Hội nghị tổng kết thí điểm chương trình đào tạo Thạc sĩ Khoa học bền vững

Cập nhật lúc 2022-02-09 07:58:42

Ngày 04/04/2019, tại Phòng 302, Nhà G8, số 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), đã tổ chức Hội nghị “Tổng kết thí điểm chương trình đào tạo thạc sĩ Khoa học bền vững’’, dưới sự chủ trì của GS. Phan Văn Tân – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Khoa Các khoa học liên ngành, GS Mai Trọng Nhuận – Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo Chất lượng ĐHQGHN và PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ nhiệm Khoa.

(Ảnh PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh)

Mở đầu Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia, giảng viên, học viên, các cán bộ quản lí và đơn vị sử dụng lao động đã dành thời gian tham dự Hội nghị. Tiếp theo, Phó giáo sư đề cập đến tính cấp thiết của đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học bền vững và sự ra đời của Chương trình thạc sĩ Khoa học bền vững để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội. Trải qua gần 5 năm kể từ khi được ban hành đến nay, Chương trình đã đạt được một số thành tích đáng khích lệ. Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tổng thể về Chương trình đào tạo, khái quát các thành tựu và đồng thời nhìn lại những điểm còn thiếu sót. Chủ nhiệm Khoa bày tỏ mong muốn nhận được những góp ý khách quan và đa chiều từ các chuyên gia, giảng viên, học viên, các cán bộ quản lí và đơn vị sử dụng lao động tham dự Hội nghị hôm nay để Khoa hoàn thiện Chương trình cũng như công tác quản lí đào tạo nhằm đáp ứng nhu tốt hơn cầu xã hội nó chung và của người học nói riêng.

Tiếp theo Bài phát biểu của PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh, TS. Dư Đức Thắng – Trưởng Phòng Đào tạo và quản lý sinh viên của Khoa trình bày Báo cáo tổng kết công tác tổ chức đào tạo. Trong Báo cáo, TS. Dư Đức Thắng nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc xây dựng chương trình đào tạo về khoa học bền vững. Báo cáo cũng nêu lên những nét chính của chương trình đào tạo như: mục tiêu chương trình, chuẩn đầu ra, mô hình đảm bảo chất lượng, thực tiễn tổ chức đào tạo và tổng hợp các ý kiến của chuyên gia về Chương trình.

Sau báo cáo của TS. Dư Đức Thắng, TS. Nguyễn Thị Hoàng Hà tham gia Hội nghị với Tham luận đánh giá về Chương trình dưới góc độ là giảng viên tham gia giảng dạy Chương trình. Theo đó, Chương trình đã truyền tải được kiến thức của một lĩnh vực khoa học mới, được tổ chức đào tạo tốt và kiến thức trong Chương trình liên tục được cập nhật, điều chỉnh. Tuy nhiên, do thực tiễn học viên của Chương trình đến từ nhiều ngành nghề và lĩnh vực học thuật khác nhau, Tiến sĩ cho rằng Khoa cần đa dạng hóa đội ngũ giảng viên nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học.

(Ảnh TS. Lương Thị Thu Hằng)

Đứng dưới góc độ của đơn vị sử dụng lao động, TS. Lương Thị Thu Hằng – Viện Nghiên cứu Phát triển Bền vững vùng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tham gia Hội nghị với những ý kiến đóng góp quý báu. TS. Lương Thị Thu Hằng đánh giá cao vai trò của Chương trình đào tạo trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực khoa học bền vững.  Đồng thời, Tiến sĩ đề xuất bổ sung một số kiến thức cho Chương trình, đặc biệt là các kiến thức liên quan đến mối tương tác giữa 3 trụ cột Kinh tế, Xã hội và Môi trường.

Tiếp theo, ThS. Phạm Đức Thiềng – Học viên khóa K2, Khoa học bền vững, đại diện cho học viên tham gia phát biểu tham luận tại Hội nghị. Trong bài phát biểu, ThS. Phạm Đức Thiềng nêu lên các tác động tích cực của Chương trình đối với bản thân. Thạc sĩ cũng nêu ra một số thách thức trong quá trình học đối với học viên, những nguyên nhân và giải pháp cho các thách thức này.

Sau các bài tham luận dưới góc độ giảng viên, đơn vị sử dụng lao động và học viên là các ý kiến đóng góp của các chuyên gia cho Chương trình. GS.Mai Trọng Nhuận – Chủ tich Hội đồng Đảm bảo Chất lượng ĐHQGHN trình bày về bộ tiêu chí đánh giá chất lượng của một chương trình đào tạo. 

(Ảnh GS. Mai Trọng Nhuận)

Tiếp theo, PGS.TS. Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn đưa ra mong muốn Chương trình đào tạo của Khoa cần tăng tính thực tiễn hơn nữa. Đồng thời, luận văn của học viên cần căn cứ trên định hướng phát triển của các ngành để tăng thêm ý nghĩa và bám sát nhu cầu phát triển của xã hội. 

(Ảnh PGS. TS Vũ Văn Tích)

PGS. TS Vũ Văn Tích – Trưởng Ban KHCN, ĐHQGHN cũng tham gia đóng góp nhiều ý kiến quý báu nhằm giúp Khoa nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, với các đề xuất: 1) xem xét bổ sung kiến thức về quản lý, đặc biệt là quản lý gắn với dữ liệu lớn; 2) kỹ năng về công nghệ nền tảng; 3) tăng cường cơ sở vật chất,…. 

(Ảnh GS. Trương Quang Học)

Cuối cùng, GS. Trương Quang Học đề nghị Khoa rà soát lại Chương trình một cách kỹ lưỡng theo bộ tiêu chí đánh giá mà GS. Mai Trọng Nhuận đưa ra và đồng thời đề xuất thành lập Hội đồng quản lý môn học nhằm nâng cao chất lượng và tính thống nhất của Chương trình đào tạo.

Kết thúc Hội nghị, Chủ nhiệm Khoa, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh tổng kết về các ý kiến trong Hội nghị, cụ thể là:

– Các mặt làm được: Chương trình đào tạo đã đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội, công tác đào tạo được thực hiện nghiêm túc và bước đầu thu hút được người học.

– Các mặt hạn chế: Bên cạnh những mặt đã làm được, Chương trình cũng còn một số hạn chế nhất định. Thứ nhất, việc đánh giá chương trình cần dựa trên các bộ tiêu chí đã được công bố. Thứ hai, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung kiến thức về mối tương tác giữa các trụ cột, kiến thức gắn với thực tiễn. Thứ ba, xây dựng quy trình chuẩn đầu ra bài bản, có sự so sánh đối chiếu với các chương trình tương tự tại nước ngoài. Thứ tư, cải tiến phương pháp giảng dạy, tổ chức tốt hơn công tác luận văn, mở rộng mạng lưới chuyên gia, giảng viên, tăng cường liên kết với địa phương, bộ, ban ngành.

Trước khi Hội nghị khép lại, Chủ nhiệm Khoa gửi lời cảm ơn các chuyên gia, giảng viên, học viên, các cán bộ quản lý và đơn vị sử dụng lao động đã đồng hành cùng Khoa trong suốt thời gian vừa qua.

Lưu Ngọc

CÁC TIN KHÁC