"Dòng chảy sáng tạo 2025": Sinh viên VNU-SIS kiến tạo giá trị từ học tập, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng

Cập nhật lúc 2025-06-20 00:00:00

Triển lãm "Dòng chảy sáng tạo 2025", dấu ấn nghệ thuật đầu tiên của sinh viên năm nhất, năm hai Khoa Nghệ thuật và Thiết kế, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (ĐHQGHN), đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Sự kiện không chỉ là nơi trình diễn những thành quả học tập ấn tượng mà còn là minh chứng rõ nét cho việc phát huy vai trò của tuổi trẻ VNU-SIS trong học tập, nghiên cứu khoa học, tổ chức hoạt động và phục vụ cộng đồng thông qua phát triển chuyên môn.

Dòng chảy sáng tạo 2025: dấu ấn nghệ thuật đầu tiên của sinh viên năm nhất, năm hai Khoa Nghệ thuật và Thiết kế, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật

Diễn ra từ ngày 12 đến 22 tháng 6 năm 2025 tại không gian giàu tính giao thoa văn hóa của Hội Quán Quảng Đông xưa, "Dòng chảy sáng tạo 2025" giới thiệu những tác phẩm được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các bài tập thực hành trong năm học của sinh viên 5 chuyên ngành: Thời trang sáng tạo, Nội thất bền vững, Đồ họa công nghệ số, Nghệ thuật tạo hình đương đại và Nhiếp ảnh nghệ thuật.

Tuổi trẻ VNU-SIS: Vừa là người tham gia, vừa là người tổ chức

Điểm đặc biệt của "Dòng chảy sáng tạo 2025" nằm ở sự chủ động và khả năng tổ chức của chính sinh viên. Triển lãm không chỉ là sân chơi nghệ thuật mà còn là một lớp học thực tế quý báu. Các bạn sinh viên đã học cách tổ chức triển lãm, làm việc nhóm, trình hiện tác phẩm và rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp ngay từ những ngày đầu. Điều này thể hiện rõ vai trò vừa là người tham gia, vừa là người tổ chức của các bạn trẻ, phát huy tối đa năng lực lãnh đạo và điều phối sự kiện.

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu - hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại triển lãm

Khơi nguồn sáng tạo từ "Bài tập liên môn" và di sản văn hóa

Nét độc đáo của triển lãm năm nay còn đến từ chương trình "Bài tập liên môn", nơi sinh viên các ngành học đã cùng đồng hành để tạo nên "Dòng chảy sáng tạo 2025". Các trưng bày là thành quả của sự kết nối giữa Khoa Nghệ thuật và Thiết kế với Khoa Công nghiệp Văn hóa và Di sản. Sinh viên đã chọn khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề, từ đó:

  • Sinh viên Thời trang thiết kế trang phục.
  • Sinh viên Nội thất sáng tạo sản phẩm sử dụng trong gia đình.
  • Sinh viên Nhiếp ảnh xây dựng concept hình ảnh.
  • Sinh viên Đồ họa sáng tạo hệ thống nhận diện.
  • Sinh viên ngành Quản lý Giải trí và sự kiện (thuộc Khoa Công nghiệp Văn hóa và Di sản) phối hợp vận động tài trợ và tổ chức các workshop sáng tạo.

Các sản phẩm được thể hiện đa dạng hình thức

Những bộ sản phẩm như "Chạm vụn - Dệt mơ", "Kim Giao", "Xiết", "Ghép mảnh - Gieo hồn", "Vết nứt thời gian" và "Nếp nón" không chỉ là kết quả học tập mà còn là tên của các workshop có sự giao lưu trực tiếp với nghệ nhân các làng nghề truyền thống như lụa, sơn mài, mây tre đan, khảm trai, làm nón. Đây chính là minh chứng cho việc học từ di sản, học từ bản sắc văn hóa và sáng tạo nên những giá trị mới trong đời sống hiện đại.

Phục vụ cộng đồng thông qua phát triển chuyên môn

"Dòng chảy sáng tạo 2025" không chỉ dừng lại ở việc trưng bày thành quả học tập. Thông qua việc tổ chức các workshop tương tác với nghệ nhân và công chúng, sinh viên đã biến những kiến thức chuyên môn thành hành động cụ thể, phục vụ cộng đồng. Các em đã mang di sản văn hóa đến gần hơn với người trẻ, đồng thời thể hiện góc nhìn mới mẻ của mình về truyền thống, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc. Đây là một ví dụ điển hình về việc kết nối học tập, nghiên cứu khoa học với công tác phục vụ nhân dân và đời sống sinh hoạt, tạo ra những giá trị thiết thực cho xã hội.

Triển lãm là minh chứng cho việc học từ di sản, học từ bản sắc văn hóa và sáng tạo nên những giá trị mới trong đời sống hiện đại

"Dòng chảy sáng tạo 2025" một lần nữa khẳng định mạch nguồn nghệ thuật và thiết kế đang từng bước được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng sinh viên ĐHQGHN, đồng thời khẳng định tinh thần sáng tạo, bản lĩnh và cống hiến của thế hệ trẻ VNU-SIS.

 

CÁC TIN KHÁC