Cập nhật lúc 2025-07-10 09:34:51

Trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, Nghê là một linh vật đặc biệt, mang trong mình sự kết tinh giữa truyền thống và sáng tạo, giữa vẻ linh thiêng và đời sống gần gũi. Không kỳ ảo như Rồng, không huyễn hoặc như Kỳ Lân, Nghê mang một bản sắc rất Việt: oai phong nhưng khiêm nhường, thông tuệ mà gắn bó với đời sống cộng đồng. Từng hiện diện nơi cổng đình, sân chùa, Nghê sống trong tâm thức người Việt như một biểu tượng của chính trực và tỉnh thức, vừa bảo vệ điều thiêng liêng, vừa đồng hành cùng con người trong cuộc sống hàng ngày.
Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã lựa chọn Nghê làm linh vật chính thức không chỉ vì ý nghĩa văn hóa sâu xa, mà còn bởi tính cách và hình ảnh của Nghê rất phù hợp với giá trị cốt lõi và triết lý phát triển của nhà trường. Đây là một môi trường giáo dục lấy liên ngành làm trọng tâm, khai phóng làm phương pháp, sáng tạo làm năng lực cốt lõi, và văn hóa bản địa làm nền tảng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi tri thức, Nghê chính là biểu tượng lý tưởng để kết nối giữa quá khứ và tương lai, giữa bản sắc dân tộc và khát vọng hội nhập, giữa chiều sâu di sản và sức bật sáng tạo của thế hệ trẻ.
Hình tượng linh vật Nghê trong phiên bản mascot được thiết kế với tạo hình sinh động, mang vẻ dễ mến và thân thiện, phù hợp với đời sống sinh viên năng động ngày nay. Mái tóc xoăn dựng gợi hình bờm thể hiện hùng khí sung mãn - một dấu ấn thần thú thiêng trong mỹ thuật Phật giáo và cung đình; được cách điệu như mái tóc trẻ trung của sinh viên thời hiện đại. Khuôn mặt tròn, đôi mắt to lấp lánh biểu cảm hồn nhiên và ánh nhìn tươi sáng, toát lên tinh thần cởi mở, tích cực, tự tin. Hai tai vểnh nhẹ và chiếc răng nanh nhỏ nhô ra gợi nhắc đến đặc điểm gần gũi của Nghê trong đời sống dân gian “cười như Nghê”, từng hiện diện trước cổng đình, chùa, miếu, nơi thờ tự khắp mọi miền đất nước.
Linh vật có hai phiên bản trang phục: đồng phục sinh viên đời thường và lễ phục tốt nghiệp, thể hiện hành trình trưởng thành, từ người học đến người sáng tạo tri thức. Màu áo xanh và cam hiện đại, trẻ trung, đồng thời giữ sắc màu nhận diện chính của nhà trường. Ở cả hai tạo hình, Nghê đều giơ tay tạo dáng chữ V, không chỉ biểu tượng cho chiến thắng và tinh thần tích cực, mà còn đại diện cho sự kết hợp giữa hai trụ cột: Liên ngành và Nghệ thuật, luôn song hành trong mọi hoạt động đào tạo và nghiên cứu tại trường.
Với sự trở lại đầy mới mẻ, linh vật Nghê là hiện thân của bản lĩnh sáng tạo và bản sắc văn hóa Việt Nam. Nghê không phải là một biểu tượng vay mượn từ bên ngoài. Đây là linh thú thuần Việt - được tạo tác từ trí tưởng tượng và kinh nghiệm văn hóa của cha ông, từng canh giữ nơi linh thiêng, từng được đặt dưới ngai vàng, từng sống trong lòng người dân như một biểu tượng của chính trực, tỉnh thức và gần gũi. Ngày nay, khi xuất hiện trong hình hài của một người trẻ, Nghê không chỉ là một biểu tượng nghệ thuật, mà còn là bạn đồng hành trong hành trình học tập, trưởng thành và khẳng định bản thân của mỗi sinh viên.
Linh vật Nghê sẽ hiện diện trong đời sống học đường như một hình ảnh kết nối cộng đồng. Bên cạnh là biểu tượng truyền thông, Nghê có thể trở thành nhân vật trung tâm trong các sản phẩm sáng tạo của sinh viên: từ tranh vẽ, hoạt hình, video giới thiệu trường, đến các sản phẩm văn hóa như áo, sổ, sticker, không gian nghệ thuật trong khuôn viên… Nghê góp phần nuôi dưỡng tinh thần gắn kết, khơi gợi niềm tự hào, làm phong phú thêm đời sống tinh thần trong môi trường giáo dục năng động.
Việc lựa chọn Nghê làm linh vật thể hiện khát vọng của Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật trong việc phát triển di sản văn hóa bằng sự sáng tạo của thế hệ mới. Không vay mượn hình mẫu từ bên ngoài, không sao chép biểu tượng đại chúng, Nghê là sản phẩm thuần Việt, được tạo tác từ trí tưởng tượng và kinh nghiệm văn hóa của cha ông, nay được tái sinh với hình hài trẻ trung và tâm thế bản lĩnh. Đó là hiện thân của một thế hệ sinh viên biết mình đến từ đâu, đang đi đâu và có thể làm gì để góp phần xây dựng tương lai của một Việt Nam hùng cường, sáng tạo và hội nhập, vững vàng bước ra thế giới từ nền móng văn hóa của chính mình.