[Tạp chí điện tử Phụ nữ Mới] “Cảm thức Đông Dương”: Sự sáng tạo kế thừa từ nguồn mạch lịch sử

Cập nhật lúc 2024-11-29 00:00:00

Dưới sự chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam, “Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024” với chủ đề “Giao lộ Sáng tạo” được tổ chức bởi Sở Văn hoá và Thể thao, Tạp chí Kiến trúc tổ chức, cùng sự phối hợp và đồng hành của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, VPBank, Thành đoàn Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan. Lễ hội kéo dài tới ngày 17/11/2024, với hơn 100 hoạt động, diễn ra tại tuyến chính thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm ở 30 quận, huyện, thị xã.

Nghi thức khai mạc “Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024” diễn ra tại quảng trường Cách mạng Tháng Tám
Nghi thức khai mạc “Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024” diễn ra tại quảng trường Cách mạng Tháng Tám

Phát biểu tại lễ khai mạc “Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024”, ông Jonathan Baker - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam - nhấn mạnh:  "UNESCO và Hà Nội đã hợp tác chặt chẽ với nhau để thúc đẩy chương trình thành phố sáng tạo Hà Nội và Lễ hội Thiết kế Sáng tạo là một trong nhiều sáng kiến đa dạng mà thành phố đã cam kết thực hiện với tư cách là Thành phố sáng tạo về Thiết kế của UNESCO, đồng thời là một ví dụ điển hình về cách Hà Nội đang đạt được tiến bộ chưa từng có trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Việt Nam và là trung tâm sáng tạo trong khu vực".

Bức tranh tường do họa sĩ Victor Tardieu sáng tác, phản ánh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20
Bức tranh tường do họa sĩ Victor Tardieu sáng tác, phản ánh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20

Một trong những điểm nhấn của lễ hội được tổ chức tại 19 phố Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm - nơi khi xưa là trụ sở Đại học Đông Dương (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Đó là chuỗi triển lãm "Cảm thức Đông Dương", đan cài những yếu tố truyền thống và hiện đại, với chung một nguồn mạch lịch sử, được giám tuyển bởi nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn - giảng viên ngành nghệ thuật thị giác, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Tại sảnh chính thuộc tòa nhà chính của ĐH Đông Dương trước đây, khách tham quan được chiêm ngưỡng bức tượng do nhà điêu khắc Trần Quốc Thịnh mới sáng tác, thể hiện chân dung họa sĩ Victor Tardieu (người sáng lập, hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương - trực thuộc ĐH Đông Dương từ năm 1924, đã có đóng góp lớn trong việc phát triển mỹ thuật và nghệ thuật Việt Nam).

Bức tượng chân dung họa sĩ Victor Tardieu do nhà điêu khắc Trần Quốc Thịnh thể hiện
Bức tượng chân dung họa sĩ Victor Tardieu do nhà điêu khắc Trần Quốc Thịnh thể hiện

Bức tượng này được đặt kề bên tượng của hai nhà khoa học nổi tiếng Lê Văn Thiêm và Ngụy Như Kon Tum (được đặt thường xuyên ở nơi đây) - như tạo nên một cuộc đối thoại giữa những nhân vật có đóng góp lớn cho hoạt động văn hóa, khoa học và giáo dục Việt Nam.

Cũng tại sảnh chính, tác phẩm “Mạch nguồn” là thiết kế tương tác ánh sáng, do KTS Lê Phước Anh thực hiện. Lấy cảm hứng từ các gam màu trầm ở tranh lụa của các họa sĩ thời Đông Dương, tác giả đã thiết kế các tấm voan lụa xếp lớp, nhìn từ dưới lên tựa những cánh hoa. Ánh sáng từ chùm đèn cũ được lọc qua các lớp voan, mang lại cảm giác hài hòa và tĩnh lặng, đồng thời tạo nên sự tương phản đầy tinh tế với không gian cổ kính nơi đây, như ẩn dụ về một mạch nguồn từ truyền thống kiến trúc và mỹ thuật thời Đông Dương vẫn hiện diện đẹp đẽ và rủ bóng vào hiện tại.

Tác phẩm “Mạch nguồn” của KTS Lê Phước Anh
Tác phẩm “Mạch nguồn” của KTS Lê Phước Anh

 

Tại tầng 1, khi xưa, KTS Ernest Hébrard đã thiết kế những ô kính trên cửa vào sảnh chính khoảng 42 chiếc bóng điện sợi đốt. Nếu Như Khuê Văn Các của Văn Miếu - Quốc Tử Giám được những tia sáng huyền ảo của các vì tinh tú tạo nên, thì ở ĐH Đông Dương là ánh sáng của khoa học, của văn minh. Trước đây, kính ở các ô kính được phủ màu, nhưng ở lần sửa gần đây, đã được thay mới bằng kính trong suốt.

