Cập nhật lúc 2025-04-22 00:00:00

Sáng ngày 21/04/2025, tại trung tâm sự kiện ForeverMark, tầng 3 TTTM The Zei, số 8 Lê Đức Thọ, Khoa Quản trị và Kinh tế Sáng tạo – Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật đã tổ chức buổi đối thoại cùng sinh viên ngành Quản trị thương hiệu, khóa K21. Tâm điểm của buổi trao đổi lần này chính là chủ đề: "Làm sao để đáp ứng chuẩn đầu ra ngành Quản trị thương hiệu một cách rõ ràng và hiệu quả?"
1. Chuẩn đầu ra – Không chỉ là mục tiêu học tập mà còn là định hướng nghề nghiệp
Đối thoại với sinh viên ngành Quản trị thương hiệu về việc đáp ứng chuẩn đầu ra
Trong chương trình đào tạo đại học hiện nay, chuẩn đầu ra không còn là một khái niệm mơ hồ. Đặc biệt với một ngành đòi hỏi sự sáng tạo và ứng dụng cao như quản trị thương hiệu, việc hiểu rõ “chuẩn” mà sinh viên cần đạt được lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Tại buổi đối thoại cùng sinh viên, Ban lãnh đạo khoa, ban lãnh đạo nhà trường và đại diện giảng viên trong khoa đã làm rõ các trụ cột chính của chuẩn đầu ra và phân tích kỹ càng để sinh viên ngành Quản trị thương hiệu có thể nắm bắt và thực hiện một cách rõ ràng và chuẩn chỉ nhất.
2. Đối thoại cùng sinh viên: Cởi mở – thiết thực – mang tính định hướng cao
Sinh viên ngành Quản trị Thương hiệu tham gia đối thoại đông đủ và chủ động
Trong gần 2 giờ đồng hồ, sinh viên đã chủ động nêu câu hỏi, bày tỏ mối quan tâm về lộ trình học tập, thực tập, đánh giá năng lực, cũng như những lo lắng xoay quanh việc “liệu mình có đang đi đúng hướng để đạt chuẩn đầu ra?”. Các thầy cô đã trực tiếp phản hồi từng câu hỏi, phân tích cụ thể về từng tiêu chí trong bộ chuẩn đầu ra ngành Quản trị thương hiệu, đồng thời chỉ ra những “lỗi sai” phổ biến mà sinh viên hay mắc phải như: chỉ tập trung học lý thuyết, chưa biết đo lường năng lực qua thực hành, hay chưa nhận thức đầy đủ vai trò của các hoạt động ngoại khóa và thực tập. Đặc biệt, những ví dụ thực tiễn từ sinh viên các khóa trước và góc nhìn từ phía doanh nghiệp cũng được đưa vào để sinh viên hiểu rằng: đạt chuẩn đầu ra không chỉ để tốt nghiệp, mà còn là để sẵn sàng cho thị trường lao động thực chiến.
3. Khẳng định triết lý đào tạo từ SIS: Lấy sinh viên làm trung tâm
Ban lãnh đạo nhà trường, khoa cùng các giảng viên có mặt đông đủ nhằm hỗ trợ các bạn sinh viên
Buổi đối thoại cùng sinh viên là hoạt động mà SIS tổ chức nhằm duy trì kết nối giữa sinh viên và nhà trường – không chỉ ở vai trò học thuật mà còn trong định hướng cá nhân và phát triển nghề nghiệp. Ở ngành học như quản trị thương hiệu, nơi mọi sản phẩm đều cần được xây dựng từ sự thấu hiểu – thì người học cũng cần được đồng hành trên hành trình khám phá chính mình. SIS hiểu rõ điều đó, và đang không ngừng cá nhân hóa hành trình học tập, trao quyền cho sinh viên tự đánh giá, điều chỉnh và hoàn thiện chính mình theo từng “chuẩn” được đặt ra.
CÁC TIN KHÁC