Hội thảo “Đi vào nghiên cứu liên ngành”

Cập nhật lúc 2022-02-09 07:58:42

Sáng này 16/06/2019, tại nhà G8 – Số 144, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, Khoa Các khoa học liên ngành đã tổ chức Hội thảo “Đi vào nghiên cứu liên ngành” dưới sự đồng chủ trì của hai Phó chủ nhiệm Khoa là PGS. TS. Nguyễn Văn Hiệu và TS. Nguyễn Kiều Oanh. Đại diện cho các thầy, cô có PGS.TS. Ngô Đức Thành, PGS.TS. Mai Văn Hưng và TS. Dư Văn Toán, cùng toàn thể cán bộ, nhân viên và hơn 30 học viên, cựu học viên của Khoa.

Mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu – Phó chủ nhiệm Khoa đã gửi lời chào mừng đến các anh, chị học viên có mặt tại Hội thảo ngày hôm nay. Đồng thời, Phó giáo sư cũng nêu rõ mục đích của Hội thảo là cung cấp cho các học viên của Khoa thông tin về các bước thực hiện luận văn, hướng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu để giúp quá trình thực hiện luận văn của học viên được dễ dàng, thuận lợi và đạt được kết quả tốt hơn.

Tiếp theo, TS. Dư Đức Thắng – Trưởng phòng Đào tạo và công tác sinh viên có phần trình bày về việc thực hiện luận văn thạc sĩ ở Khoa Các khoa học liên ngành. Những thông tin hữu ích về quy trình thực hiện luận văn, điều kiện bảo vệ luận văn, các yêu cầu đối với luận văn và những khó khăn thường gặp của học viên trong quá trình viết luận văn đã được TS. Dư Đức Thắng nêu ra trong phần trình bày của mình.

Sau phần trình bày của TS. Dư Đức Thắng, Chị Nguyễn Thị Vân Tú – chuyên viên phòng Đào tạo và công tác sinh viên đã chủ trì phần thảo luận với việc nêu lên một số câu hỏi cho các anh, chị học viên. Các câu hỏi liên quan đến một số dấu mốc quan trọng trong quá trình thực hiện luận văn như: thời điểm đề xuất ý tưởng đề tài, thời điểm nộp đề cương, các mẫu biểu luận văn, thời gian gia hạn và các thủ tục cần thực hiện khi thay đổi đề tài hoặc giáo viên hướng dẫn.

Kết thúc phần thảo luận ngắn là phần trình bày của PGS.TS. Ngô Đức Thành với tên gọi “Những bước đi vào nghiên cứu liên ngành”. Bài trình bày bao gồm 4 phần chính. Trong phần một – “Chọn chủ đề hay chọn thầy”, Phó giáo sư trình bày một số vấn đề liên quan đến việc chọn đề tài và thầy hướng dẫn của học viên. Theo PGS.Ngô Đức Thành, học viên nên chọn những đề tài mà mình nắm rõ về phương pháp nghiên cứu và số liệu; và chọn thầy hướng dẫn đang có những đề tài, dự án nghiên cứu mà học viên quan tâm. Ở ba phần còn lại là “Xây dựng đề cương”, “Luận văn” và “Bảo vệ kết quả nghiên cứu”, Phó giáo sư đưa ra những gợi ý bổ ích như đặt tên đề tài đơn giản nhưng phải phù hợp, chú ý đến tính liên ngành của luận văn, thể hiện qua các phương pháp, số liệụ, công cụ được sử dụng. Đồng thời, Phó giáo sư cũng nêu ra các lỗi thường gặp mà học viên cần tránh như đạo văn, đạo dịch, hay đề tài quá vĩ mô,…

Sau phần trình bày, PGS.TS. Ngô Đức Thành đưa ra 3 câu hỏi thảo luận: 1) Làm thế nào để xác định được chủ đề nghiên cứu phù hợp. 2) Chọn Thầy hướng dẫn như thế nào và 3) Làm sao để giữ được nhịp độ nghiên cứu và đảm bảo tiến độ luận văn?. Các học viên tham dự Hội thảo được chia thành 3 nhóm tương ứng với 3 câu hỏi để thảo luận. Mỗi nhóm học viên đã có những phần trả lời rất thú vị, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của học viên đối với vấn đề đang được thảo luận.

Tiếp theo, một số cựu học viên đã có những chia sẻ quý báu về kinh nghiệm của bản thân trong việc thực hiện luận văn. ThS.Phạm Đức Thiềng – Cựu học viên chuyên ngành Khoa học bền vững đã đưa ra rất nhiều lời khuyên bổ ích, như học viên cần dành nhiều công sức cho các bước chọn đề tài, xây dựng đề cương và viết luận văn. Đồng thời, học viên cần áp dụng tư duy kết quả trong quá trình thực hiện luận văn để bám sát được tiến độ và nâng cao chất lượng luận văn. ThS. Hồ Xuân Hương – Cựu học viên chuyên ngành Biến đổi khí hậu cũng đã tham gia Hội thảo với bài tham luận “Luận văn thạc sĩ liên ngành, hành trình hay đích đến”. Trong Bài tham luận, ThS. Hồ Xuân Hương đã chia sẻ kinh nghiệm của chính bản thân trong quá trình thực hiện luận văn, với những chỉ dẫn hết sức cụ thể về một số vấn đề như: lựa chọn thầy hướng dẫn (phong cách làm việc của thầy có phù hợp với bản thân không? Thầy có đang thực hiện nhiều dự án nghiên cứu không?), bảo vệ đề cương (coi đó là một cơ hội được góp ý, sửa chữa chứ không phải chấm điểm), phác thảo cấu trúc luận văn (tuân thủ theo thể thức văn bản của Khoa, bám vào một bài bào chính để xây dựng phương pháp nghiên cứu),…

Kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu gửi lời cảm ơn các thầy, cô, chuyên gia, các cựu học viên và học viên đã dành thời gian quý báu đến tham dự Hội thảo. Phó giáo sư hy vọng Hội thảo đã giúp các học viên nắm rõ hơn về quy trình thực hiện luận văn, được tiếp thêm không chỉ hiểu biết mà cả động lực để tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học phía trước.

CÁC TIN KHÁC