Cập nhật lúc 2025-02-11 00:00:00
Ngày 10 tháng 2 năm 2025, tại phòng 403 nhà G7, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật đã tổ chức seminar Hiểu ngành Công nghiệp văn hóa và sáng tạo (CNVH&ST). Buổi seminar được chủ trì bởi PGS.TS Phạm Quỳnh Phương - Trưởng Khoa Công nghiệp văn hóa và di sản và trình bày cụ thể bởi TS. Mai Thị Hạnh và TS. Phan Quang Anh. Buổi seminar nhận được sự quan tâm của các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan và các giảng viên của Khoa Công nghiệp văn hóa và Di sản cùng đội ngũ truyền thông - tuyển sinh của nhà trường. Nội dung chính được trao đổi gồm 4 phần: Triết lý, mục tiêu, chuẩn đầu ra; Chân dung và kỳ vọng của người học; Chương trình đào tạo và dự án tốt nghiệp và thảo luận.
PGS.TS Phạm Quỳnh Phương phát biểu tại seminar
Cấu trúc chương trình đào tạo với một số điểm mới thu hút người học
Seminar đã cung cấp thông tin cho người nghe hiểu sâu triết lý đào tạo, bản chất của lĩnh vực (CNVH&ST), hiểu đối tượng người học để triển khai nội dung học phần phù hợp và hiệu quả, triển khai nội dung giảng dạy và các hoạt động bổ trợ (thực tế, thực tập, kết nối mạng lưới, liên kết đào tạo). Đặc biệt, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương cũng nhấn mạnh một số điểm nổi bật trong các căn cứ xây dựng và phát triển chương trình Thạc sĩ Công nghiệp văn hóa sáng tạo như: bối cảnh kinh tế và xã hội thế giới và Việt Nam, nhu cầu nhân lực, thực tiễn đào tạo.
Chương trình Thạc sĩ Công nghiệp văn hóa sáng tạo tại mang tính ứng dụng cao trong xu thể phát triển của kỷ nguyên mới
Cho đến thời điểm hiện tại, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (VNU-SIS) là đơn vị đầu tiên và duy nhất đào tạo Thạc sĩ Công nghiệp văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam. Đội ngũ xây dựng chương trình có quan điểm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua liên kết với doanh nghiệp, hợp tác với đối tác quốc tế, đủ sức cạnh tranh toàn cầu.
Buổi seminar cũng đã lắng nghe phần trình bày của TS. Mai Thị Hạnh phân tích kỹ hơn về chân dung người học và lý do theo học, kỳ vọng khi hoàn thành chương trình thạc sĩ. Từ đó, đội ngũ xây dựng chương trình sẽ có những tiếp cận phù hợp trên nền tảng liên ngành và sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành nhằm mục tiêu đảm bảo cho người học ở các cấp độ nhân lực quản lý, nhân lực sáng tạo hay nhân lực sản xuất kinh doanh được trang bị kiến thức và kỹ năng tổng hợp về hệ sinh thái công nghiệp văn hóa sáng tạo và năng lực ứng dụng trong thực tiễn theo hướng bền vững và có trách nhiệm.
Là một hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, buổi seminar đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Seminar này cũng khẳng định, nhà trường đang từng bước nỗ lực phối hợp cùng các chuyên gia trong ngành để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.