LỄ KHAI GIẢNG SAU ĐẠI HỌC, TRAO BẰNG THẠC SĨ NĂM HỌC 2022-2023 VÀ RA MẮT CHƯƠNG TRÌNH TIẾN SĨ DI SẢN HỌC

Cập nhật lúc 2023-03-14 01:12:18

Sáng ngày 24 tháng 12 năm 2022, Khoa Các khoa học liên ngành (KHLN), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) long trọng tổ chức lễ khai giảng sau đại học, trao bằng thạc sĩ năm học 2022-2023 và ra mắt chương trình tiến sĩ Di sản học, tại Hội trường Ngụy Như Kontum, 19 Lê Thánh Tông. Đây là sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng của ngành Di sản cùng hành trình phát triển của Khoa. 

 

Đến dự buổi lễ, Khoa Các KHLN vinh dự đón tiếp các vị khách quý là đại diện lãnh đạo các Phòng, Ban của ĐHQGHN, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN; Ban Chủ  nhiệm Khoa, đại diện Hội đồng Khoa học & Đào tạo của Khoa; Đại diện các đơn vị, đối tác hợp tác cùng Khoa; Các đơn vị báo chí truyền thông; Đội ngũ giảng viên, nhân viên, học viên, nghiên cứu sinh và sinh viên trong Khoa; đặc biệt là sự hiện diện của các Tân Thạc sĩ và gia đình.

 

            Lễ khai giảng được bắt đầu với bài diễn văn chào mừng của PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm Khoa Các KHLN, điểm lại những thành tích Khoa đạt được trong suốt thời gian thăng trầm, biến động vừa qua do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, dành lời tri ân tới đội ngũ giáo sư, giảng viên, chuyên gia đã cùng Khoa nỗ lực gây dựng và phát triển các chương trình đào tạo chất lượng. Đặc biệt, năm học 2022-2023, Khoa được định hướng trở thành trung tâm phát triển các lĩnh vực sáng tạo - nghệ thuật, hướng tới trở thành Trường Liên ngành Sáng tạo và Nghệ thuật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Giáo sư cũng hân hoan chào đón các học viên, nghiên cứu sinh đã về với ngôi nhà chung Khoa Các KHLN. Và đặc biệt chúc mừng 29 Tân Thạc sĩ đã thành công gặt hái vinh quang. Để tiếp nối không khí hân hoan sau bài diễn văn khai mạc, TS. Dư Đức Thắng đã lên công bố quyết định trúng tuyển học viên năm 2022-2023 và chào đón các tân học viên, nghiên cứu sinh bắt đầu ghi dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp học tập và nghiên cứu chuyên sâu của mình tại Khoa Các KHLN, ĐHQGHN.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu phát biểu chào mừng

GS.TS Phan Văn Tân, Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT Khoa Các KHLN cũng bày tỏ sự vui mừng trước sự lớn mạnh của Khoa trong những năm qua và mong muốn Khoa sẽ luôn giữ vững được thương hiệu của mình là một đơn vị tiên phong trong các ngành đào tạo liên ngành, ứng dụng, sáng tạo và bền vững, từ đó chắp cánh cho thành tựu của các chuyên ngành ngày càng thăng hoa.

GS.TS Phan Văn Tân phát biểu tại buổi lễ

Tân thạc sĩ Quản lí phát triển đô thị cùng đội ngũ giảng viên, chuyên gia

 

Chương trình trở nên hứng khởi và đầy tự hào với lễ ra mắt chương trình đào tạo Tiến sĩ Di sản học, đánh dấu cột mốc hoàn thiện cả 3 bậc đào tạo: Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ của lĩnh vực Di sản học tại Khoa. Di sản là một trong 4 trụ cột đào tạo tại Khoa Các KHLN với định hướng liên ngành - sáng tạo - bề vững. Chương trình đào tạo Tiến sĩ Di sản học của Khoa Các KHLN là một chương trình đào tạo các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu những kiến thức cần thiết để nhận diện, đánh giá, bảo vệ, phát huy, quản lý, ứng dụng và quảng bá các nguồn tài nguyên di sản. Chương trình sử dụng cách tiếp cận liên ngành để khám phá các mối quan hệ qua lại của lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, địa lý, môi trường và thiên nhiên, kinh tế xã hội ở các khu vực di sản ở Việt Nam. Theo đó, triết lý của chương trình đào tạo là: Quản lý, bảo vệ, phát huy, các giá trị di sản và kiến tạo di sản cho hiện tại và tương lai bằng tiếp cận liên ngành để phát triển bền vững, với sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng. 

