Cập nhật lúc 2025-05-12 00:00:00

Hà Nội, 7/5/2025 – Ngành Thời trang & Sáng tạo, Khoa Nghệ thuật & Thiết kế, Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức sự kiện talkshow "Ý niệm: Hành trình Phát triển Ý tưởng Thiết kế" tại Trung tâm Điều phối Hoạt động Sáng tạo Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội. Sự kiện thu hút sự tham gia của gần 100 sinh viên thuộc các trường đại học trong khu vực.
Trong bối cảnh giáo dục nghệ thuật mang tính liên ngành, sự giao thoa giữa nghệ thuật và thời trang không chỉ là một xu hướng mà còn là một triết lý đào tạo cốt lõi tại trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật. Sinh viên được khuyến khích nhìn nhận thời trang như một hình thức nghệ thuật sống động, có khả năng đối thoại với hội họa, điêu khắc, kiến trúc và nghệ thuật trình diễn. Sự kiện “Ý niệm: Hành trình Phát triển Ý tưởng Thiết kế” với sự chia sẻ từ Pierre-Alexandre Mercadié (nhà thiết kế, giám đốc sáng tạo) và Phương ThyThu (chuyên gia tiếp thị số) đã giúp sinh viên hình dung rõ hơn cách một dự án thời trang có thể khởi nguồn từ cảm hứng nghệ thuật và mang theo chiều sâu văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật.
Toàn cảnh buổi talkshow tại Trung tâm Điều phối Hoạt động Sáng tạo Hà Nội (Bảo tàng Hà Nội), địa điểm đặc biệt mang ý nghĩa truyền cảm hứng đến hoạt động sáng tạo nói chung tại Việt Nam.
Từ phải sang trái: Anh Lương Viết Thanh Tùng – Chuyên gia Truyền thông và Nghiên cứu về Thời trang bền vững, chị Phương ThyThu – Chuyên gia Tiếp thị số, anh Pierre-Alexandre Mercadié – NTK, Giám đốc Sáng tạo.
Tại sự kiện, Giám đốc Sáng tạo Pierre-Alexandre Mercadié chia sẻ về quá trình phát triển tư duy để các thiết kế của không chỉ giới hạn trong trang phục mà còn mở rộng sang không gian trưng bày, thiết kế cửa hàng và các sự kiện nghệ thuật. Pierre-Alexandre Mercadié dẫn dắt sinh viên đi sâu vào hành trình phát triển một ý tưởng thiết kế – từ những cảm hứng ban đầu, quá trình nghiên cứu bối cảnh, chất liệu, đến việc hình thành chủ đề và tạo mẫu. Điều này mở ra một kết nối trực tiếp với học phần “Nghiên cứu và Phát triển Sản phẩm Thời trang” mà sinh viên bộ môn Thời trang & Sáng tạo vừa hoàn thành, cho thấy việc học không chỉ dừng ở lý thuyết mà còn có thể áp dụng trong thực tiễn.
Giám đốc Sáng tạo Pierre-Alexandre Mercadié chia sẻ các kinh nghiệm của mình sau quá trình 10 năm thực hiện dự án cho các thương hiệu lớn như Chanel hay Vogue.
Việc tư duy, lựa chọn các vật liệu thân thiện với môi trường cũng được đưa ra thảo luận chi tiết và đầy cảm hứng.
Sinh viên được trực tiếp trải nghiệm sản phẩm sáng tạo của Pierre-Alexandre Mercadié. Trên hình là một sáng tạo vật liệu mới, sử dụng các tấm nhựa cách nhiệt – cách âm trong kiến trúc xây dựng nhằm tái chế thành một bền mặt chất liệu mới cho thời trang.
Một sáng tạo khác của Pierre-Alexandre Mercadié gây được tò mò của người tham dự. Vị Giám đốc Sáng tạo đã sử dụng các tấm nhựa trải bàn, xé sợi nhỏ dài gần 10km, và xử lí lại thành một bề mặt vải.
Chuyên gia tiếp thị số Phương Thy Thu với phần trình bày về Visual Merchandising, giúp sinh viên hiểu rõ mối liên hệ giữa thiết kế thời trang và thiết kế không gian trình diễn – nơi sản phẩm không chỉ được mặc mà còn được “kể chuyện” bằng ánh sáng, bố cục và cảm xúc.
Phương ThyThu là một chuyên gia, diễn giả nhiều năm kinh nghiệm. Phần trình bày gần gũi, nhiều thông tin đã tạo được dấu ấn sâu đậm cho người tham dự.
Sự kiện tạo ra một không gian đối thoại mở tích cực. Khách mời cùng người tham dự đã có những trao đổi sâu về chủ đề nói trên.
Hoàng Huy Dương, Giảng viên ngành Thời trang & Sáng tạo, trường Khoa học Liên ngành & Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, trao đổi về hướng tiếp cận khách hàng thông qua sản phẩm thời trang.
Sinh viên chăm chú ghi lại các nội dung được trao đổi trong talkshow.
CÁC TIN KHÁC