Cập nhật lúc 2022-02-09 07:58:43
Chiều 08/01/2021, Khoa Các khoa học liên ngành (KHLN) tham gia hội đồng cấp ĐHQG nhằm nghiệm thu chương trình Cử nhân Quản trị tài nguyên di sản, chương trình đào tạo bậc cử nhân thứ hai của Khoa cho năm học 2021.
Với nỗ lực hoàn thiện Khoa trở thành một đơn vị đào tạo hoàn chỉnh, Khoa Các khoa học liên ngành cùng các chuyên gia, nhà khoa học đã làm việc nghiêm túc, chất lượng và cầu thị để xây dựng chương trình cử nhân Quản trị tài nguyên di sản, với mục tiêu đa dạng hóa chương trình đào tạo mang tính liên ngành và đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội.
Tới dự buổi nghiệm thu gồm có: Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp ĐHQG; Chủ nhiệm Khoa Các KHLN, đại diện nhóm tác giả xây dựng chương trình, cùng các chuyên viên Phòng Đào tạo, tổ chuyên môn và các phòng ban khác của Khoa.
Hội đồng nghiệm thu chương trình Cử nhân Quản trị tài nguyên di sản gồm có: GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức, Ban Đào tạo ĐHQGHN – Chủ tịch hội đồng; GS.TS. Lê Hồng Lý, Viện Hàn lâm KHXHVN – Phản biện 1; PGS.TS. Đặng Văn Bài, Hội đồng Di sản VHQG – Phản biện 2; GS.TS. Từ Thị Loan, Viện VHNTQGVN – Ủy viên; PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, TT Di sản các nhà KHVN – Ủy viên; PGS.TS. Tống Trung Tín, Viện Khảo cổ học VN – Ủy viên; TS. Đỗ Thị Hương Thảo, ĐH KHXH&NV HN – Ủy viên; ThS. Võ Thị Minh Trang, Ban Đào tạo ĐHQGHN – Thư ký Hội đồng.
PGS.TS. Trần Thị An, đại diện tổ công tác xây dựng chương trình báo cáo sơ bộ mục tiêu, ý nghĩa, giá trị và định hướng đào tạo của chương trình Cử nhân Quản trị tài nguyên di sản (QTTNDS) trước Hội đồng. PGS khẳng định tầm quan trọng của di sản đối với quốc gia; xác định được những khó khăn, thuận lợi trong công tác bảo tồn và quản trị di sản; khẳng định vai trò quan trọng của việc đào tạo cử nhân QTTNDS đối với nhu cầu xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, chương trình QTTNDS cũng được các chuyên gia trong tổ chuyên môn xây dựng nghiên cứu và định hướng đào tạo hiện đại: kết hợp giữa lý thuyết và thực hành ứng dụng công nghệ; định hướng đào tạo tác nghiệp… nhằm bắt kịp xu thế đào tạo quốc tế với các nước trên thế giới đã và đang đào tạo về quản trị tài nguyên di sản. Đồng thời, PGS cũng chỉ ra định hướng liên ngành và tính ứng dụng cao của chương trình đào tạo chính là lợi thế đặc trưng tạo nên sự khác biệt cho chương trình Cử nhân QTTNDS của Khoa Các KHLN.
Chủ tịch Hội đồng cùng các chuyên gia đã lần lượt nêu nhận xét, đánh giá và góp ý tới đề án chương trình nhằm hoàn thiện hơn cho đề án. Các chuyên gia cũng ghi nhận sự công phu, chỉn chu và hàm lượng khoa học dày dặn của đề án và tính đặc sắc mà chương trình nỗ lực thể hiện. Đặc biệt, với kinh nghiệm chuyên môn từ lĩnh vực của mình, các chuyên gia đã nhiệt tình, tâm huyết đóng góp những ý kiến quý báu về chương trình cho Khoa Các KHLN.
Sau 3 tiếng làm việc khẩn trương, nghiêm túc với hàm lượng khoa học cao, Hội đồng ghi nhận và đánh giá cao chương trình Cử nhân Quản trị tài nguyên di sản của Khoa Các KHLN và hoàn toàn đồng thuận thông qua Chương trình. Các chuyên gia trong Hội đồng cũng đồng loạt gửi lời chúc mừng tới ban lãnh đạo Khoa Các KHLN và gửi gắm hy vọng Chương trình sớm ra mắt, tuyển sinh trong năm nay. Đại diện tập thể Khoa, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm Khoa cũng dành những lời cảm ơn chân thành nhất tới những lời đóng góp, nhận xét quý báu của các chuyên gia trong Hội đồng. Đồng thời thay mặt Khoa khẳng định việc sẽ sớm hoàn thiện và cho ra mắt chương trình Cử nhân Quản trị tài nguyên di sản trong năm học 2021 này.