Trường Mỹ thuật Đông Dương - khởi nguồn của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại

Cập nhật lúc 2024-11-04 00:00:00

Cách đây 100 năm, vào ngày 27/10/1924, Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin ký ban hành Nghị định thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương , hay còn gọi là trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tiền thân của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày nay. Họa sĩ tài năng Victor Tardieu - người mở đầu nền mỹ thuật và kiến trúc Việt Nam hiện đại, trở thành vị hiệu trưởng đầu tiên.

Bản vẽ mặt trước và mặt bên khu nhà ở và xưởng vẽ của giáo viên Trường Mỹ thuật do kiến trúc sư Charles Lacollonge lập năm 1925, nguồn: TTLTQGI

 

Chương trình đào tạo

Trường Mỹ thuật Đông Dương thành lập tại Hà Nội để giảng dạy các môn nghệ thuật và hình hoạ theo chương trình cao đẳng.

Trường nhận sinh viên chính quy bản xứ thông qua thi tuyển và sinh viên tự do người Âu và người nước ngoài. Kỳ thi tuyển sinh diễn ra vào tuần đầu tiên của tháng 9 hàng năm, gồm các môn: vẽ mặt mộc; bài thi trang trí; bản vẽ phong cảnh.

Thời gian học kéo dài 3 năm, với các môn học như: hội hoạ và điều khắc, trang trí, mỹ học và lịch sử nghệ thuật, khảo cổ, nghệ thuật kiến trúc Viễn Đông…

Trong 3 năm học, trường không tổ chức kỳ thi lên lớp hay tốt nghiệp nào để xác nhận kết quả học tập cũng như xếp hạng sinh viên khi ra trường, mà dựa vào điểm số đối với tác phẩm của sinh viên và tổng điểm đạt được. Sinh viên đạt điểm tối thiểu do Hội đồng giáo sư quy định được cấp bằng của Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Mỗi năm một lần, công trình của sinh viên được đánh giá xuất sắc sẽ được trưng bày công khai tại trụ sở của trường trong 8 ngày.

Đội ngũ hiệu trưởng và giảng viên tài năng

Hiệu trưởng trường Mỹ thuật do Toàn quyền chỉ định theo đề nghị của Giám đốc Nha học chính và được lựa chọn trong số những nghệ sỹ nổi tiếng, ưu tiên những nghệ sỹ từng đạt Giải thưởng Đông Dương. Người được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng phải ký hợp đồng làm việc tối đa là 6 năm và có thể gia hạn.

Victor Tardieu trở thành vị Hiệu trưởng đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương theo Hợp đồng ký ngày 24/11/1924.

Trang đầu và trang cuối bản Hợp đồng của Victor Tardieu ký ngày 24/11/1924

Năm 1925, ông đưa vào chương trình giảng dạy những khái luận cơ bản về thư viện, bảo tàng cũng như cơ sở vật chất để khởi động ngôi trường. Ông đã tiến cử những người có ảnh hưởng lớn đối với nền mỹ thuật Đông Dương: ông Inguimberty làm giảng viên môn nghệ thuật trang trí, ông Sabatier làm giảng viên trang trí nội thất, ông Ponchemin làm giảng viên phối cảnh và ông Nam Sơn làm cố vấn.

Ban đầu, trường chỉ có khoa Hội hoạ với thời gian học là 3 năm. Năm thứ nhất có 12 sinh viên. Năm 1926, thời gian học được nâng lên thành 5 năm. Đến năm 1927, trường có thêm khoa Kiến trúc do ông Roger phụ trách. Năm 1928, ông Inguimberty tiến hành các cuộc nghiên cứu đầu tiên về sơn dầu và nghệ thuật sơn mài. Năm 1930, ông Kruze được bổ nhiệm làm giảng viên chính ngạch của khoa Kiến trúc. Tuy nhiên, khi đó sinh viên khoa Kiến trúc vẫn chỉ dừng lại ở khát vọng trở thành nhân viên công chính.

Trên thực tế, thông qua đội ngũ giảng viên và hiệu trưởng, sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương đã bán được một số bức tranh lụa song vào thời điểm đó, để kiếm sống bằng nghề này là điều không dễ.

Năm 1932, trường Mỹ thuật Đông Dương mở thêm khoa Điêu khắc và giao cho ông Mercier phụ trách.

Sự ra đi của ông Tardieu vào năm 1937 cũng đồng thời chấm dứt thời kỳ sơ khai và đầy khó khăn của trường Mỹ thuật. Ông đã dành nhiều tâm huyết, sức lực cho việc khai sinh ngôi trường này. Các thế hệ học trò sẽ nhớ mãi về ông với một tình cảm đặc biệt và sự trân trọng. Hàng năm, họ tập trung vào “ngày Tardieu” để tưởng nhớ về người thầy đáng kính này.