Tiếp nối vẻ đẹp đó, hoạ sĩ/nhà nghiên cứu - TS. Trần Hậu Yên Thế đã tạo nên tác phẩm “Cội nguồn tri thức” (được khơi nguồn ý tưởng từ cuốn sách “Song xưa phố cũ” của chính tác giả), hẳn sẽ khiến cho du khách kinh ngạc, bởi ánh xạ từ các ô kính với chất liệu giấy bóng kính cắt dán trùm lên không gian cổ kính bên trong tòa nhà tạo ra sắc vẻ trầm mặc về Hà Nội xưa đầy hoài niệm. Dòng chữ Alma Mater được thêm vào trong từng ô kính vốn xuất phát từ dòng chữ ALMA MATER EX TE NOBIS DIGNITAS UBERTAS FELICITAS (Nữ thần Đại học - Người ban phước cho chúng ta Phẩm giá, Giàu có và Hạnh phúc) từng hiện diện trên bức tranh lớn của họa sĩ Victor Tardieu, treo trong giảng đường chính.

Tác phẩm “Cội nguồn tri thức”
Tác phẩm “Cội nguồn tri thức”

Tại một góc của tầng 1, là phần trưng bày những kết quả nghiên cứu, sưu tầm và thể nghiệm với di sản nghề thêu Việt Nam thời kỳ Đông Dương của nữ hoạ sĩ Phạm Ngọc Trâm. Tranh thêu thời Đông Dương mang đặc trưng độc đáo chính là chất liệu giàu tính bản địa. Những tấm lụa, sợi tơ từ làng nghề trong vùng châu thổ, bảng màu nhuộm thủ công được chế tác từ thiên nhiên cùng các bài nhuộm dân gian và bố cục, hòa sắc, thể hiện rõ tâm thức, tính thẩm mỹ và hồn Việt đậm đà.

Nữ hoạ sĩ Phạm Ngọc Trâm bên những vật liệu thêu
Nữ hoạ sĩ Phạm Ngọc Trâm bên những vật liệu thêu

Ngoài ra, ở một góc khác là trưng bày các tác phẩm gốm “Cảm tác Lam” của nữ họa sĩ/điêu khắc gia Nguyễn Thu Thủy, được tạo hình trên các bình và đĩa lớn với họa tiết hoa dây, cúc, mẫu đơn, hạc, phượng và hoa sen cách điệu, biểu đạt sự kế thừa vẻ đẹp cổ điển của dòng gốm men lam Bát Tràng. Đặc biệt, một số chi tiết trong tác phẩm còn gợi nhớ đến các hoa văn trang trí trên vòm mái của kiến trúc ĐH Đông Dương xưa, mang đến sự hài hòa và đồng nhất với dòng chảy cảm thức của các cụm tác phẩm tại địa điểm này.

Tác phẩm bình gốm của nữ họa sĩ/điêu khắc gia Nguyễn Thu Thủy
Tác phẩm bình gốm của nữ họa sĩ/điêu khắc gia Nguyễn Thu Thủy

Trong mạch cảm hứng “Cảm thức Đông Dương”, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn đã dụng công kiếm tìm những bản vẽ đầu tiên của KTS Ernest Hebrard khi thiết kế tòa nhà này. Trong đó, ấn tượng nhất là bản vẽ thiết kế kiến trúc mặt tiền (hướng ra phố Lê Thánh Tông) với dòng chữ LETTRES - SCIENCES - ARTS (Văn chương - Khoa học - Nghệ thuật) - thể hiện rõ rệt triết lý và định hướng đào tạo đa ngành, liên ngành của ĐH Đông Dương xưa.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đã hoàn thiện tác phẩm bộ chữ “LETTRES - SCIENCES - ARTS” và gắn lên tường phía sau tòa nhà - như lời tri ân và ghi nhớ sâu sắc giai đoạn lịch sử này trong quá trình phát triển giáo dục đại học tại Việt Nam. Còn trong khuôn viên trường, tương tác với bộ chữ hiện diện từ bản vẽ thiết kế đầu tiên đó, là sắp đặt điêu khắc inox gương “Tâm giao” thể hiện hình ảnh họa sĩ Victor Tardieu và KTS Ernest Hebrard.

