Tọa đàm: “Thi tuyển sinh đại học ngành mỹ thuật: sự thay đổi trong bối cảnh chung của tuyển sinh đại học” 

Cập nhật lúc 2023-05-17 18:40:03

Sáng ngày 12/05/2023, tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh thí sinh trên cả nước đang bước vào thời điểm gần kề Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia (THPTQG). Trong năm 2023, ĐHQGHN, Khoa Các khoa học liên ngành lần đầu tiên tuyển sinh khối ngành nghệ thuật, tọa đàm được diễn ra với mong muốn nhìn nhận thực trạng và tìm ra những giải pháp căn cơ trong vấn đề tuyển sinh ngành mỹ thuật

 

Đến dự tọa đàm, Khoa Các khoa học liên ngành (KHLN) vinh dự đón tiếp các quý vị khách quý là đại diện của các trường đại học đào tạo khối nghệ thuật trong khu vực như: Đại học Hòa Bình, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Anh Quốc Việt nam, Trường Đại học Nguyễn Trãi… Các nghệ sĩ, họa sĩ, giảng viên giảng dạy khối ngành nghệ thuật trên địa bàn. Cùng Ban chủ nhiệm Khoa, các giảng viên tổ bộ môn Công nghiệp văn hóa và sáng tạo, các chuyên viên phòng Đào tạo và công tác sinh viên, Phòng Truyền thông và Tuyển sinh của Khoa.            

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu phát biểu đề dẫn

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu cho biết: “Khoa là đơn vị tiên phong đào tạo khối ngành Mỹ thuật - mảnh ghép còn thiếu trong đào tạo bậc đại học của ĐHQGHN. Trong bối cảnh hiện nay kỳ tuyển sinh đại học 2023 đã bắt đầu; Đứng trước những yêu cầu về việc tuyển chọn được thí sinh có tư duy sáng tạo, có khả năng học hỏi và theo nghề vẫn luôn là điều căn cốt hiện tại. Bên cạnh đó là những tiến bộ trong công nghệ xu hướng mới đánh giá năng lực sáng tạo của cá nhân, áp dụng bài vẽ mỹ thuật số. Đòi hỏi thi tuyển sinh đại học ngành mỹ thuật cần nhận thức sự thay đổi và có những ứng biến kịp thời.” Đây cũng là lý do diễn ra buổi tọa đàm. 

Buổi tọa đàm diễn ra với 03 bài tham luận về chủ đề: “Thi tuyển sinh đại học ngành mỹ thuật: sự thay đổi trong bối cảnh chung của tuyển sinh đại học”, tiếp nối là phần giới thiệu về Bài thi Năng khiếu mỹ thuật của Khoa Các khoa học liên ngành. Cuối cùng, các chuyên gia, giảng viên cùng góp ý về bài thi năng khiếu của Khoa cũng như thảo luận về chủ đề chính của tọa đàm. 

Ths. Họa sĩ Lê Bảo Thân bày tỏ sự đồng tình với thực trạng và định hướng thi tuyển năng khiếu VNU-SIS

Ths. Họa sĩ Lê Bảo Thân - Trưởng khoa Mỹ thuật Công nghiệp - Kiến trúc, Đại học Hòa Bình phát biểu tham luận “Thực trạng và những đề xuất đổi mới thi tuyển sinh ngành mỹ thuật ứng dụng trong bối cảnh chung của tuyển sinh đại học.”. Thầy nhận thấy rằng: Thực trạng hiện nay các trung tâm luyện thi coi trọng kỹ năng nhưng chưa đề cập đến tính sáng tạo; Các nội dung kiểm tra năng lực, thi tuyển còn thiếu tính sáng tạo mà chỉ chú trọng đến kỹ năng; Nội dung đề thi lặp lại dẫn đến tình trạng ôn tủ, luyện kỹ năng tại các lò luyện. Trước những thực trạng đó, Thầy Lê Thân đề xuất khâu tuyển sinh cần đổi mới bao gồm đề thi, hình thức thi và rèn luyện nâng cao tính sáng tạo cho sinh viên. 

