Cập nhật lúc 2022-02-09 07:58:43
Sáng ngày 16/07/2021, Khoa Các khoa học liên ngành (CKHLN) trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức seminar chủ đề “Ghi danh di sản – từ mục đích, ý tưởng đến thực tiễn” do PGS.TS. Nguyễn Thị Hiền trình bày cùng nhóm nghiên cứu.
Với mục tiêu liên tục nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học tại Khoa CKHLN, Ban Chủ nhiệm Khoa đã luôn tích cực khuyến khích và tạo điều kiện tối ưu để các thầy cô, các nhà khoa học luôn có các cơ hội để thực hiện tọa đàm khoa học của nhiều lĩnh vực, đa dạng về chủ đề và đặc biệt mang tính thời sự, hội nhập cao.
Ngày 16/07/2021, Khoa CKHLN chủ trì tổ chức buổi seminar trực tuyến “Ghi danh di sản – từ mục đích, ý tưởng đến thực tiễn” với sự trình bày, diễn giải của PGS.TS. Nguyễn Thị Hiền, một trong 12 chuyên gia quốc tế trong Hội đồng Thẩm định hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, Công ước 2003 của UNESCO, nhiệm kỳ 2012-2014, 2017-2020; Hiện nay PGS là thành viên Hội đồng thẩm định hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch; PGS cũng đang là giảng viên chương trình Thạc sĩ Di sản học và chương trình cử nhân Quản trị tài nguyên di sản tại Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Buổi seminar nhận được sự quan tâm của các Sở VHTT&DL, các chuyên gia, các nhà báo đến từ các lĩnh vực Văn hóa, Di sản, Du lịch và Kinh tế, cùng sự có mặt của đội ngũ giảng viên, chuyên viên và học viên cao học các chuyên ngành về Di sản, Du lịch, Quản lý Văn hóa, Khu vực học. Với số lượng tham dự lên tới 100 thành viên, seminar đã thành công chứng minh được sức hút của chủ đề ghi danh di sản, cũng như sự cầu thị trong học tập và nghiên cứu của thành viên tham dự.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hiền mở đầu bài thuyêt trình bằng việc làm rõ các hình thức, mục đích và tiêu chí ghi danh di sản, từ đó giúp người nghe hiểu rõ hơn về các thuật ngữ sử dụng trong ghi danh di sản. Thông qua đó, PGS cũng thống nhất lại cho người nghe cách gọi đúng của “ghi danh di sản”, chứ không phải là “công nhận di sản” như cách chúng ta thường nói lâu nay. Bên cạnh đó, PGS cũng đưa ra các tiêu chí cụ thể cho việc ghi danh di sản của UNESCO và công ước 2003, phân biệt danh sách đặc biệt và danh sách khẩn cấp thông qua những đặc thù của di sản.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, mục đích ghi danh di sản của UNESCO là nhằm bảo vệ di sản bằng cách “đưa các di sản vào danh sách”, mà không phải là “vinh danh” hay “xếp hạng” di sản đó ở đẳng cấp quốc tế: “UNESCO muốn cộng đồng quốc tế nhận diện và bảo vệ giá trị của di sản; đối với di sản văn hóa phi vật thể là nâng cao tính phổ biến và nhận thức về tầm quan trọng, khuyến khích đối thoại trên cơ sở tôn trọng đa dạng văn hóa. Ghi danh di sản không nhằm mục đích tạo ra nhãn hiệu, thương hiệu, không nhằm đem lại lợi ích vật chất”.
(Ảnh: PGS.TS Trần Thị An; PGS.TS Nguyễn Thị Hiền)
Phần tiếp theo của bài thuyết trình, PGS đề cập tới vai trò của Nhà nước và cộng đồng trong vấn đề lập hồ sơ ghi danh di sản. PGS.TS Nguyễn Thị Hiền cho biết, đã có không ít quốc gia bị UNESCO bác bỏ hồ sơ vì đề nghị ghi danh di sản để gây dựng thương hiệu cạnh tranh, thu hút du lịch: “Cách hiểu ghi danh di sản là danh hiệu hấp dẫn có thể dẫn đến những hành động trái ngược với tinh thần của công ước. Việc ghi danh không khiến cho một di sản ‘có đẳng cấp’ hơn những di sản chưa được ghi danh hay di sản cấp địa phương thì ‘kém giá trị’ hơn di sản cấp quốc gia. Phải hiểu đúng, để không tạo ra sự thất vọng với cộng đồng không được ghi danh; cũng không có sự hiểu sai, tự hào thái quá tại nơi được ghi danh”.
PGS.TS Nguyễn Thị Hiền luôn nhấn mạnh vai trò của cộng đồng về bảo tồn, phát huy di sản cũng như vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng hồ sơ di sản. Nhà nước và cộng đồng phải luôn giữ mối liên kết chặt chẽ với nhau bởi nếu chỉ dựa vào sức của một bên thì sẽ rất khó để xây dựng, ghi danh, phát huy và bảo tồn di sản.
Buổi tọa đàm tiếp tục với phần thảo luận, giải đáp các vấn đề thực tế như: các hồ sơ ghi danh di sản; Về vai trò của các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà ngoại giao tham gia vào quá trình ghi danh di sản: Về thẩm quyền ghi danh di sản: các Hội đồng thẩm định/đánh giá hồ sơ, quyền quyết định ghi danh di sản. Trong đó, số lượng câu hỏi đến từ các nhà báo, đơn vị quản lí di sản chiếm đa số, tập trung vào mối quan tâm làm thế nào để ghi danh một di sản đúng cách; hay có nên đưa di sản đã được ghi danh trở thành điểm khai thác du lịch… PGS đã rất tâm huyết giải đáp, phân tích và đưa ra những lời khuyên hữu ích đối với từng câu hỏi/trao đổi bởi PGS luôn mong muốn được lan tỏa các thông điệp đúng về ghi danh di sản tới
Sau hơn 3 giờ làm việc nghiêm túc với sự chia sẻ sôi nổi đầy tâm huyết của các nhà khoa học, những câu hỏi thắc mắc từ phía học viên cũng như những trao đổi về góc nhìn từ nhiều lĩnh vực liên quan tới di sản, seminar “Ghi danh di sản – từ mục đích, ý tưởng đến thực tiễn” với phần trình bày và giải đáp đầy tâm huyết của PGS.TS. Nguyễn Thị Hiền đã đóng góp những thông tin hữu ích, chi tiết và đầy hàm lượng khoa học về ghi danh di sản. Từ đó, những nhận thức, đánh giá hay nghiên cứu về Di sản cũng được nâng cao chất lượng hơn với những cách hiểu đúng và quy trình đúng.
Dù tọa đàm trước tổ chức trực tuyến nhưng đã gặt hái được thành công tốt đẹp với số lượng lớn thành viên tham dự dao động từ 70 đến hơn 100 người. Sự quan tâm của các thành viên, sự hấp dẫn của chủ đề tọa đàm là động lực cho Khoa Các khoa học liên ngành tiếp tục xây dựng và tổ chức các hoạt động đầy ý nghĩa này cho toàn Khoa cũng như lan tỏa rộng rãi hơn nữa nhằm thu hút các nhà khoa học tới sinh hoạt tại Khoa.
MA.Thanh Ngọc-SIS.VNU