Cập nhật lúc 2022-02-09 07:58:43
Để có được những đô thị phát triển mạnh mẽ và bền vững, nguồn nhân lực có vai trò quan trọng bậc nhất, đặc biệt là nhân lực về quản lý đô thị. Đây là vấn đề chính được các chuyên gia và nhà quản lí bàn luận tại Hội thảo “Yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong quản lí phát triển đô thị” diễn tại tại Tp. Bắc Ninh, hôm nay (10/1).
Theo khảo sát của Khoa các Khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay nhu cầu tuyển dụng nhân lực cho quản lí phát triển đô thị tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là rất lớn. Trên 60% các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng nhân sự hoặc cử cán bộ đi đào tạo thuộc lĩnh vực này.
Hiện nay, tiến trình đô thị hóa gia tăng nhanh tại các đô thị lớn và hệ thống các đô thị cũng được phân bố khá đồng đều trên phạm vi toàn quốc. Sự hình thành các đô thị mới bên cạnh các đô thị cũ, đặt ra yêu cầu phải có sự đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tất cả những vấn đề này cần phải có đội ngũ nhân lực mới có kiến thức, tư duy và cách tiếp cận liên ngành trong công tác quản lí phát triển đô thị.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã phân tích thực trạng về nguồn nhân lực phục vụ quá trình quản lí phát triển đô thị tại Việt Nam hiện nay. Theo đánh giá chung, nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng được với nhu cầu mới của quá trình đô thị hóa, phần lớn cán bộ tham gia công tác quản lí đô thị chỉ được đào tạo theo tính đơn ngành; trong khi đó công tác quản lí phát triển đô thị cũng được thực hiện theo hướng đơn ngành, tại các bộ ngành riêng biệt.
Ông Cao Văn Hà – Chủ tịch Hội xây dựng Bắc Ninh cho biết, đối với công tác quản lí phát triển đô thị hiện nay được vận hành theo hướng chính quyền các cấp là người điều hành, khâu nối để các ngành cùng tham gia, từ việc hoạch định chiến lược, chính sách đến việc giải quyết các vấn đề cụ thể. Nhưng mỗi ngành chỉ mang tiếng nói riêng của ngành mình, nhiều trường hợp mang tính cục bộ, nhưng chưa đủ kiến thức liên ngành để xử lí các vấn đề. Vì vậy, quản lí phát triển đô thị theo hướng liên ngành là vấn đề cấp thiết của tất cả các đô thị hiện nay.
“Từ tính chất quan trọng của công tác quản lí đô thị mang tính liên ngành, yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lí phải tư duy tổng thế và cách tiếp cận liên ngành” – ông Cao Văn Hà nói.
Mai Vân (Dẫn theo Kinh tế & Đô thị)
CÁC TIN KHÁC