Tiếp nối tọa đàm là phần tham luận thứ về “Hành trình Phương Bắc” và “Hành trình tại Hà Lan” của Ths. Thành Vinh - hiện là giảng viên tại trường Đại học Anh Quốc (BUV). Ths. Thành Vinh chia sẻ câu chuyện dựa vào kinh nghiệm học tập tại Trung Quốc, Hà Lan và quá trình công tác tại các trường quốc tế tại Việt Nam, từ đó có cái nhìn khái quát và rộng mở hơn về hình thức, về đầu vào tuyển sinh ngành Mỹ thuật trên thế giới nói chung. Ths. Thành Vinh cho rằng tuyển sinh ngành Mỹ thuật cần có sự linh hoạt cho thi sinh. Đặc biệt, anh có đề cập đến yếu tố Hồ sơ tác phẩm (Portfolio) là một trong những tiêu chí quan trọng trong quá trình đánh giá, tìm kiếm những thí sinh có tư duy sáng tạo tốt. 

Bài toán tư duy sáng tạo, tìm kiếm được những thí sinh chất lượng theo nghề luôn là thách thức lớn. Ts. Hs. Trần Hậu Yên Thế - Giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành phát biểu tham luận thứ 3 cho biết: “Hiện nay tại Việt Nam đang tập trung vào các bài thi kiểm tra IQ, EQ, còn các bài thi về chỉ số sáng tạo vẫn chưa được chú trọng, trong khi đó tuyển sinh khối ngành nghệ thuật lại cần những thí sinh có chỉ số sáng tạo này.” 

Trên thực tế đối với khối ngành nghệ thuật đặc biệt là Mỹ thuật, yếu tố sáng tạo hay tư duy sáng tạo luôn được đề cao, đây được coi như một năng lực lõi của các bạn sinh viên khối ngành này. Đây chính là yếu tố giúp các bạn sinh viên có thể theo nghề và phát triển trong khối ngành nghệ thuật. Trong bối cảnh tuổi nghề khối thiết kế rất ngắn chỉ từ 5 - 10 năm, thì tư duy sáng tạo chính là thứ giúp người trẻ phát triển với nghề thiết kế lâu dài. 

 

Ths. NTK Lê Hà giới thiệu về bài thi năng khiếu mỹ thuật của VNU-SIS

Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, Ths. NTK Lê Hà đã trình bày về bài thi năng khiếu mỹ thuật của Khoa. Bài thi được thiết kế dành cho tuyển sinh ngày Thiết kế sáng tạo với 150 chỉ tiêu cho năm 2023 chia đều ra 03 chuyên ngành: Thời trang và sáng tạo; Đồ họa công nghệ số; Thiết kế nội thất bền vững. Bài thi được chia làm 2 phần: Phỏng vấn và bài thi vẽ (bao gồm: vẽ hình họa và vẽ bố cục màu). Bài thi mang tính mở, khơi gợi sự sáng tạo của thí sinh mà không gò bó theo bất kỳ phong cách nào, thí sinh được tự do sáng tạo và sử dụng các kỹ năng vẽ của mình.

 

 

Trong tọa đàm, hầu hết các chuyên gia uy tín cũng đưa ra đề xuất sử kỳ thi tuyển sinh khối ngành Mỹ thuật nên sử dụng Portfolio kết hợp phỏng vấn. Hình thức này sẽ tăng khả năng tuyển chọn được những thí sinh có thực lực, tư duy sáng tạo. Tuy nhiên, xét theo thực tiễn các cơ sở đào tạo sẽ có những thay đổi, thích ứng kịp thời trong bối cảnh mới. 

 

PGS.TS. Đặng Mai Anh - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp

Ths. Họa sĩ, Giám tuyển độc lập Nguyễn Thế Sơn - thành viên bộ môn Công nghiệp văn hóa và sáng tạo phát biểu tại tọa đàm

 

CÁC TIN KHÁC