Ban chủ nhiệm Khoa tặng hoa tri ân đội ngũ chuyên gia xây dựng chương trình Tiến sĩ Di sản học

 

Năm 2022, sau hơn 3 năm miệt mài nghiên cứu, khảo sát, xây dựng và hoàn thiện, chương trình Tiến sĩ Di sản học ra đời với tất cả tâm huyết của các chuyên gia, giảng viên, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực gắn bó với di sản. Việt Nam - một quốc gia cường ký được thể hiện qua hệ thống Di sản dày đặc từ Bắc chí Nam, đa dạng, phong phú từ Di sản thiên nhiên, DS văn hóa và Di sản hỗn hợp. Đây là nguồn tài nguyên khổng lồ của một quốc gia nhỏ bé và rất cần được bảo vệ và phát huy 1 cách chuyên nghiệp. Hơn thế nữa, Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế toàn cầu hóa trong công tác bảo tồn, phát huy di sản, nên nhu cầu cấp thiết về một đội ngũ chuyên viên chất lượng cao, chuyên gia hàng đầu về Di sản đang ngày một nóng bỏng, thôi thúc Khoa Các khoa học liên ngành hoàn thiện CTĐT Tiến sĩ Di sản học - một cánh cửa thần kỳ đưa con người giải mã quá khứ một cách thấu đáo.  

Thêm một lần nữa, Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN giữ vững vị trí là đơn vị tiên phong và duy nhất trên cả nước xây dựng và tổ chức đào tạo Tiến sĩ Di sản học với tư duy liên ngành, liên lĩnh vực, chuyên sâu và tiếp cận quốc tế. Đây sẽ là nơi tập hợp các chuyên gia về di sản với nhiều định hướng đa dạng, từ: Di sản thiên nhiên, DS văn hóa, DS hỗn hợp, Kinh tế di sản, Chính sách di sản cho tới các ứng dụng giá trị di sản trong nhiều loại hình phối hợp như: nghệ thuật, truyền thông, thương hiệu, kinh doanh.... Di sản học đối với chúng tôi không chỉ là đơn ngành nghiên cứu mà còn là sự kiến tạo tương lai từ những hành trình trong quá khứ. Tựa như một vòng tròn của sự sống, ngành Di sản của chúng tôi xuất phát từ vinh quang của quá khứ, tái hiện trong hiện tại và xây dựng lên tương lai với các di sản được tôn vinh, phát huy và sáng tạo để từ đó lưu lại thành những di sản kế tiếp cho nhiều thế hệ tương lai. 

Tân thạc sĩ của Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội chụp ảnh lưu niệm

PGS.TS Trần Thị An và tân thạc sĩ đầu tiên của ngành Di sản học tại Việt Nam

 

Chương trình Tiến sĩ Di sản học khẳng định vị thế của Khoa là đơn vị đầu tiên và duy nhất trên cả nước đào tạo hoàn chỉnh cả 3 bậc của ngành Di sản học. Hơn thế nữa, Khoa còn vinh dự là thành viên của Mạng lưới các trường đại học đào tạo về di sản văn hóa phi vật thể khu vực Châu Á - TBD; Đồng thời là đối tác uy tín của UNESCO trong lĩnh vực giáo dục Di sản trên thế giới. 

Ban lãnh đạo Khoa đã dành những tình cảm tri ân chân thành nhất tới các chuyên gia trong tổ công tác xây dựng chương trình và khép lại lễ ra mắt bằng những lời chia sẻ chân thành, sâu sắc từ PGS.TS Nguyễn Thị Hiền - Tổ trưởng tổ bộ môn Di sản học. PGS bày tỏ sự xúc động cũng như ghi nhận quá trình nỗ lực của toàn tổ công tác để có được thành quả như hôm nay, đồng thời bày tỏ sự quyết tâm, giữ vững nhiệt huyết để phát triển chương trình đào tạo xứng đáng với niềm tin của Khoa.  

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền chụp ảnh cùng

tân Thạc sĩ Di sản học đầu tiên Nguyễn Văn Thọ

Và khoảnh khắc xúc động khép lại buổi lễ khai giảng sau đại học của Khoa là sự kiện trao bằng cho 29 Tân Thạc sĩ đến từ 04 chuyên ngành: Biến đổi khí hậu, Khoa học bền vững, Quản lí phát triển đô thị và Di sản học. Nỗ lực học tập và nghiên cứu của các Tân Thạc sĩ đã chạm tới thành tựu, từ khi cầm tấm bằng Thạc sĩ trong tay, họ sẽ trở thành những cựu học viên đáng quý của Khoa, đồng thời trở thành những đại sứ đưa hình ảnh Khoa Các khoa học liên ngành vươn xa.

 

 

CÁC TIN KHÁC