Toạ đàm khoa học | Biểu Tây Sơn Song Phong: Phương pháp thiết lập hệ thống phương vị Hoàng Thành Thăng Long

Cập nhật lúc 2022-03-15 21:51:01

 Sáng ngày 16 tháng 3 năm 2022 Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học thường kỳ với chủ đề “Biểu Tây Sơn Song Phong: Phương pháp thiết lập hệ thống phương vị Hoàng Thành Thăng Long”. Tới dự buổi tọa đàm này có Ban chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành, chủ nhiệm Khoa Nguyễn Văn Hiệu, phó chủ nhiệm Khoa Nguyễn Kiều Oanh cùng toàn thể cán bộ, giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành và đông đảo người quan tâm.

Diễn giả chính của buổi toạ đàm, TS. Đinh Thế Anh, giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành đã trình bày tham luận với chủ đề “Biểu Tây Sơn Song Phong: Phương pháp thiết lập hệ thống phương vị Hoàng Thành Thăng Long”. Cùng với đó, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục đã dẫn dắt giới thiệu và bình luận về buổi toạ đàm.  

TS. Đinh Thế Anh chỉ ra rằng quy hoạch thành Thăng Long là một phần quan trọng trong lịch sử quy hoạch kinh thành Việt Nam. Dựa trên những bằng chứng trong các tư liệu sử, các nghiên cứu khảo cổ và khảo sát thực địa, cho thấy một phương pháp chung của các nước đồng văn đối với vấn đề xác định phương vị Cung thành, đó là Biểu Sơn Phong (表山峰). Tác giả đã sử dụng phương pháp kiểm định giả thuyết trên nền tảng mô phỏng dữ liệu địa lý GIS và cảnh quan LIM để phân tích lý luận cơ sở và cách vận dụng của " Biểu Sơn Phong " trong hoàn cảnh thực tại của thành Thăng Long thời Lý. TS.Đinh Thế Anh khẳng định Hoàng thành Thăng Long thuận theo môi trường tự nhiên và tọa trên kết cấu mạch núi từ dãy Tản Viên đến núi Nùng, kỹ thuật then chốt để thiết lập phương vị là quan trắc và đóng cọc mốc định vị nền móng kiến trúc theo hai đỉnh núi phía tây (Biểu Tây Sơn).

Sau phần trình bày, các đại biểu và khách mời tham dự đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến chủ đề được chia sẻ. PGS.TS Nguyễn Hồng Thục chia sẻ những nghiên cứu về phương vị đã chỉ ra sự riêng biệt trong quy hoạch của Hoàng Thành Thăng Long, bài phát biểu của TS.Thế Anh đã có nhiều nhận định độc đáo, tiếp cận vấn đề từ nhiều góc độ, lĩnh vực khác nhau, như lịch sử, văn học, khoa học không gian... PGS.TS Nguyễn Hồng Thục hi vọng rằng trong tương lai sẽ có nhiều vấn đề khoa học được tiếp cận theo hướng liên ngành như vậy, để các vấn đề khoa học ngày càng được sáng tỏ và đóng góp cho sự phát triển của xã hội, quốc gia.  

 

CÁC TIN KHÁC