Tác phẩm bộ chữ “LETTRES - SCIENCES - ARTS” được gắn lên tường phía sau của tòa nhà ĐH Đông Dương xưa
Tác phẩm bộ chữ “LETTRES - SCIENCES - ARTS” được gắn lên tường phía sau của tòa nhà ĐH Đông Dương xưa

Sau khi tham quan ở tầng 1, du khách sẽ đến với chùm tác phẩm tương tác với kiến trúc vốn có của nơi đây, đặt dọc cầu thang lên tầng 2. Lấy cảm hứng từ nền gạch mosaic của tòa nhà có 100 năm lịch sử, họa sĩ Trương Hoàng Hải đã sáng tác sắp đặt “Tổng hợp” với 13.000 miếng sơn mài nhỏ - như những miếng gốm mosaic - dán vào cạnh đứng của các bậc cầu thang và bậc tam cấp. Trong chùm tác phẩm, tác giả đã sử dụng 5 màu chủ đạo (đỏ, vàng, lục, trắng, đen) thường dùng trong kiến trúc, cũng màu sắc theo ngũ hành - gợi đến bức “Ngũ hổ” trong tranh cổ truyền Hàng Trống. Sắp đặt “Tổng hợp” như mở rộng ra cảm thức từ di sản văn hóa, nâng bước người xem trên con đường khám phá những sáng tạo của các nghệ sĩ hôm nay.

Tác phẩm sắp đặt “Tổng hợp” họa sĩ Trương Hoàng Hải
Tác phẩm sắp đặt “Tổng hợp” họa sĩ Trương Hoàng Hải

Tiếp nối sắp đặt “Tổng hợp” là tác phẩm “Mê lộ Đông Dương - tìm về lối xưa”, do TS. Trần Hậu Yên Thế và các giảng viên, nghệ sĩ khách mời và sinh viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật thực hiện - như những lời tri ân, hồi cố về một môn học từng có trong học phần nghiên cứu về kiến trúc cổ truyền Phương Đông của Trường Mỹ thuật Đông Dương, do KTS Charles Batteur giảng dạy. Bản thân giảng đường lớn của ĐH Đông Dương cũng là kết quả nghiên cứu kỹ lưỡng di sản kiến trúc Á Đông, cùng với KTS Ernest Hébrard, KTS Charles Batteur đã tạo ra thay đổi hoàn toàn quỹ đạo kiến trúc Đông dương. “Mê lộ Đông Dương - tìm về lối xưa” pha trộn giữa cấu trúc một bài học về ghi chép kiến trúc với một giả tưởng về sự liên tục của một lý tưởng giáo dục nghệ thuật.

Tác phẩm “Mê lộ Đông Dương - tìm về lối xưa
Tác phẩm “Mê lộ Đông Dương - tìm về lối xưa

Còn ở dọc cầu thang lên tầng 2 còn lại, là sắp đặt các tác phẩm nhiếp ảnh trắng - đen của Phạm Duy mang tên “Hai ốc đảo” trên các ô cửa sổ. Tên gọi “Hai ốc đảo” phát xuất từ ý niệm về 2 công trình do các KTS C.Batteur và E.Hébrard thiết kế - là ĐH Quốc gia Hà Nội (ở 19 Lê Thánh Tông) và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, tồn tại gần như những ốc đảo ẩn giữa đô thị mới ngày nay, với nhiều lớp trầm tích mỹ thuật và kiến trúc của xứ sở Đông Dương ở thời xa xưa.

Được khơi nguồn cảm hứng từ bộ ảnh chụp trên kính “Archives de la Planète” của Albert Kahn ghi lại hình ảnh Việt Nam đầu thế kỷ 20, ngày hôm nay, cũng với máy ảnh khổ lớn, ống kính và vật liệu nhiếp ảnh cổ điển như ngày đầu người Pháp mang đến Hà Nội, tác giả “Hai ốc đảo” đã tái hiện một cảm thức Đông Dương cá nhân trên hành trình đi vào những ốc đảo này.

Một số hình ảnh trong “Hai ốc đảo” bày trên các ô cửa sổ của nhiếp ảnh gia Phạm Duy
Một số hình ảnh trong “Hai ốc đảo” bày trên các ô cửa sổ của nhiếp ảnh gia Phạm Duy

Tại khu vực này còn bộ sưu tập ảnh “Mạch Đông Dương” - chụp kiến trúc Đông Dương, do nhiếp ảnh gia Ngô Xuân Phú thực hiện. Các tác phẩm như là lời đối đáp với “Hai ốc đảo” của Phạm Duy, mang đến cho người xem cái nhìn thú vị về quá khứ và hiện tại.

