Cập nhật lúc 2023-08-10 20:37:41
Sáng ngày 11/03/2023, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức buổi tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên khóa 1 ngành Quản trị đô thị thông minh và bền vững. Buổi tư vấn có sự tham gia của các chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực đã và đang thực chiến trực tiếp tại các khối nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ.
Tham dự buổi tư vấn về phía Khoa gồm có: TS. Nguyễn Kiều Oanh - Phó chủ nhiệm khoa, các giảng viên tổ bộ môn Đô thị và kiến trúc bền vững, các cán bộ Phòng Đào tạo, Phòng Tổ chức hành chính, Phòng Truyền thông và tuyển sinh cùng toàn thể các bạn sinh viên Khóa 1 ngành Quản trị Đô thị thông minh và bền vững.
Đội ngũ chuyên gia trong buổi tư vấn
Về phía các chuyên gia gồm có: Ths. Phạm Bình Dương, PGĐ Trung tâm phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy; Ths. Nguyễn Văn Khôi, Trưởng phòng QLĐT huyện Đan Phượng; Ths. Trần Ngọc Hân, Trợ lý TGĐ Tập đoàn Gamuda Land Việt Nam; Ths. Vũ Văn Trưởng, Trưởng Ban phát triển dự án Vũng Tàu; TS. Trương Văn Quảng, Tổng thư ký Hội Quy hoạch & phát triển đô thị Việt Nam, Nguyên Phó Viện trưởng Viện QH đô thị & nông thôn Quốc gia, Bộ Xây dựng; TS. Trần Thị Diễm Hằng, Phó Viện trưởng Viện KTXH Thành phố Hà Nội.
TS Nguyễn Kiều Oanh phát biểu đề dẫn
Phát biểu đề dẫn, TS Nguyễn Kiều Oanh cho biết: Ngành Quản trị Đô thị thông minh và bền vững là ngành học mới và đây là lứa sinh viên khóa đầu tiên tại Khoa. Khác với các ngành học về đô thị tại các đơn vị đào tạo khác, tính liên ngành của chương trình này có tính đặc thù để các bạn sinh viên theo đuổi và lựa chọn. Các bạn có 8 kỳ học để tìm hiểu, khám phá ngành học và thực hành nghề.
TS. Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Viện trưởng Viện KTXH Thành phố Hà Nội.
Tại buổi tư vấn, các chuyên gia đều đồng tình với quan điểm ngành Quản trị Đô thị thông minh và bền vững là ngành học mới năng động và nhiều cơ hội rộng mở. TS. Trần Thị Diễm Hằng, Phó Viện trưởng Viện KTXH Thành phố Hà Nội nhận định: Chúng đã đang sống trong 2 đô thị và nó không thể mất đi mà chỉ ngày một “phồng” to ra nên yêu cầu về quản trị trong nguồn lực hữu hạn là vô cùng cấp thiết.
Sinh viên đặt câu hỏi sôi nổi trong buổi tư vấn
Nhiều sinh viên đặt vấn đề so sánh giữa ngành Quản trị đô thị thông minh và bền vững trong bối cảnh mới liệu có yếu thế hơn các ngành đào tạo đô thị truyền thống không. Trả lời vấn đề này, TS. Trương Văn Quảng; Ths. Trần Ngọc Hân; TS. Trần Thị Diễm Hằng cho biết: khi làm nghề mới nhận thấy sự quan trọng của việc cần kiến thức liên ngành, liên lĩnh việc trong quản trị đô thị. Đồng thời, xu hướng của thời đại là thông minh và bền vững, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Việc các bạn sinh viên được đào tạo ngay từ bậc đại học những kiến thức tổng hợp về đô thị như: quản lí đất đai, quy hoạch, cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông, nhân lực, cảnh quan môi trường…. Là nền tảng để thực hành nghề, lợi thế cạnh tranh đối với các ngành truyền thống, đơn ngành. Các chuyên gia cũng nhận định: sinh viên được đào tạo tại ĐHQGHN có nền tảng, kiến thức liên ngành tốt hơn. Ngoài ra, sự linh hoạt và thích ứng nhanh cũng là lợi thế của các bạn sinh viên VNU-SIS.
Rất nhiều ý kiến thắc mắc được chuyên gia giải đáp
“Vậy chúng em cần những kĩ năng gì để có thể có cơ hội việc làm tốt ngay sau khi ra trường?” - Ngoại ngữ, công nghệ, và thái độ là 3 yếu tố được đề cập nhiều nhất cho vấn đề trên. Với đặc thù ngành có tính toàn cầu hóa như Đô thị thì ngoại ngữ được các chuyên gia nhấn mạnh là kĩ năng thiết yếu phải có. Cùng với đó, để quản trị đô thị thông minh và bền vững thì cần yếu tố công nghệ giúp con người quản trị tốt hơn. “Thái độ” chính là sự cầu thị, học hỏi ở mỗi bạn sinh viên từ khi còn học và khi đã làm nghề.
Tại Khoa Các khoa học liên ngành đề cao tính sáng tạo, giải phóng cá nhân không theo lối mòn, phát huy bản thân người học theo triết lí giáo dục khai phóng của ĐHQGHN. Trong bối cảnh mới, luôn ứng xử thông minh từ nguồn nhỏ nhưng giải quyết được vấn đề lớn, hài hòa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội trong lĩnh vực đô thị là tất yếu.
Một số hình ảnh khác của buổi tư vấn
CÁC TIN KHÁC