Chuyến khảo sát thực tế đầu tiên của học viên lớp thạc sĩ Biến đổi khí hậu Khóa 1

Cập nhật lúc 2022-02-09 07:58:41

Trong khuôn khổ môn học “Phát triển bền vững”, chương trình đào tạo thạc sĩ Biến đổi khí hậu (BĐKH), ngày 31 tháng 3 năm 2012, lớp thạc sĩ Biến đổi khí hậu Khóa 1 của Đại học Quốc Gia Hà Nội đã tổ chức chuyến đi khảo sát thực tế tại tỉnh Ninh Bình.

Tham gia chuyến thực tế có hầu hết các học viên trong lớp học cùng Giáo sư Tiến sĩ khoa học Trương Quang Học, giảng viên môn học. Về phía Khoa Sau đại học, đơn vị quản lí chương trình đào tạo có Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Chủ nhiệm khoa phụ trách đào tạo và Thạc sĩ Phùng Thế Nghị cán bộ phụ trách lớp cũng tham gia đoàn đi. Tại địa phương đoàn đã nhận được sự giúp đỡ và hướng dẫn của ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình, nguyên phó Ban chỉ đạo Phát triển bền vững tỉnh Ninh Bình.

Chương trình của chuyến đi được thực hiện trong một ngày với hai nội dung chính là xemina chuyên đề về vấn đề định hướng phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Ninh Bình và tham quan một số mô hình du lịch sinh thái gắn với phát triển bền vững tại địa bàn. Ninh Bình là một trong sáu tỉnh đầu tiên trên phạm vi toàn quốc được lựa chọn xây dựng dự án thí điểm và triển khai cấp địa phương chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam.

Đoàn thực tế lớp thạc sĩ Biến đổi khí hậu Khóa 1tại tỉnh Ninh Bình

Tại Hội trường UBND phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh đã chia sẻ những kết quả bước đầu “Thực hiện định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Ninh Bình và những vấn đề đặt ra”. Dựa trên những đặc điểm về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh Ninh Bình cùng với những cơ chế, chính sách về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh, ông đã chỉ ra các kết quả bước đầu thực hiện chiến lược tại địa phương cũng như những khó khăn hiện nay trong việc thực hiện định hướng chiến lược phát triển bền vững gắn với biến đổi khí hậu. Đây sẽ là những kinh nghiệm hữu ích cho các học viên trong việc lồng ghép các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu với các chính sách phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – nguyên Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Ninh Bình

Tiếp theo, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cũng trình bày các yếu tố về điều kiện tự nhiên ở Ninh Bình dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra. Trên cơ sở đó, ông đã giới thiệu một số nhiệm vụ cơ bản góp phần thực hiện hiệu quả “Kế hoạch hành động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020” của tỉnh. Những kinh nghiệm thiết thực này giúp các học viên hiểu rõ thêm về tầm quan trọng của việc ứng phó với biến đổi khí hậu tại một tỉnh ven biển như Ninh Bình.

Các học viên và thành viên tham gia đoàn thực tế đã tham gia tích cực phần thảo luận để làm rõ hơn các nội dung đã được nghe trình bày.

Để tìm hiểu rõ hơn về ngành công nghiệp chủ chốt của tỉnh – du lịch sinh thái – trong bối cảnh phát triển bền vững về môi trường, đoàn tham quan đã tới thăm khu du lịch sinh thái Tràng An. Có thể nói với tiềm năng du lịch lịch sử, sinh thái, văn hoá tâm linh, Tràng An sẽ là một điểm du lịch thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Khu du lịch sinh thái Tràng An, Ninh Bình

Ngoài ra, cũng tại địa bàn tỉnh Ninh Bình, đoàn cũng tới tham quan Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long. Vân Long có 457 loài thực vật bậc cao, thuộc 127 họ, có 8 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam; 30 loài thú trong đó 12 loài quí hiếm như voọc quần đùi, gấu ngựa, báo gấm; 9 loài bò sát được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt ở Vân Long vẫn còn loài cà cuống, một loài côn trùng quí hiếm gần tuyệt chủng ở Việt Nam. Từ năm 1999, khu này đã được Sứ quán Hà Lan hỗ trợ 44.000 USD để bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước.

Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, Gia Viễn, Ninh Bình

Buổi ngoại khóa đã diễn ra thành công tốt đẹp, các học viên đã có cơ hội hiểu thêm những định hướng chiến lược phát triển bền vững và kế hoạch hành động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Ninh Bình , gắn kết các vấn đề lí thuyết đã được học tập trên lớp với thực tiễn tại địa phương.

Dưới đây là một số hình ảnh tiêu biểu của chuyến đi thực tế:

Xemina chuyên đề tại Hội trường UBND phường Thanh Bình

TSKH. Trương Quang Học, Giảng viên môn Phát triển bền vững

Các học viên lớp Biến đổi khí hậu Khóa 1 sôi nổi tham gia thảo luận tại xemina.

Nguyễn Thị Hồng Minh thay mặt đoàn cám ơn ông Nguyễn Ngọc Quỳnh

Các thành viên lớp Biến đổi khí hậu Khóa 1

 Tin: Nguyễn Anh Minh

Ảnh: Võ Ngọc Dũng

CÁC TIN KHÁC