Tọa đàm: "Nghê nơi cửa Khổng sân Trình", cuộc đối thoại liên ngành của Di sản - Công nghệ và nghệ thuật

Cập nhật lúc 2023-12-13 17:00:00

Khi công nghệ hiện đại kết hợp với di sản truyền thống để biến mọi vật đều trở thành vốn tài sản trí tuệ trong thời đại kỷ nguyên số. Vạn vật đều có khả năng tự mình trở thành “một cuốn sách” về chính bản thân mình như cách hình tượng Nghê của văn hóa Việt đang được nghiên cứu và thử nghiệm.  

Chiều 13/12/2023, trong khuôn khổ của triển lãm nghệ thuật “Dòng chảy thời gian” thuộc chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐH Quốc gia HN, Khoa Các khoa học liên ngành tổ chức tọa đàm “Nghê nơi cửa Khổng sân Trình, cuộc đối thoại liên ngành của di sản - công nghệ và nghệ thuật”, là nơi gặp gỡ của các chuyên gia thuộc 3 lĩnh vực: Công nghệ, Di sản và Nghệ thuật.

Tham dự với tọa đàm có TS.Nguyễn Kiểu Oanh, Phó Chủ nhiệm Khoa Các KHLN; Các lãnh đạo phòng ban chức năng của Khoa; Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực di sản, văn hóa, công nghệ; Cùng các sinh viên ngành Di sản, Thương Hiệu, Giải trí-Sự Kiện, Đô thị của Khoa đang học tập tại Hòa Lạc. 

Phó chủ nhiệm Khoa - TS.Nguyễn Kiều Oanh phát biểu khai mạc tọa đàm

Tọa đàm được thực hiện bởi: TS. Trần Hậu Yến Thế - Giảng viên Khoa Các KHLN, ĐHQGHN; Diễn giả Huy Nguyễn, CEO Phygital Labs, ủy viên BCH Hội tin học VN; Nhà báo Đinh Đức Hoàng, Phó Tổng giám đốc - Trung tâm thông tin UNESCO (Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam).

Tọa đàm thu hút đông đảo sự quan tâm của sinh viên và các chuyên gia trong lĩnh vực di sản - công nghệ - nghệ thuật

Nội dung chính của tọa đàm tập trung vào các vấn đề: Giao thoa công nghệ và văn hóa; Từ di sản tới cuộc sống; Linh vật nghê - dòng chảy kết nối. Trong đó, nội dung trình bày của các diễn giả thể hiện sự kết nối linh hoạt và chặt chẽ giữa:

Lĩnh vực Công nghệ - trong thử nghiệm với hình tượng Nghê tại Văn Miếu, kết hợp giữa linh vật Nghê hữu hình với ấn phẩm về Nghê được số hóa. CEO Huy Nguyễn đã hướng dẫn độc giả chỉ với 1 thao tác quét chip điện tử tại đế linh vật Nghê bằng đồng là chúng ta đã dễ dàng tiếp cận với câu chuyện lịch sử của biểu tượng Nghê tại di tích Văn Miểu - Quốc Từ Giám. Sản phẩm này cũng là sản phẩm tiên phong cho việc biến mỗi di sản trở thành một cuốn sách về chính mình - xác định danh tính bản thân một cách độc đáo; 

Diễn giả Huy Nguyễn trình bày về công nghệ “vật lý số” và triển vọng mới trong xuất bản

Về Di sản - hình tượng Nghê, dưới góc nhìn và công trình nghiên cứu của TS. Trần Yên Thế cho chúng ta thầy, sau nhiều thế kỷ canh giữ các không gian thiêng của người Việt Nam, Nghê đã trở thành một biểu tượng linh thiêng mang đậm dấu ấn văn hóa nội sinh của người Việt. Đó là hình ảnh mà người Việt gửi gắm sự tin tưởng vào lòng chính trực, nỗi khát khao về cái thiện, niềm hân hoan trước những điều tốt lành. Hình ảnh Nghê ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long là một biểu tượng tập hợp những nét nghĩa thiện lành như thế. Và linh vật Nghê được lựa chọn làm đối tượng nghiên cứu đầu tiên hỗ trợ cho công tác số hóa, kết hợp giữa công nghệ với di sản để hội nhập quốc tế, đưa di sản lan xa hơn; 

Diễn giả TS. Trần Hậu Yên Thế tại buổi tọa đàm "Nghê nơi cửa Khổng sân Trình"

Về mảng gắn kết Nghệ thuật với di sản, công nghệ: Diễn giả Đinh Đức Hoàng đặt ra câu hỏi về vấn đề “ứng dụng” nên là một quá trình hay là một kết quả? Việc đưa nghệ thuật của người xưa đi vào cuộc sống đương đại đòi hỏi những bước nào? Đó có đơn thuần là quá trình sao chép, hay cuộc khai thác từ mỏ quặng này đòi hỏi sự tham gia của các công nghệ mới, từ công nghệ vật liệu đến công nghệ xử lý dữ liệu. Tiếp cận tài nguyên mỹ thuật cổ dưới khía cạnh “vốn” cho sản xuất, kinh doanh - nhận ra nhiều khoảng cách có thể được lấp đầy bởi những thế hệ chuyên gia tương lai từ ĐHQG.

Diễn giả, Nhà báo Đinh Đức Hoàng thảo luận về chủ đề đưa nghệ thuật của người xưa đi vào cuộc sống đương đại

Các chuyên gia của từng lĩnh vực đã khéo léo dẫn dắt các đề tài 1 cách lý thú, có sự gắn kết chặt chẽ và thể hiện được cả sự công phu, tỉ mỉ, trân trọng trong từng nghiên cứu, sáng kiến và thiết kế. Việc Di sản, Công nghệ và Nghệ thuật “bắt tay” tạo nên 1 sản phẩm độc đáo mang định danh được xác thực số, được kiểm tra và tiếp cận 1 cách dễ dàng, được lưu giữ 1 cách hiện đại được các diễn giả mô tả và giới thiệu cụ thể tới độc giả tại hội thảo. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng các em sinh viên cũng rất hào hứng đặt ra các câu hỏi thảo luận xoay quanh vấn đề kết hợp giữa hiện đại và truyền thống thú vị này. 

Các chuyên gia tham dự tọa đàm

Hội thảo đã diễn ra sôi nổi, nghiêm túc và giàu hàm lượng khoa học gắn liền với thực tiễn, mang lại góc nhìn mới mẻ nhưng vô cùng thực tế cho độc giả quan tâm. Đặc biệt, nội dung của hội thảo đã mở ra những góc tiếp cận vô cùng rõ nét cho vấn đề liên ngành từ những lĩnh vực khoa học tưởng chừng như đối lập, đó chính là sự thành công của đồi thoại liên ngành giữa công nghệ, di sản và nghệ thuật. 

Hội thảo là bước khởi đầu cho Khoa Các khoa học liên ngành nhằm định vị thương hiệu của Khoa trong những bước tiến tiên phong của việc nghiên cứu, đào tạo, thực hành các hoạt động, sự kiện và sản phẩm mang định hướng liên ngành, nghệ thuật. 

Thanh Ngọc

 

CÁC TIN KHÁC