Từ năm 1938, ông Jonchère được chỉ định giữ chức Hiệu trưởng. Ông chú trọng tới phát triển nghệ thuật sơn mài. Mặt khác, ông cho mở khoa Đồ gỗ và khoa Gốm sứ. Ông cũng là người đưa ra ý tưởng về việc tổ chức một đơn vị hỗ trợ các cựu sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương trưng bày tác phẩm nghệ thuật của mình.

Ngày 25/4/1938, Toàn quyền Brévié ký ban hành nghị định tái tổ chức trường Mỹ thuật Đông Dương, theo đó, trường chính thức trở thành trường Cao đẳng Mỹ thuật và Nghệ thuật ứng dụng.

Thành công nối tiếp thành công

Cuộc triển lãm đầu tiên do trường tổ chức diễn ra tại Sài Gòn vào tháng 11/1938, triển lãm tại San-Francisco năm 1939 và các cuộc triển lãm tiếp sau đó đã gặt hái nhiều thành công vang dội, nhanh chóng khẳng định uy tín và chất lượng đào tạo của trường.

Ngày 09/02/1939, Toàn quyền Brévié ban hành nghị định chính thức công nhận sự tồn tại của Hội Nghệ sĩ trường Mỹ thuật. Năm 1939, trường mở thêm 2 xưởng mới và hoạt động của trường ngày càng được mở rộng. Các cuộc triển lãm năm 1939, 1940 và 1941 là minh chứng cho thấy sự tiến bộ của Hội nghệ sĩ trường Mỹ thuật.

Mặc dù vậy qua biểu đồ kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật, người ta nhận thấy doanh thu đạt được tại các năm không ổn định. Năm 1934, doanh thu mới chỉ là 600 đồng bạc Đông Dương, năm 1935 là 687. Năm 1936 ghi nhận mức doanh thu thấp nhất là 300 đồng bạc Đông Dương. Nhưng kể từ năm 1937, con số này đã lên tới 1.600. Năm 1938 là 7.180, sau đó đến năm 1939 đánh dấu bước nhảy vọt thần kỳ là 24.799 đồng bạc; 25.422 đồng năm 1940; 27116 đồng năm 1941. Năm 1942 ghi nhận con số ấn tượng là 41.087 đồng bạc. Phải thừa nhận rằng dưới sự kiểm soát của trường Mỹ thuật Đông Dương, Hội cựu sinh viên của trường đã có một lượng lớn khách hàng tiềm năng.

Hội chợ Hà Nội năm 1941 diễn ra tại Bảo tàng Maurice Long là một thắng lợi thực sự đối với trường cũng như Hội Nghệ sĩ Đông Dương.

Được sự ủng hộ của Đô đốc Jean Decoux, năm 1942, trường xây dựng thêm một lò gốm nhằm giúp các nghệ nhân làm quen với nghệ thuật nung gốm. Ngày 22/10/1942, Toàn quyền Đông Dương ký ban hành nghị định về việc tách trường Cao đẳng Mỹ thuật gồm các khoa Hội hoạ-Sơn mài-Điêu khắc và Kiến trúc ra khỏi trường Mỹ thuật ứng dụng.

Trường Mỹ thuật ứng dụng gồm các khoa Gốm sứ, Đồ gỗ, Điêu khắc chú trọng đào tạo ngành thủ công mỹ nghệ. Về sau, trường còn mở một số khoa khác như: Đồng, Thảm và Đồ đan lát.

Chỉ trong một thời gian ngắn, trường Cao đẳng Mỹ thuật đã có bước phát triển ngoạn mục. Điều đáng nói là các tác phẩm nghệ thuật của sinh viên tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật rất được ưa chuộng, thậm chí không đủ đáp ứng nhu cầu của công chúng.

Sau 100 năm tồn tại, trường Mỹ thuật Đông Dương trước đây và trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam ngày nay đã có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình đặt nền móng, xây dựng và phát triển nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Nhiều thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư tài năng như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, Lê Phổ… đã trưởng thành từ mái trường này và gặt hái nhiều thành công vang dội. Đến nay, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam luôn giữ vững danh hiệu là cơ sở đào tạo mỹ thuật hàng đầu cả nước và đang phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo về nghệ thuật có uy tín trong khu vực và châu Á vào năm 2030.

Nguồn:

Công báo Đông Dương năm 1924, tr. 2083-2084

- Tuần san Indochine số 135 ngày 01/4/1943

Hoàng Hằng

Trung tâm lưu trữ Quốc gia I

CÁC TIN KHÁC