Hiệu quả hội thảo “Định hướng xây dựng chương trình đào tạo Thạc sĩ liên ngành về Khoa học di sản ở ĐHQGHN”

Cập nhật lúc 2022-02-09 07:58:42

Hội thảo là hoạt động đầu tiên nằm trong lộ trình nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo Thạc sĩ về Khoa học di sản do Khoa Các Khoa học liên ngành, ĐHQGHN tổ chức. Hội thảo đã ghi nhận sự tham gia của gần 30 nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực di sản văn hóa và các lĩnh vực khác thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội…và các đơn vị thành viên của ĐHQGHN. Đã có 5 báo cáo khoa học và 8 ý kiến đóng góp chuyên sâu được đưa ra tại hội thảo.


Hội thảo được chủ trì bởi TS. Nguyễn Thị Hồng Minh – Khoa Các khoa học liên ngành, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và GS.TS Tạ Hòa Phương – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.


Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học liên ngành Nguyễn Thị Hồng Minh cho hay, ĐHQGHN luôn quan tâm đến hình thành và triển khai các chương trình đào tạo mang tính liên ngành, liên lĩnh vực, nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ, kiến thức và cách tiếp cận tổng thể, có khả năng nhận diện, đưa ra giải pháp để giải quyết các vấn đề mang tính nhiều chiều, phức tạp.

Khẳng định nhu cầu cấp thiết về đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực Khoa học di sản, Chủ nhiệm Khoa cho biết, nhiệm vụ cơ bản của chương trình nhằm cung cấp những nhận thức và hiểu biết rộng và sâu cho người quản lý, nghiên cứu và thực hành áp dụng khoa học hiện đại trong bảo tồn, diễn giải, quản lý, tiếp cận và phát huy di sản.

Trong báo cáo đề dẫn “Tiếp cận liên ngành trong đào tạo Khoa học di sản: thực trạng, vấn đề và phương hướng”, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN nêu: Khoa học di sản (Heritage science) bao gồm những lý thuyết, phương pháp và phương pháp luận, kỹ thuật có đối tượng là bảo vệ, bảo quản, bảo tồn, tiếp cận và phát huy giá trị di sản một cách bền vững. Do vậy, Khoa học di sản về bản chất là hợp tác liên ngành.

Báo cáo cũng chỉ ra thực trạng công tác nghiên cứu và đào tạo về di sản ở Việt Nam đang được thực hiện theo hướng đơn ngành, chủ yếu là quản lý di sản văn hóa, văn hóa học, bảo tồn di sản văn hóa, khảo cổ học, bảo tồn kiến trúc… Đây là nguyên nhân làm hạn chế sức sáng tạo và liên kết ngày càng đòi hỏi cao trong Khoa học di sản.

Báo cáo nhấn mạnh vấn đề lớn nhất khi tiếp cận về khoa học di sản là vấn đề nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu cả về chất lượng và số lượng, làm ảnh hưởng đến chất lượng bảo tồn, biến dạng các di tích. Vì thế, việc mở một ngành đào tạo bậc thạc sĩ lúc này là việc làm cần kíp.

Hội thảo cũng nghe một số báo cáo như: “Nghiên cứu di sản thiên nhiên từ góc độ khoa học trái đất”, GS.TS Tạ Hòa Phương, “Một số vấn đề về bảo tồn, phát huy giá trị di sản phi vật thể” (TS Lê Thị Minh Lý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa), “Các công nghệ tích hợp trong nghiên cứu về di sản và văn hoá” (TS. Bùi Quang Hưng – Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN), “Bảo vệ trùng tu di sản kiến trúc” (TS. Nguyễn Văn Anh – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN).

Các đại biểu đều bày tỏ, việc triển khai đào tạo trình độ Thạc sĩ về Khoa học di sản theo hướng tiếp cận liên ngành là hướng đi phù hợp mà thế giới đã triển khai và đáp ứng nhu cầu thực tiễn, cấp bách của Việt Nam. Đại biểu tại Hội thảo đã thảo luận, đóng góp ý kiến về định hướng tổ chức, tính cấp thiết, nhu cầu xã hội, khả năng tổ chức đào tạo và những phác thảo cho kế hoạch triển khai đề án mở chương trình đào tạo Thạc sỹ liên ngành về Khoa học di sản.

Những ý kiến cụ thể đóng góp cho chương trình sẽ được Khoa Các Khoa học Liên ngành tổng hợp trong bài viết sau.

Dưới đây là một số hình ảnh từ hội thảo:

 

CÁC TIN KHÁC