẩm ở Việt Nam: Nghiên cứu mô phỏng tình huống
Tiếp đó là 8 phiên nội dung thảo luận diễn ra trong cả ngày với các nội dung chính bao gồm:
- Phiên I, Chính sách, quản lý và kinh nghiệm trong chuyển đổi xanh: Đề cập đến những thách thức và cơ hội trong việc chuyển đổi năng lượng tái tạo tại Việt Nam, cũng như các chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn. Những kinh nghiệm thực tiễn từ các lĩnh vực khác nhau sẽ được chia sẻ thông qua các bài trình bày như:
- Phiên II, Chuyển đổi xanh trong bối cảnh chuyển đổi số: Sự tích hợp giữa công nghệ số và chuyển đổi xanh sẽ là chủ đề trung tâm. Những nghiên cứu về ứng dụng công nghệ thông tin trong công-nông nghiệp, cũng như việc xây dựng hệ sinh thái giáo dục số sẽ được thảo luận, nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong việc tối ưu hóa quy trình sản xuất và bảo vệ môi trường:
- Phiên III, Giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng: Thảo luận về các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi năng lượng sang các nguồn tái tạo. Các nghiên cứu trường hợp từ nhiều quốc gia sẽ chỉ ra những mô hình thành công và các phương pháp kỹ thuật hiệu quả:
- Phiên IV, Thảm họa, môi trường và biến đổi khí hậu: Biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế, xã hội, đời sống và môi trường sinh thái, phiên này sẽ tập trung vào đánh giá tác động của biến đổi khí hậu cũng như các giải pháp thích ứng tại các khu vực đô thị, nông thôn, miền núi và các vùng dân cư ven biển tại Việt Nam;
- Phiên V, Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn: Các bài viết trong phiên này phân tích các mô hình kinh tế chia sẻ, tái chế và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Những thách thức trong việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam sẽ được thảo luận, nhằm tìm ra các giải pháp khả thi;
- Phiên VI, Vật liệu thân thiện với môi trường và công nghệ các-bon thấp: Các nghiên cứu về vật liệu xây dựng từ đất sét tự nhiên và công nghệ xử lý chất thải sẽ được chia sẻ, phản ánh sự phát triển của các công nghệ mới nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường;
- Phiên VII, Sinh thái nông nghiệp và hệ thống thực phẩm bền vững: Những nghiên cứu về nông nghiệp và tác động của môi trường, thực phẩm, đến hành vi tiêu dùng sẽ giúp mở rộng hiểu biết về cách mà thực phẩm có thể được sản xuất và tiêu thụ một cách bền vững;
- Phiên VIII, Văn hóa, giáo dục và truyền thông về chuyển đổi xanh: Phiên này sẽ tìm hiểu vai trò của giáo dục và truyền thông trong việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi xanh, bao gồm cả sự tham gia của các cộng đồng địa phương và các chiến lược giáo dục để thúc đẩy các hành động bền vững.
Tất cả các bài viết tham dự Hội thảo sẽ được đăng ở hai nguồn uy tín: (1) Kỷ yếu tại NXB Taylor & Francis, (2) Tạp chí quốc tế Quản lý chất thải rắn (Q4), đây cũng là một cách để đơn vị tổ chức tri ân các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đóng góp ý kiến, xây dựng Hội thảo và lưu trữ các giá trị khoa học trong công tác Chuyển đổi xanh.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người. Trong bối cảnh của một thế giới đầy biến động ngày nay với những biến đổi nhanh chóng của khí hậu, sự suy thoái tài nguyên và môi trường và những đòi hỏi ngày càng cao của con người, chuyển đổi xanh đang dần được lựa chọn như một trong những xu thế phát triển chủ đạo của nhân loại nhằm hướng tới xây dựng một xã hội bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững. Phát biểu tại Phiên toàn thể của Hội thảo, GS. Sadhan Kumar Ghosh, đến từ Đại học Jadavpur, Kolkata, India đã nhấn mạnh: “Kinh tế tuần hoàn trong khuôn viên trường học hướng tới phát triển bền vững, nâng cao nhận thức cho học sinh, những công dân thế hệ tiếp theo của toàn cầu. Các em cần hiểu được giá trị của chất thải được tạo ra, các vấn đề liên quan đến việc tạo ra chất thải, 3R và nền kinh tế tuần hoàn từ sớm. Thế hệ trẻ có nguồn năng lượng mạnh mẽ để cùng chúng ta thay đổi thế giới, bắt đầu từ những thay đổi nhỏ trong thói quen phân loại và tái chế rác thải”.
