Cập nhật lúc 2024-01-28 17:00:00
Ngày 26/01/2024, thực hiện quy trình xây dựng Đề án mở chương trình đào tạo tại ĐHQGHN, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi thẩm định Chương trình đào tạo Thạc sĩ Công nghiệp văn hóa sáng tạo (CNVHST). Đây là chương trình đào tạo bậc thạc sĩ thứ 5 của Khoa Các khoa học liên ngành (KHLN), tạo đà phát triển cho lĩnh vực đào tạo về công nghiệp văn hóa sáng tạo và nghệ thuật tại Khoa.
Hội đồng thẩm định chương trình bao gồm 9 thành viên: GS.TSKH Vũ Minh Giang (ĐHQGHN), PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam), PGS.TS Phạm Bích Huyền (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), PGS.TS Trần Thị Minh Hòa (Trường Đại học Phenikaa), TS. Đỗ Cẩm Thơ (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VHTT và DL), TS. Phạm Thị Lan Anh (Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội), TS. Lê Xuân Tình (Ban Kế hoạch Tài chính - ĐHQGHN), TS. Trần Thị Hoài (Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục - ĐHQGHN), ThS. Võ Thị Minh Trang (Ban Đào tạo - ĐHQGHN).
Về phía đơn vị đào tạo, có PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm Khoa Các KHLN, PGS.TS Nguyễn Việt Khôi, Phó Chủ nhiệm Khoa, nhóm xây dựng chương trình Thạc sĩ công nghiệp văn hóa sáng tạo, các chuyên viên phòng Đào tạo & Công tác sinh viên của Khoa và các cán bộ, giảng viên có liên quan.
PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương, đại diện tổ xây dựng chương trình báo cáo sơ bộ mục tiêu, ý nghĩa, giá trị và định hướng đào tạo của chương trình Thạc sĩ CNVHST trước Hội đồng. Theo đó, triết lý của chương trình đào tạo là: Chương trình đào tạo TOÀN DIỆN, có TÍNH LIÊN NGÀNH - TÍNH ỨNG DỤNG cao. Kiến thức và kĩ năng liên ngành và tổng thể về các trụ cột chính của công nghiệp văn hóa và sáng tạo, đó là: 1) sự sáng tạo; 2) chính sách và luật pháp liên quan đến CNVH và ST; 3) văn hóa, di sản, bản sắc dân tộc; 4) truyền thông, marketing; 5) công nghệ; 6) đạo đức trong nghề nghiệp liên quan đến công nghiệp văn hóa.
Bên cạnh việc được cung cấp những nền tảng kiến thức về lý thuyết, chính sách và luật pháp về CNVH&ST thì cũng được bổ sung thêm rất nhiều kĩ năng nâng cao để có thể áp dụng khởi nghiệp và điều hành các hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Chương trình có ưu thế được tổ chức đào tạo tại đơn vị có tầm nhìn, sứ mệnh, quan điểm phát triển và kinh nghiệm đào tạo liên ngành, sẽ có ưu thế trong việc đảm nhiệm vai trò đào tạo các ngành công nghiệp sáng tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hội đồng thẩm định đã lần lượt nêu nhận xét, đánh giá và góp ý nhằm hoàn thiện cho đề án. Trong các ý kiến góp ý của mình, các nhà khoa học đã nhấn mạnh tới tính cấu trúc, tính lô-gic của chương trình đào tạo, góp ý cho các mô đun, đề xuất bổ sung hoặc điều chỉnh nội dung và một số môn học trong chương trình đào tạo cho phù hợp và tên gọi của các môn học được Việt hoá tốt hơn. Hội đồng góp ý làm rõ các căn cứ của chương trình đào tạo và một số điểm trong phần chuẩn đầu ra của chương trình. Đây là những nhận xét quý báu, được các chuyên gia bằng kinh nghiệm chuyên môn từ lĩnh vực của mình dành cho Khoa Các KHLN.
Sau hơn 3 giờ làm việc khẩn trương, nghiêm túc với hàm lượng khoa học cao, Hội đồng thẩm định đánh giá cao sự cấp thiết của việc mở CTĐT Thạc sĩ CNVHST và sự chuẩn bị công phu của Khoa Các khoa học liên ngành đối với việc xây dựng chương trình và thu hút đội ngũ giảng viên chất lượng cao trong lĩnh vực Công nghiệp văn hoá sáng tạo. Các thành viên Hội đồng thẩm định đã nhất trí thông qua chương trình và đề nghị chỉnh sửa hoàn thiện theo sự góp ý của Hội đồng. Các chuyên gia cũng gửi lời chúc mừng tới ban lãnh đạo Khoa Các KHLN và gửi gắm hy vọng chương trình sớm ra mắt, tuyển sinh trong năm nay.
Đại diện tập thể Khoa, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu tiếp thu những nhận xét, đánh giá, góp ý của Hội đồng đối với đề án đào tạo Thạc sĩ CNVHST. PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu dành những lời cảm ơn chân thành nhất tới Hội đồng. Đồng thời thay mặt Khoa khẳng định việc sẽ sớm hoàn thiện và cho ra mắt chương trình đào tạo Thạc sĩ CNVHST trong năm 2024.
CÁC TIN KHÁC