Cập nhật lúc 2022-06-16 07:55:16
Sáng 16.6.2022, thực hiện quy trình xây dựng Đề án mở chương trình đào tạo tại ĐHQGHN, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi thẩm định Chương trình đào tạo Tiến sĩ Di sản học. Đây là chương trình đào tạo bậc tiến sĩ thứ 2 của Khoa Các khoa học liên ngành (KHLN) và hoàn thiện hệ thống đào tạo đủ ba cấp cử nhân – thạc sĩ – tiến sĩ ngành Di sản học tại Khoa.
Hội đồng thẩm định chương trình bao gồm 8 thành viên: PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc ĐHQGHN – Chủ tịch hội đồng; GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức, Ban Đào tạo ĐHQGHN – Phó Chủ tịch hội đồng; GS.TS. Nguyễn Văn Kim, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia – Phản biện 1; PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch – Phản biện 2; GS.TS. Tạ Hòa Phương, Trường Đại học KHTN. ĐHQGHN - Ủy viên; GS.TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - Ủy viên; PGS.TS. Trần Thị Minh Hòa, Trường ĐH Phenikaa - Ủy viên; GS.TS. Đỗ Quang Hưng, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN - Ủy viên; ThS. Võ Thị Minh Trang, Ban Đào tạo ĐHQGHN – Thư ký Hội đồng.
Về phía đơn vị đào tạo, có PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu Chủ nhiệm Khoa Các KHLN, nhóm xây dựng chương trình Tiến sĩ Di sản học và các chuyên viên phòng đào tạo của Khoa.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hiền, đại diện tổ xây dựng chương trình báo cáo sơ bộ mục tiêu, ý nghĩa, giá trị và định hướng đào tạo của chương trình Tiến sĩ Di sản học trước Hội đồng. Tiến sĩ Di sản học của Khoa Các KHLN là một chương trình đào tạo các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu những kiến thức cần thiết để nhận diện, đánh giá, bảo vệ, phát huy, quản lý, ứng dụng và quảng bá các nguồn tài nguyên di sản.
Chương trình sử dụng cách tiếp cận liên ngành để khám phá các mối quan hệ qua lại của lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, địa lý, môi trường và thiên nhiên, kinh tế xã hội ở các khu vực di sản ở Việt Nam. Theo đó, triết lý của chương trình đào tạo là: Quản lý, bảo vệ, phát huy, các giá trị di sản và kiến tạo di sản cho hiện tại và tương lai bằng tiếp cận liên ngành để phát triển bền vững, với sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng.
Hội đồng thẩm định đã lần lượt nêu nhận xét, đánh giá và góp ý nhằm hoàn thiện cho đề án. Trong các ý kiến góp ý của mình, các nhà khoa học đã nhấn mạnh tới tính cấu trúc, tính lô-gic của chương trình đào tạo, góp ý cho các mô đun, đề xuất bổ sung hoặc điều chỉnh nội dung và một số môn học trong chương trình đào tạo cho phù hợp và tên gọi của các môn học được Việt hoá tốt hơn. Hội đồng góp ý làm rõ các căn cứ của chương trình đào tạo và một số điểm trong phần Chuẩn đầu ra của chương trình. Đây là những nhận xét quý báu, được các chuyên gia bằng kinh nghiệm chuyên môn từ lĩnh vực của mình dành cho Khoa Các KHLN.
Sau hơn 3 giờ làm việc khẩn trương, nghiêm túc với hàm lượng khoa học cao, Hội đồng ghi nhận, ủng hộ và đánh giá cao chương trình đào tạo Tiến sĩ di sản học của Khoa Các KHLN. Hội đồng hoàn toàn đồng thuận thông qua chương trình với xếp loại tốt. Các chuyên gia cũng gửi lời chúc mừng tới ban lãnh đạo Khoa Các KHLN và gửi gắm hy vọng chương trình sớm ra mắt, tuyển sinh trong năm nay.
Đại diện tập thể Khoa, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu tiếp thu những nhận xét, đánh giá, góp ý của Hội đồng đối với đề án đào tạo Tiến sĩ Di sản học. PGS dành những lời cảm ơn chân thành nhất tới Hội đồng. Đồng thời thay mặt Khoa khẳng định việc sẽ sớm hoàn thiện và cho ra mắt chương trình đào tạo Tiến sĩ Di sản học trong năm 2022.