Seminar khoa học liên ngành với chủ đề “Đánh giá biến đổi khí hậu của khu vực Đông Nam Á: hiểu các thông số khí hậu để sử dụng phù hợp trong các bài toán đánh giá tác động”

Cập nhật lúc 2022-02-09 07:58:42

Sáng ngày 18/12/2018, Khoa Các khoa học liên ngành tổ chức Buổi seminar khoa học liên ngành với chủ để “Đánh giá biến đổi khí hậu của khu vực Đông Nam Á: Hiểu các thông số khí hậu để sử dụng phù hợp trong các bài toán đánh giá tác động” dưới sự chủ trì của GS. Phan Văn Tân – Chủ tịch Hội đồng Khoa học & đào tạo và PGS. TS Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành. Tham dự Buổi seminar, có hơn 30 nhà khoa học, các học viên và toàn thể cán bộ, nhân viên của Khoa. Buổi seminar diễn ra trong bầu không khí trang trọng và tràn đầy ý nghĩa.

Mở đầu Buổi seminar khoa học, GS. Phan Văn Tân đã phát biểu trào mừng các nhà khoa học, giảng viên, học viên và toàn thể cán bộ, nhân viên của Khoa đã dành thời gian quý báu tham dự Buổi seminar khoa học liên ngành. Đồng thời, Giáo sư cũng nhấn mạnh đến việc hiểu đúng và sử dụng thông tin cho các bài toán đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực trong đời sống xã hội hiện nay là hết sức quan trọng.

Ngay sau phát biểu của Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo của Khoa Các khoa học liên ngành, PGS. TS Ngô Đức Thành – Đồng Trưởng Khoa Vũ trụ và Hàng không, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã khái quát quá trình nghiên cứu về biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Việt Nam. Nghiên cứu đầu tiên về BĐKH tại Việt Nam được công bố vào năm 2009 đã sử dụng mô hình RegCM3 nhằm giải quyết 04 vấn đề (hoàn lưu trên khu vực, phân bố không gian mưa nhiệt theo các điểm tiêu biểu trên lưới, biến trình năm của nhiệt, vai trò của địa hình). Nghiên cứu thứ hai sử dụng mô hình khí hậu khu vực (3 RCMs) năm 2014 với độ phân giải 36 và 25 km trong giai đoạn 1980-1990 theo kịch bản A1B thông qua việc phân tích số liệu từ 61 trạm quan trắc. Nghiên cứu thứ ba là các thí nghiệm về độ nhạy cho khu vực Đông Nam Á năm 2017 – 2018 với mô hình ReCM4 trong giai đoạn 1989-2008 với độ phân giải 36 km và 18 thí nghiệm. Nghiên cứu thứ tư là Đánh giá tích hợp tác động và ứng phó với BĐKH đang được triển khai. PGS. TS Ngô Đức Thành cũng nhấn mạnh các mô hình đánh giá BĐKH luôn có sai số hệ thống. Do đó, khi sử dụng số liệu cho các bài toán đánh giá tác động của BĐKH phải cân nhắc đến các vấn đề: 1) số liệu đã được hiệu chỉnh hay chưa? 2)số liệu đã được tổ hợp chưa?

Sau phần trình bày của PGS.TS Ngô Đức Thành, GS. Phan Văn Tân cung cấp thêm một số thông tin về nghiên cứu BĐKH ở Việt Nam. Nghiên cứu về BĐKH ở Việt Nam đã có từ lâu rồi, nhưng nó chỉ xung quanh những người làm về khí tượng trước năm 2000. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn tài liệu hiếm vì đất nước chưa mở cửa với bên ngoài. Từ sau khi UNDP đưa ra dự báo về BĐKH dựa trên kịch bản A2 cho rằng vùng Đồng bằng Nam bộ của Việt Nam sẽ ngập 1m trong nước biển vào năm 2020. Do đó, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH vào năm 2008. Từ đó đến nay, vấn đề BĐKH của Việt Nam đã được đề cập nhiều hơn và thu hút được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước.

Tiếp theo, các nhà khoa học đã dành thời gian trao đổi thảo luận nhiều vấn đề liên quan đế phần trình bày của PGS. TS Ngô Đức Thành. Nổi bật là các vấn đề như sau: 1) Tại sao khi sô liệu ở các vùng biển ít chính xác hơn so với vùng đất liền? (TS.Trần Anh Quân – Đại học Mỏ Địa Chất). 2) Số liệu trong các nghiên cứu này đã đến độ cao chưa? 3) Dựa vào tính tự nhiên theo thuyết GAIA, thế giới đã làm như thế nào và đến đâu rồi để thích nghi với những thay đổi của hiện tượng bức xạ mặt trời trên trái đất? (PGS.TS Mai Văn Hưng – Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN). 4) Tiêu chí nào để sàng lọc các mô hình đáng tin cậy? 5) Có chi tiết hóa đến tỷ lệ nào trong các mô hình nghiên cứu biến đổi khí hậu/ (TS. Đặng Vũ Khắc – Đại học Sư phạm Hà Nội). 6) Các nhà khoa học gặp khó khăn gì trong việc tính toán các mô hình biến đổi khí hậu? (PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh). 7) Các mô hình nghiên cứu đều có sai số, vậy chúng ta nên dùng phương pháp hiệu chỉnh sai số gì cho phù hợp? (TS. Dư Đức Thắng – Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN), …

Sau phần thảo luận giữa các nhà khoa học về các vấn đề  quan tâm, PGS. TS Nguyễn Thị Hồng Minh đã bày tỏ sự cám ơn sâu sắc tới các nhà khoa học, các giảng viên, học viên và cán bộ của Khoa đã dành thời gian quý báu để chia sẻ kết quả nghiên cứu cũng như những hướng nghiên cứu mới về khoa học liên ngành. Chủ nhiệm Khoa cũng thông báo Khoa sẽ tổ chức Buổi seminar khoa học về chủ đề “Phong thủy trong đô thị” vào tháng 1/2019 và hy vọng các nhà khoa học, các giảng viên, học viên cũng như toàn thể cán bộ của Khoa sẽ danh thời gian tham dự và chia sẻ nghiên cứu với Khoa.

CÁC TIN KHÁC