Hội thảo cũng đã diễn ra nhiều phiên thảo luận sôi nổi, nơi các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và thành tựu trong hoạt động chuyển đổi xanh ở các lĩnh vực: phát triển đô thị bền vững, quản lý tài nguyên thiên nhiên, và vai trò của công nghệ trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, năng lượng tái tạo, chính sách, hệ sinh thái hay nguồn năng lượng mới…Bên cạnh các phiên thuyết trình, hội thảo còn tổ chức các hoạt động giao lưu, tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu và sinh viên chia sẻ ý tưởng và xây dựng mạng lưới hợp tác trong tương lai. Đặc biệt, Hội thảo nhận được sự quan tâm đồng tổ chức từ Tạp chí Kinh tế Môi trường và GreenTech; Đồng thời được tài trợ bởi Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF - VINBIGDATA), Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Pháp cho phát triển quốc tế (CIRAD), Trung tâm Quốc tế Nông nghiệp nhiệt đới (CIAT), Công ty CP KORO…từng bước tạo nên mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa hoạt động nghiên cứu khoa học, xã hội và doanh nghiệp.
Sau một ngày làm việc đầy nghiêm túc, khẩn trương cùng các bài tham luận giàu hàm lượng khoa học, Hội thảo đã bao quát, đề cập khá toàn diện các vấn đề của Chuyển đổi xanh nhằm chuyển tải ba thông điệp quan trọng gồm:
1. Chuyển đổi xanh là xu hướng thời đại, mang tầm vóc toàn cầu, và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Việt Nam đã xác định chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược, là động lực chính và con đường ngắn nhất để phát triển kinh tế bền vững. Điều này được khẳng định rõ nhất với cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26);
2. Hai là, Chuyển đổi xanh là quá trình dài hạn, đòi hỏi sự kiên trì, chủ động tích cực của toàn xã hội. Trong quá trình Chuyển đổi xanh, Việt Nam đối diện nhiều thách thức, đặc biệt về vốn đầu tư, công cụ pháp lý và triển khai thực tế hiệu quả, hiệu suất. Nhưng trong dài hạn, những thành quả gặt hái được từ Chuyển đổi xanh sẽ đưa chúng ta lên một tầm cao mới của một xã hội văn minh về sản xuất, tiêu dùng hiệu quả và bền vững;
3. Chuyển đổi xanh yêu cầu phải có tư duy đổi mới và sáng tạo trong cách làm, trong cách thức thực hiện, có thể chế đột phá, thí điểm, phải dựa vào ứng dụng công nghệ mới, phát triển các mô hình mới, sáng tạo trong huy động nguồn lực và phải gắn với liên kết và phối hợp, kể cả hợp tác quốc tế. Tất cả các tầng lớp xã hội cần phải vào cuộc ngay, phải chung tay, phối hợp để cùng đóng góp cho quá trình chuyển đổi xanh này nhanh và hiệu quả, giúp chúng ta đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Hội thảo Quốc tế Chuyển đổi xanh lần thứ nhất đã diễn ra thành công tốt đẹp, khẳng định cam kết của Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc thúc đẩy giáo dục và nghiên cứu liên quan đến phát triển bền vững, đồng thời khẳng định vị thế của Nhà trường trong công tác đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực Biến đổi khí hậu và Khoa học bền vững nhiều năm qua.
CÁC TIN KHÁC