Nối tiếp mạch “Cảm thức Đông Dương”, là chùm tác phẩm sắp đặt “Sự trở về từ hư vô” của nghệ sĩ Phạm Thủy Tiên, trưng bày ở tầng 2 của tòa nhà - nơi có Bảo tàng Sinh học (thuộc Khoa Sinh học, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, là Bảo tàng Sinh học đầu tiên ở Đông Dương và Việt Nam, thành lập từ năm 1926). Dưới mẫu vật là khung xương bò ngay trước bảo tàng, nghệ sĩ đã sắp đặt ánh sáng với giấy dó kết hợp đèn, động cơ… tạo những chuyển động nửa thực, nửa hư, làm người xem cảm giác những mạch đập từ khởi nguyên quay về.

Bộ sưu tập ảnh “Mạch Đông Dương” do nhiếp ảnh gia Ngô Xuân Phú thực hiện
Bộ sưu tập ảnh “Mạch Đông Dương” do nhiếp ảnh gia Ngô Xuân Phú thực hiện

Bên cạnh đó là chùm tác phẩm sơn mài “Trong thinh lặng, những mầm cây đang nở” của họa sĩ Đỗ Vũ Minh Ngọc - là lời tự sự về ngôn ngữ vô thanh của tự nhiên và bất biến theo thời gian. Ở hàng lang bảo tàng là các tác phẩm tranh lụa “Trùng” - vẽ hóa thạch côn trùng và động vật của hoạ sĩ Trần Thị Thu ThảoVới đặc tính mềm mại trong chất liệu, màu sắc, đường nét cổ điển của tranh lụa khắc họa các hóa thạch đã tạo nên sự hài hòa trong không gian trưng bày các mẫu vật của Bảo tàng Sinh học. Tiếp đó là các tác phẩm lụa “Hình - Bóng” của họa sĩ Nguyễn Cẩm Nhung, gợi cảm thức thực - hư cho người xem.

Để lên các tầng gác, người thăm quan phải đi theo một cầu thang nhỏ, bám vào bức tường đậm vết thời gian. Tại đó, có cụm tác phẩm sắp đặt “Trốn tìm” của họa sĩ Nguyễn Cẩm Nhung, vẽ trên giấy dó, như thấy trong các bức tranh náu nép câu hỏi: “Những ai đã từng vịn vào cầu thang này để đi qua nơi đây?”.

Tiếp nối lên tầng 3 là tác phẩm sắp đặt bia tiến sĩ “Mạch nguồn văn hiến”, tương tác với vòm mái trang trí, của hoạ sĩ/nhà nghiên cứu - TS. Trần Hậu Yên Thế. Những hình phượng hoàng được khắc chìm trên bia đá chất liệu mi-ca dẫn sáng gợi nhớ đến đồ án trang trí mang màu sắc văn hóa Á Đông do KTS Ernest Hébrard thực hiện (lấy từ cảm hứng trang trí chim phượng ở bia tiến sĩ Việt từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám) khi thiết kế tòa nhà ĐH Đông Dương này.

Một phần tác phẩm sắp đặt “Tiêu bản” của họa sĩ Lê Đăng Ninh
Một phần tác phẩm sắp đặt “Tiêu bản” của họa sĩ Lê Đăng Ninh

Vòng lên tầng 4 qua cầu thang cuốn phủ đầy bụi, ta sẽ bắt gặp tác phẩm sắp đặt “Tiêu bản” của họa sĩ Lê Đăng Ninh - vẽ sơn trong trên mi-ca, với cảm hứng từ các mẫu lọ thuỷ tinh của Bảo tàng Sinh học. Sự hài hòa gắn kết về chất liệu trưng bày và cảm hứng từ những mạch nguồn lịch sử tự thân của tòa nhà làm cho “Mạch nguồn” trở thành một phần của kiến trúc và cảnh quan nơi đây, gợi nhắc nhớ các lĩnh vực đào tạo chính của ĐH Đông Dương trước đây: Văn chương - Khoa học - Nghệ thuật.

Có một điều khiến du khách còn băn khoăn: Nếu như các nhà tổ chức chuỗi triển lãm "Cảm thức Đông Dương" dựng ở mỗi khu vực trưng bày tác phẩm các biển/bảng giới thiệu về tác giả/tác phẩm, thì hẳn sẽ cung cấp thêm được nhiều thông tin cho du khách quan tâm tới sự kiện văn hóa đặc biệt này.

Lê Quang Vinh

CÁC TIN KHÁC