Hội thảo đánh giá chuyên môn Chương trình đào tạo thạc sĩ Khoa học bền vững ở Đại học Quốc gia Hà Nội

Cập nhật lúc 2022-02-09 07:58:42

Hội thảo đánh giá chuyên môn Chương trình đào tạo thạc sĩ Khoa học bền vững ở Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội thảo đánh giá chuyên môn Chương trình đào tạo thạc sĩ Khoa học bền vững ở Đại học Quốc gia Hà Nội

Sáng ngày 20/12/2018, tại Phòng 403, Nhà G7, số 144 Xuân Thủy – Cầu Giấy – Hà Nội, Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo đánh giá chuyên môn Chương trình đào tạo thạc sĩ Khoa học bền vững ở Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) dưới sự chủ trì của GS. Mai Trọng Nhuận – Chủ tịch Hội đồng đảm bảo chất lượng ĐHQGHN và PGS. TS Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ nhiệm Khoa. Tham dự Hội thảo có hơn 30 nhà khoa học, giảng viên, các cựu học viên và học viên của Khoa.

Mở đầu Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh đã có bài phát biểu chào mừng các nhà khoa học, các giảng viên, các cựu học viên và học viên đã dành thời gian tham dự Hội thảo trong bối cảnh công việc bận rộn vào cuối năm. Trong bài phát biểu của mình, Chủ nhiệm Khoa nhấn mạnh đây là diễn đàn để các thầy, cô và các bạn học viên trao đổi ý kiến về các vấn đề liên quan đến chương trình đào tạo (hoạt động thực địa liên ngành, thực hiện luận văn của học viên, phát triển giảng viên cho chương trình và sự tham gia của các bên liên quan, các địa phương vào quá trình đào tạo của Khoa) để Khoa nhìn nhận ra các vấn đề còn tồn tại trong quá trình đào tạo. Từ đó, Khoa sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người học cũng như của xã hội.

Tiếp theo bài phát biểu của Chủ nhiệm Khoa là phần trình bày của PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh về Tổ chức thực hiện thực địa liên ngành tại Khoa Các khoa học liên ngành. Phần trình bày của PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh bao gồm nội dung chuyên môn (được thể  hiện qua nội dung của Chương trình đào tạo), tiến trình thực địa (chuẩn bị, thu thập dữ liệu, xử lí dữ liệu và trình bày kết quả), các giai đoạn thực địa và những vấn đề đặt ra.

Tiếp theo chương trình của Hội thảo, GS. Mai Trọng Nhuận đã trình bày về tính liên ngành, xuyên ngành của Khoa học bền vững cũng như triết lí của Chương trình đào tạo. Giáo sư nhấn mạnh đến việc lựa chon chủ đề, nội dung có tính liên ngành ngay từ đầu sẽ giúp cho học viên và giáo viên hướng dẫn không chệch sang hướng đơn ngành khi thực hiện và hướng dẫn luận văn thạc sĩ liên ngành. Đặc biệt, Giáo sư còn nhấn mạnh đến việc tổ chức tập huấn cho giảng viên tham gia giảng dạy các chương trình có tính liên ngành, liên lĩnh vực.

Sau phần trình bày của GS. Mai Trọng Nhuận, PGS.TS Lưu Đức Hải đã trình bày về các thuận lợi và khó khăn cũng như một số giải pháp trong triển khai chương trình đào tạo sau đại học về Khoa học bền vững ở ĐHQGHN. Đáng chú ý, PGS.TS Lưu Đức Hải đã đề cập đến các giải pháp để triển khai tốt chương trình đào tạo Khoa học bền vững ở ĐHQGHN như: tổ chức hội thảo cho học viên và giáo viên tham gia chương trình đào tạo, đầu tư thêm cơ sở vật chất đặc biệt là giáo trình, mời giảng viên nước ngoài tham gia vào chương trình và tư vấn tốt hơn cho học viên trong việc lựa chọn đề tài luận văn thạc sĩ.

Tiếp đó, PGS.TS Mai Văn Hưng trình bày về Tổ chức đào tạo và đánh giá luận văn thạc sĩ Khoa học bền vững. Tổ chức đào tạo bắt đầu từ nghiên cứu nhu cầu của người học và nhu cầu của xã hội đến xây dựng chương trình và sau đó thực hiện chương trình đào  tạo thí điểm. Qua đó, đánh giá và điều chỉnh nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu người học. Đáng chú ý, phần trình bày của PGS.TS Mai Văn Hưng đã nêu lên các tiêu chí đánh giá một luận văn thạc sĩ chuyên ngành căn cứ vào bối cảnh thực hiện quá trình đào tạo, đầu vào các nguồn lực để triển khai chương trình, quá trình thực thi chương trình đào tạo và sản phẩm đầu ra của chương trình đào tạo.

Tiếp đến là bài trình bày của TS. Dư Đức Thắng – Trưởng Phòng đào tạo và công tác sinh viên về Chương trình đào tạo thạc sĩ Khoa học bền vững ở ĐHQGHN cũng như quá trình xây dựng chương trình đào tạo và một số đặc điểm trong thực hiện chương trình đào tạo.

Sau 05 báo cáo của các nhà khoa học được trình bày, Hội thảo dành thời gian thảo luận về các vấn đề triết lí của chương trình đào tạo, thực địa liên ngành và thực hiện luận văn thạc sĩ khoa học bền vững. Đáng chú ý, cựu học viên đã trao đổi về các vấn đề của Hội thảo dưới góc độ của người học. ThS. Phạm Đức Thiềng – cựu học viên K2 Khoa học bền vững chia sẻ, “kiến thức của chương trình rất đa dạng, phong phú; các thầy, cô đã tạo động lực cho học viên yêu công việc của mình hơn; chương trình đã tạo cho học viên nhiều trải nghiệm thú vị; tham gia Chương trình đào tạo thạc sĩ Khoa học bền vững, học viên đã biết cách xác định vấn đề và giải quyết vấn đề”. Bên cạnh đó, đại diện của học viên cũng nêu lên mong muốn chương trình sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn thông qua hội nghị, hội thảo.

Kết thúc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh một lần nữa cám ơn các nhà khoa học, các giảng viên và các học viên đã dành thời gian quý báu của mình tham dự Buổi hội thảo. Buổi hội thảo kết thúc trong bầu không khí trang trọng và ấm cúng sau khi các nhà khoa học, các giảng viên và học viên thẳng thắn trao đổi các vấn đề liên quan đến Chương trình đào tạo thạc sĩ Khoa học bền vững tại ĐHQGHN.

CÁC TIN KHÁC