[Tạp chí điện tử Ngày Nay] "Canh đền, tôi chỉ thắp đèn hay là bán cả oản!?"

Cập nhật lúc 2025-01-02 00:00:00

(Ngày Nay) - Trong bối cảnh của cuộc tinh gọn bộ máy và sắp xếp nhân sự, khi mà trong tương lai sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm đơn vị báo chí dừng hoạt động. Thị trường lao động của chúng ta đang và sẽ trải qua những biến động rất lớn.

Trong tương lai gần, chúng tôi nhẩm tính, tối thiểu đối với ngành truyền hình, sẽ có khoảng 10.000 lao động dôi dư. Cho nên, đặt ra câu hỏi ngành Di sản học có giá trị như thế nào đối với lĩnh vực lao động sẽ gây hoang mang.

Xin phép không bàn qua giá trị của chương trình thạc sĩ Di sản học đối với báo chí. Nhưng có hai điều tôi muốn chia sẻ. Đầu tiên là nhu cầu nội tại của cộng đồng đối với ngành Di sản học. Thứ hai là những động cơ mang tính kinh tế.

Trong hơn một năm trở lại đây, nhà trường cùng nhiều đơn vị văn hóa liên tục sử dụng khái niệm “công nghiệp văn hóa” để làm lập luận, hay là động cơ cho các hoạt động. Đây là một chủ trương đúng đắn, đáng được chờ đợi, đặc biệt đối với những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng biện luận này, cũng như quan sát quá trình làm việc của những người trong lĩnh vực, tôi nhận ra, ngành Di sản học hay những ngành nói chung về nghiên cứu văn hóa mà phải sử dụng động cơ kinh tế để làm lý do tồn tại là rất không công bằng.

Ở cơ quan tôi, những thảo luận của ban lãnh đạo cũng xoay quanh việc trả lương, làm thế nào để có tiền vận hành tờ báo. Nhưng không vì thế mà chúng tôi nhìn vào tấm bằng thạc sĩ hay tiến sĩ của phóng viên và nghĩ rằng tấm bằng này sẽ gia tăng bao nhiêu doanh thu cho cơ quan. Việc nhà báo Nguyệt Linh đạt một giải thưởng báo chí vui hơn rất nhiều so với việc ký vào hợp đồng vài trăm triệu với một nhà tài trợ trong lĩnh vực xuất bản. Niềm vui chứng kiến những con người như Nguyệt Linh hay các nhà nghiên cứu khác làm việc là niềm vui của việc duy trì một niềm yêu thích khoa học thuần khiết, chứ không xuất phát từ một động lực kinh tế.

Và các câu hỏi liên quan đến ngành Di sản học là những câu hỏi cốt yếu liên quan đến sự tồn tại của cộng đồng. Nói như PGS.TS Trần Thị An, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, thì đó là sự ngồn ngộn các di tích văn hóa trong không gian sống của chúng ta. Nó đặt ra áp lực và thúc bách con người phải trả lời câu hỏi: Tôi đã là ai? Tôi có gì? Bây giờ, tôi là ai? Tôi tin rằng, dù bất cứ ai, đang hoạt động trên lĩnh vực nào, ở vai trò gì, từ những quản lý doanh nghiệp cho đến giảng viên trong các trường đại học, đều có sự tò mò và tình yêu đối với lĩnh vực này. Họ bị thúc bách bởi những câu hỏi được đặt ra thì mới tham gia vào lĩnh vực Di sản học, hay rộng hơn là nghiên cứu về văn hóa.

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh về sứ mệnh nghiên cứu và chi phí đào tạo là rất quan trọng. Khi tôi nhìn vào chương trình thạc sĩ Di sản học, tôi đã đọc lại luận văn của Nguyệt Linh. Và nhận ra rằng, trước khi bàn đến việc đào tạo ra những lao động như thế nào, thì đây là nơi mà thầy và trò thực hiện các nghiên cứu. Đây cũng là một trong số những ngôi trường hiếm hoi đang thực hiện nghiên cứu cho chuyên ngành Di sản học. Và tôi mong rằng công tác này tiếp tục thúc đẩy và tạo ra những nghiên cứu có giá trị cho xã hội.

