TRAO SỨC SỐNG CHO DI SẢN VỚI TƯ DUY SÁNG TẠO

Cập nhật lúc 2023-02-02 20:47:37

Sáng 23/11/2022, Tọa đàm khoa học “Di sản trong thành phố sáng tạo Hà Nội” được Khoa Các khoa học liên ngành tổ chức tại hội trường Ngụy Như Kontum, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội. Đây là tọa đàm khép lại chuỗi hoạt động của sự kiện “Lễ hội thiết kế sáng tạo năm 2022” và khẳng định vị thế cộng tác về mặt học thuật ngày càng vững mạnh của Khoa đối với các hoạt động thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa-sáng tạo. 

Khoa Các khoa học liên ngành có vinh dự trở thành một trong những đối tác phối hợp và chủ trì một số hoạt động học thuật cũng như tư vấn chuyên môn trong chuỗi sự kiện.“Lễ hội thiết kế sáng tạo năm 2022” bắt đầu từ ngày 11/11 đến 23/11/2022 với nhiều hoạt động phong phú, bổ ích, hấp dẫn và đậm chất sáng tạo cũng như giàu hàm lượng khoa học về lĩnh vực công nghiệp văn hóa - sáng tạo. Trong đó, các nhà khoa học, các chuyên gia của Khoa Các KHLN đã đóng góp phần lớn trong vai trò cố vấn chuyên môn cũng như chủ trì về các tọa đàm khoa học, có thể kể đến như: ngày 12/11, Không gian triển lãm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (trình diễn sân khấu), Tọa đàm “Tinh hoa Văn hóa Việt - hình tượng Tiên nữ”; Ngày 18/11, Đối thoại tác giả-tác phẩm, Nghệ sĩ, ThS.Nguyễn Thế Sơn, nghệ sĩ TS.Trần Hậu Yên Thế; Trình diễn thời trang của NTK Chula, với sự cố vấn của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn và nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế cùng sự tham gia trong vai trò người mẫu của các sinh viên năm nhất ngành Quản lí Giải trí và sự kiện của Khoa Các KHLN, ĐHQGHN. Và ngày 23/11/2022, kỷ niệm 17 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam, Khoa Các khoa học liên ngành đã chủ trì tọa đàm “Di sản trong thành phố sáng tạo Hà Nội” cũng là hoạt động khép lại “Lễ hội thiết kế sáng tạo năm 2022” một cách đầy thú vị. 

Tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các lĩnh vực đô thị, di sản và công nghiệp văn hóa - sáng tạo, những người quan tâm, đam mê về di sản văn hóa, văn hóa sáng tạo cũng như các bạn học viên, sinh viên đang theo học các ngành liên quan tới đô thị, di sản, văn hóa hay các lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo. Đây là cơ hội tuyệt vời để được lắng nghe, chia sẻ và trao đổi các góc nhìn khác nhau về vai trò của di sản văn hóa và mối quan hệ của di sản với thành phố sáng tạo Hà Nội. 

Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm Khoa Các KHLN, ĐHQGHN đã nhấn mạnh: “Sự kiện Hà Nội được UNESCO công nhận là một thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo trên thế giới không chỉ là sự thừa nhận mà còn là bước khởi đầu cho một chương trình hành động của những người yêu thành phố này, nhằm hướng tới Hà Nội sẽ trở thành điểm đến sáng tạo của khu vực trong một tương lai không xa. Trong hành trình đi tìm sự sáng tạo đó, xu thế, cách thức vận động của các di sản văn hóa chắn chắn sẽ là một phần tất yếu trong sự phát triển của thành phố. Mặc dù là một đơn vị đào tạo và nghiên cứu còn tương đối trẻ trong các hoạt động liên quan đến sáng tạo và nghệ thuật, nhưng Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội luôn ý thức được vị trí cũng như trách nhiệm xã hội của mình vào quá trình chuyển đổi của thành phố sáng tạo Hà Nội. Tiếp nối các giá trị học thuật đề cao tinh thần khai phóng, di sản bản địa và tiếp cận liên ngành của các thế hệ tiền bối đi trước, cả ba bộ môn trực thuộc Khoa là Di sản học, Công nghiệp văn hóa và sáng tạo, Đô thị và Kiến trúc bền vững đã cùng nhau lên ý tưởng và xây dựng nội dung tổ chức cho buổi tọa đàm ngày hôm nay. Buổi tọa đàm không chỉ đơn giản là nơi giới thiệu các quan điểm học thuật mà nó còn thể hiện những trăn trở, suy tư của các giảng viên, nhà khoa học của Khoa từ nhiều góc nhìn khác nhau trong việc tìm kiếm các chiều cạnh sáng tạo của Hà Nội từ trong di sản. Chúng tôi tin rằng, sự đối thoại cởi mở và tinh thần chia sẻ hợp tác sẽ là một trong những phương thức tốt nhất cho những người yêu Hà Nội có thể làm việc cùng nhau để tạo nên những giá trị mới và sáng tạo cho thành phố”.

