Hội thảo khoa học quốc tế: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo

Cập nhật lúc 2023-11-27 01:37:09

Việt Nam luôn tự hào là quốc gia có nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật. Trong đó, nghệ thuật trình diễn dân gian có quy mô rất rộng, nhiều loại hình với những nét đặc sắc riêng biệt. “Chèo” được biết đến rộng rãi trong xã hội Việt Nam bởi sự thân thuộc, mộc mạc qua những chiếu Chèo.

“Di sản cần được nhìn nhận đầy đủ vai trò trong sự thúc đẩy gắn kết xã hội, ý nghĩa xã hội và kinh tế và chia sẻ những bài học kinh nghiệm liên quan tới sứ mệnh tôn vinh đa dạng văn hóa cũng như đối thoại văn hóa. Thành công của hội thảo cũng sẽ góp phần mở rộng khái niệm về di sản văn hóa, lồng ghép di sản sống vào các chính sách và chương trình ở cấp quốc gia và thiết lập vững chắc các nỗ lực bảo vệ ở cấp độ quốc tế”. Trích phát biểu đề dẫn của đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tại Hội thảo "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại". 

Ngày 23/11/2023, tại hội trường khách sạn Dream Thái Bình, Khoa Các khoa học liên ngành (KHLN), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại". Hội thảo có sức hút lớn với các nhà nghiên cứu về di sản trình diễn dân gian, đặc biệt là nghệ thuật Chèo. 

Hội thảo vinh dự đón tiếp: đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Về phía ĐHQGHN có: PGS. TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc ĐHQGHN; PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu - Chủ nhiệm Khoa Các KHLN; TS. Nguyễn Kiều Oanh - Phó Chủ nhiệm Khoa. Về phía Tỉnh Thái Bình: đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình; Đồng chí Vũ Ngọc Trì - Phó chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình; Đồng chí Phạm Đồng Thụy - ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, Trưởng ban tuyên giáo tỉnh ủy. Đại diện ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam: Đồng chí Hoàng Hữu Anh, Phó Tổng thư ký, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa UNC; Về phía Hội Văn nghệ dân gian VN: GS.TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật HN. Cùng sự tham gia của 10 nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật quốc tế đến từ các trường ĐH, Viện nghiên cứu của các quốc gia khác nhau và gần 200 chuyên gia, diễn giả, tác giả tham luận và toàn thể quý vị đại biểu đến từ các Sở, ban ngành, các CLB Chèo trên cả nước; Các đơn vị ngôn luận, truyền thông; Các đơn vị quản lý văn hóa, di sản; Các nhà khoa học và khách mời quan tâm tới lĩnh vực di sản trình diễn dân gian nói chung và nghệ thuật Chèo nói riêng. 

Hội thảo tập trung vào các lĩnh vực chính bao gồm: Nghiên cứu di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo từ cách tiếp cận liên ngành; Sự đa dạng của di sản trình diễn dân gian ở Việt Nam và các nước trên thế giới; Sự biến đổi và phát triển của Nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại; Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và Nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khẳng định: “Thái Bình được biết đến là “cái nôi của nghệ thuật hát chèo”. Năm 2023, nghệ thuật chèo ở tỉnh Thái Bình được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật chèo là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Khoa Các khoa học liên ngành-Đại học Quốc gia Hà Nội và 14 tỉnh, thành phố Bắc Bộ xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật Chèo" đệ trình UNESCO xem xét và ghi danh. Đến nay, các bước quy trình đang tổ chức triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch và hội thảo lần này là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình lập hồ sơ”.

Hội thảo cũng nhận được nhiều lời chúc mừng, động viên, khích lệ rất chân thành và nồng nhiệt đến từ các lãnh đạo đại diện của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Cũng trong khuôn khổ phiên toàn thể, 2 báo cáo đề dẫn được trình bày cũng là những vấn đề trọng yếu của lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian nói chung và nghệ thuật Chèo nói riêng. Các báo cáo làm rõ hơn vai trò, vị trí và ý nghĩa của các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo, đồng thời nêu lên tầm quan trọng của việc ghi danh các loại hình trình diễn dân gian vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Báo cáo của PGS.TS. Filip Kraus, Đại học Palacky, Cộng hòa Séc: “Múa Rối nước và Chèo: Bộ mặt của tâm hồn Việt Nam cần được nghiên cứu, bảo vệ và ghi danh trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO”, nêu lên các lý do cấp thiết mà Chèo và Múa Rối nước, 2 loại hình trình diễn dân gian đặc trưng cần phải được bảo tồn, phát huy và ghi danh. báo cáo chỉ rõ các mối nguy đã và đang diễn ra đối với 2 loại hình trình diễn dân gian này và việc bảo vệ, ghi danh chúng vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể là khẩn thiết. 

Theo mạch trình bày về thực trạng của nghệ thuật Chèo, báo cáo đề dẫn tiếp theo của PGS.TS. Lê Văn Toàn, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam về “ Nghệ thuật sân khấu Chèo và âm nhạc Chèo truyền thống Việt Nam” càng giúp chúng ta nhận thức được ý nghĩa, vai trò, giá trị đặc biệt của nghệ thuật Chèo đối với đời sống tâm hồn, sự lưu trữ nguồn tri thức dân gian phong phú trong từng tác phẩm, lỗi diễn hay từng làn điệu. Phó giáo sư khẳng định “Nghệ thuật sân khấu Chèo - một di sản dân tộc mang nhiều giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật đặc sắc rất xứng đáng đề nghị UNESCO ghi danh di sản VHPVT nhân loại”. 

Với những báo cáo đề dẫn đầu tiên, Hội thảo đã mở ra cánh cửa tư duy cho hành trình bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trình diễn dân gian với đa dạng loại hình khác như: Múa Rối nước, Đờn ca tài tử, truyện kể dân gian, múa truyền thống của các dân tộc… xuyên suốt trong các phiên tiếp theo của Hội thảo.  

Hội thảo khoa học quốc tế "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại" được tổ chức trọn vẹn trong ngày 23/11/2023 với 01 phiên toàn thể, 04  phiên tiểu ban, trong đó: Tiểu ban 1: Nghiên cứu di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo từ cách tiếp cận liên ngành; Tiểu ban 2: Sự đa dạng của di sản trình diễn dân gian ở Việt Nam và các nước trên thế giới; Tiểu ban 3: Sự biến đổi và phát triển của Nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại; Tiểu ban 4: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và Nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại.

Hội thảo cung cấp một không gian nghiên cứu, trao đổi về di sản trình diễn dân gian giàu hàm lượng khoa học, tràn đầy đam mê, nhiệt huyết và cả những tâm huyết của các vị giáo sư, các chuyên gia gạo cội trong nhiều lĩnh vực trình diễn nghệ thuật nói chung và nghệ thuật dân gian nói riêng muốn dành cho tương lai của loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt này.

Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN luôn nỗ lực đi đầu trong công tác thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học mang tính liên ngành và nghệ thuật.. Đặc biệt với ngành di sản, Khoa ngày càng khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực đào tạo chuyên sâu đội ngũ chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành di sản của Việt Nam. Với tiền đề là một đơn vị duy nhất trên cả nước đào tạo đầy đủ cả 3 bậc Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ của ngành Di sản, Khoa đã được các đơn vị, tổ chức tín nhiệm phối hợp tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực di sản cũng như xây dựng hồ sơ ghi danh cho các loại hình di sản. 

Mời quý vị theo dõi một số hình ảnh tại Hội thảo.

 

 

CÁC TIN KHÁC