Ý thứ hai về động cơ kinh tế. Không thể vì những giá trị nhân văn thuần túy mà bắt thiên hạ đầu tư chi phí cơ hội, tài chính để theo đuổi sứ mệnh này. Quay lại với công nghiệp văn hóa, thực chất khi chúng ta bàn về công nghiệp văn hóa, nghĩa là chúng ta đang bàn về rất nhiều lĩnh vực chưa tồn tại. Hay cụ thể hơn, là những cách kiếm tiền chưa tồn tại. Điều này buộc phải được thể hiện qua các quá trình sáng tạo, bắt đầu từ nghiên cứu phát triển cho đến việc đưa sản phẩm ra thị trường. Ví dụ đơn giản về một sản phẩm thương mại dễ hiểu nhất là sách. Với tư cách đơn vị xuất bản, cũng là nhà đầu tư, tôi đi tìm một người có khả năng tư duy ra đề tài, không phải tìm người biết viết. Tôi đi tìm người biết sẽ viết về cái gì, chứ không phải người có khả năng viết ra một cuốn sách với đề tài được giao. Đó là lĩnh vực mới chúng ta sẽ phải tìm tòi và câu chuyện quay trở về với năng lực nghiên cứu.

Cách đây hai năm, tôi thành lập một doanh nghiệp sản xuất lấy chất liệu văn hóa. Sau hai năm, đơn vị đã vượt qua mức tồn tại. Tôi từng nhờ các thầy cô trong trường tuyển dụng những em sinh viên tâm huyết để cộng tác và từ đó công ty bắt đầu hình thành văn hóa sử dụng các sinh viên của Trường Khoa học liên ngành và cụ thể là của ngành Di sản học. Dịp Tết năm nay, chúng tôi ra hai hộp quà sơn mài sử dụng họa tiết loan ổ và phượng ổ trên áo nhật bình của hoàng thái hậu triều Nguyễn.

Để khái quát, có thể nói thế này: nếu tôi tuyển sinh viên ngành marketing, tôi mong các bạn ấy có khả năng google phân biệt giữa con loan và con phượng. Nếu tôi tuyển cử nhân ngành Di sản học, tôi mong các bạn ấy có khả năng phân biệt giữa con loan và con phượng dù trên google không có. Nếu tuyển một thạc sĩ ngành Di sản học, tôi muốn rằng ngay cả khi chưa bao giờ có lý thuyết phân biệt con loan với con phượng, bạn ấy cũng có thể đề xuất một khung lý thuyết mới cho việc đó. Và khung lý thuyết này phải có cơ sở khoa học để các nhà nghiên cứu không thể bắt bẻ được. Ngay cả với những nghi vấn về việc sáng tạo từ truyền thống, thì cũng cần phải có năng lực để làm việc này.

Tôi cũng muốn kể thêm rằng năm ngoái chúng tôi có ra mắt dòng sản phẩm bia, sử dụng hình tượng la hầu là biểu tượng chủ đạo. Ai cũng biết la hầu là tâm huyết của TS. Trần Hậu Yên Thế. Ngày ngày tôi phải làm việc sát với ông Thế để hỏi con này là con gì? Nếu không có chuyên gia, tôi phải bỏ nguồn lực ra để vẽ, thuê thiết kế… Việc design sản phẩm thực ra rất đắt. Nó là câu chuyện của vật liệu, của thi công, với 6 đến 7 nhà thầu từ Trung Quốc đến Việt Nam. Dù bỏ rất nhiều công sức và tiền của, cuối cùng chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chỉ nói với tôi một câu rằng: “Con này của Thái Lan mất rồi”. Sau đó là rất nhiều đêm thức trắng.