Cũng trong khuôn khổ báo cáo đề dẫn tại Tọa đàm, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghiệp văn hóa và sáng tạo đã khẳng định: Di sản không phải của quá khứ mà là khát vọng của đương đại. Di sản kết nối và sử dụng quá khứ cho nhu cầu hiện tại với tầm nhìn tương lai. Với vai trò kết nối, di sản là một bộ phận không thể tách rời với sự vận động của xã hội và đời sống kinh tế hiện đại. Ngoài những giá trị lịch sử và thẩm mỹ, di sản dù là vật thể hay phi vật thể đều là một tài sản độc đáo được tạo ra trong không gian đương đại kết nối với không gian hiện đại tạo ra những giá trị, căn tính xã hội và truyền cảm hứng cho hoạt động của con người hiện đại.

Tiếp theo báo cáo đề dẫn là 5 báo cáo chuyên đề với các nội dung vô cùng phong phú:

1. “Cảnh quan/dòng chảy di sản (heritage-scape) và mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” do PGS.TS Nguyễn Thị Hiền - Chủ nhiệm Bộ môn Di sản học trình bày;

2. “Sáng tạo và di sản trong kiến trúc” do KTS.TS Lê Phước Anh - Chủ nhiệm Bộ môn Đô thị và Kiến trúc bền vững trình bày;

3. “Nhà tập thể và không gian sáng tạo đương đại ở Hà Nội” do TS. Trần Hậu Yên Thế - Giảng viên bộ môn Công nghiệp văn hóa và sáng tạo trình bày;

4. “Xây dựng sản phẩm du lịch theo quan điểm sáng tạo, góp phần định vị điểm đến Hà Nội” do TS Nguyễn Thu Thủy - Giảng viên bộ môn Công nghiệp văn hóa và sáng tạo trình bày;

5. “Phát huy giá trị của nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong bối cảnh Hà Nội tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” do TS. Lư Thị Thanh Lê - Giảng viên bộ môn Công nghiệp văn hóa và sáng tạo trình bày. 

Các báo cáo chuyên đề đều mang hàm lượng khoa học cao, thể hiện mối quan tâm hàng đầu của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học về vấn đề làm sao để trao sức sống cho di sản gắn liền với tư duy sáng tạo và ứng dụng vào thành phố sáng tạo Hà Nội ngày nay. Như TS.Lê Phước Anh đã nêu: Không nên “đóng băng” di sản tại các bảo tàng nếu không muốn chúng biến mất nhanh hơn: “Theo quan niệm phương Đông, vạn vật trên đời này đều có vòng đời và tuổi thọ, khi đã hoàn thành trách nhiệm của mình sẽ mất đi. Việc bảo tồn một thứ gì đó sẽ mang tính phản tự nhiên”. Chúng ta không thể duy trì một thứ gì đó bằng cách đóng băng chúng lại. Nếu muốn chúng "sống", muốn di sản "sống", chúng ta phải buộc phải thay đổi nó và sáng tạo nó. Còn nếu chỉ đóng băng và giữa nguyên hiện trạng chỉ khiến di sản chết nhanh hơn mà thôi. 

Trong không khí sôi nổi của phiên thảo luận, các diễn giả đã cùng với độc giả quan tâm, các nhà nghiên cứu, các bạn trẻ có niềm đam mê với văn hóa, di sản, đô thị…. làm rõ hơn, sâu sắc hơn những vấn đề được đưa ra trong các báo cáo chuyên đề. Nhiều câu hỏi, nhiều thông tin hữu ích, đa chiều về di sản, về các vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong Thành phố Sáng tạo Hà Nội…đã được gửi tới các diễn giả để cùng nhau hướng tới các đề xuất, các giải pháp để bảo tồn, phát huy và trao sức sống mãnh liệt hơn nữa cho di sản văn hóa của thành phố sáng tạo Hà Nội nói riêng, cũng như di sản của Việt Nam nói chung. 

Tọa đàm là hoạt động thành công hấp dẫn sự chú ý và đóng góp của nhiều trái tim yêu Hà Nội, yêu di sản Việt Nam và đam mê công nghiệp văn hóa sáng tạo. Tọa đàm cũng đã thành công khép lại “Lễ hội thiết kế sáng tạo năm 2022” với những dấu ấn khó phai, mở ra những luồng tư duy mới, sáng tạo hơn, đa chiều hơn, sâu sắc hơn cho việc tái hiện sức sống cho di sản văn hóa trong lòng thành phố sáng tạo Hà Nội. 

 

CÁC TIN KHÁC