Trong lĩnh vực văn hóa, đúng là có những lĩnh vực đào tạo ra để kiếm tiền ngay. Ví dụ, tốt nghiệp sân khấu điện ảnh ra có thể đóng phim, đóng quảng cáo ngay. Học nhạc viện âm nhạc quốc gia ra có thể hát và sáng tác được ngay. Bởi vì những lĩnh vực này đã tồn tại thị trường. Thế nhưng có những ngành sáng tạo chưa tồn tại thị trường, thậm chí là những thị trường chúng ta chưa mường tượng được.

Nhìn vào các nhà nghiên cứu nói chung hay những nhà nghiên cứu Di sản học nói riêng, chúng ta không biết họ có thể ngay lập tức kiếm tiền bằng khía cạnh hay lĩnh vực nào, ở trong thị trường nào. Nhưng với năng lực nghiên cứu và các phương pháp luận mà họ có, mới có thể mở ra các triển vọng. Hôm nay có thể chúng ta sẽ chỉ nghĩ về lĩnh vực báo chí thôi. Nhưng ngày mai, tôi có thể cộng tác với những chuyên gia Di sản học để viết một cuốn sách ăn khách về chủ đề tính dục hoặc bùa yêu ở các vùng dân tộc thiểu số... Sẽ có rất nhiều khả thể mà chúng ta chưa biết rằng nó tồn tại, hoặc chưa biết chúng ta có thể làm gì.

Trong ngôn ngữ ngoại giao, điều này được gọi là "unknow-unknow", nghĩa là cái mà chúng ta chưa biết là chúng ta chưa biết. Cho nên khi nhìn vào tấm bằng thạc sĩ Di sản học nói riêng hay những tấm bằng về nghiên cứu văn hóa nói chung, người ta rất khó có thể định lượng được là sẽ kiếm được bao nhiêu tiền? Giá trị kinh tế của di sản được kiến tạo như thế nào? Nhưng nó chắc chắn là hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển từ những nghiên cứu đó.

Chúng ta có thể chia sẻ rằng công tác nghiên cứu vẫn là một niềm đau đối với người Việt. Mấu chốt của vấn đề nằm ở nguồn lực nghiên cứu, hạ tầng nghiên cứu và thái độ nghiên cứu. Điều này lại quay trở về ý thứ nhất tôi đã nói. Tôi tin rằng sứ mệnh của chương trình đào tạo thạc sĩ Di sản học vẫn phải là đào tạo ra các nhà khoa học chứ không phải những doanh nhân. Dù chót lưỡi đầu môi đang là công nghiệp văn hóa. Nhưng công nghiệp thì cũng phải xuất phát từ các nhà khoa học.

Nếu nhà trường và các giảng viên có trót băn khoăn giữa hai sứ mệnh, nghiên cứu hay là ứng dụng. Hay nói cách khác, canh đền, tôi chỉ thắp đèn hay là bán cả oản? Nhiều đơn vị về giáo dục, đào tạo công lập cũng như tư thục đang ở trên ngưỡng cửa phân vân này. Và tôi tin trong lĩnh vực mới mẻ này, các ứng dụng chỉ có thể đến từ năng lực nghiên cứu. Nếu phải tìm thứ ăn được luôn, bán được luôn thì chưa có. Thậm chí, suy nghĩ này sẽ đẩy chúng ta vào những lời hứa vội vàng đối với xã hội.

Cuối cùng, tôi mong những giảng viên, những nhà nghiên cứu, sinh viên tiếp tục thúc đẩy và tự tin vào sứ mệnh của mình.

(Phát biểu của nhà báo Đinh Đức Hoàng tại Hội nghị tổng kết chương trình đào tạo ngành Di sản học tại Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN, đăng tải trên Tạp chí điện tử Ngày Nay).

CÁC TIN KHÁC