TCBC: Lễ ra mắt chương trình đào tạo thạc sỹ Quản lí phát triển đô thị

Cập nhật lúc 2022-02-09 07:58:41

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 2018

LỄ RA MẮT CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO THẠC SĨ QUẢN LÍ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ

Ngày 14/06/2018, Lễ ra mắt chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lí phát triển đô thị sẽ được Khoa Các khoa học liên ngành tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội với sự ghi nhận tham dự của gần 100 đại biểu là học giả, chuyên gia, nhà quản lí, nhà báo và các cá nhân quan tâm.

Buổi lễ ra mắt này nhằm giới thiệu Chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lí phát triển đô thị tới đông đảo những người quan tâm và thông báo tuyển sinh khóa đầu tiên tại Đại học Quốc gia Hà Nội để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về quản lí phát triển đô thị. Buổi lễ sẽ tập trung vào các nội dung sau:

  • Quá trình xây dựng chương trình và công tác chuẩn bị tổ chức đào tạo của Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN.
  • Lễ công bố Quyết định ban hành chương trình đào tạo và Quyết định giao nhiệm vụ đào tạo của Giám đốc ĐHQGHN cho Khoa Các khoa học liên ngành.
  • Lễ kí kết các Thỏa thuận hợp tác tổ chức đào tạo.

Trong Bài phát biểu chào mừng buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành sẽ tóm lược quá trình xây dựng chương trình và công tác chuẩn bị tổ chức đào tạo của Khoa với một số điểm trọng tâm sau:

– Việt Nam có tốc độ đô thị hoá nhanh, với hơn 800 đô thị lớn nhỏ trên toàn quốc trong 10 năm trở lại đây. Những thách thức về sử dụng tài nguyên, dân số, môi trường, kinh tế, an sinh xã hội, văn hoá… đòi hỏi việc quản lí đô thị phải được tiếp cận một cách toàn diện và hệ thống. Tuy nhiên, quá trình quản lí đô thị mới chỉ được nhìn nhận ở từng góc độ riêng lẻ của từng lĩnh vực như quy hoạch, quản lí hạ tầng… mà chưa nhìn nhận đô thị như một thực thể thống nhất về không gian, luôn vận động và phát triển. Điều này dẫn đến yêu cầu cấp bách về một nguồn nhân lực có chất lượng cao, có tư duy hệ thống, được trang bị các phương pháp, công cụ mới trong việc quản lí đô thị.

– Với thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực và khả năng huy động sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, ĐHQGHN thông qua Khoa Các khoa học liên ngành làm đầu mối xây dựng Chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lí phát triển đô thị từ năm 2016. Cùng với sự tham gia của nhiều nhà khoa học đến từ các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, sau 03 hội thảo chuyên môn, 7 buổi tham vấn chuyên gia và họp thẩm định các cấp, đến tháng 03/2018, chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lí phát triển đô thị đã chính thức được ĐHQGHN ban hành.

– Chương trình đào tạo được xây dựng theo cấu trúc các mô đun học phần, bao phủ các khía cạnh của đô thị từ chính sách, xã hội, kinh tế, môi trường đô thị đến kiến trúc quy hoạch. Chương trình hướng đến đối tượng người học đa dạng từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực nhằm cung cấp cho người học khả năng nhận diện các vấn đề liên ngành liên quan đến đô thị, cũng như khả năng đề xuất giải pháp, vận dụng các công cụ hỗ trợ và năng lực tổ chức, tham gia giải quyết các vấn đề thực tiễn về đô thị.

– Tham gia xây dựng và giảng dạy cho chương trình là các chuyên gia hàng đầu và có nhiều năm kinh nghiệm từ các trường đại học thành viên trong Đại học Quốc gia Hà Nội, các trường Đại học Xây Dựng, Đại học Kiến Trúc, Đại học Bách Khoa Hà Nội, các viện nghiên cứu, các sở ban ngành liên quan đến đô thị… Chương trình được xây dựng theo định hướng ứng dụng, có sự tham gia của các tổ chức, đô thị, địa phương vào quá trình đào tạo, tạo điều kiện cho người học tiếp cận và giải quyết các bài toán thực tiễn về đô thị dưới sự dẫn dắt, tư vấn của các giảng viên, chuyên gia đầu ngành.

– Chương trình đang trong quá trình tuyển sinh và sẽ tổ chức đào tạo thí điểm khóa đầu tiên vào tháng 9/2018 với chỉ tiêu 40 học viên/ khóa. Trong các năm tiếp theo, Khoa Các khoa học liên ngành sẽ mở rộng quy mô đào tạo, hướng tới các đô thị đang phát triển. Sau hai năm đào tạo, chương trình sẽ được tổng kết, làm cơ sở đề xuất xem xét đưa vào danh mục đào tạo chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bài phát biểu của PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư nhấn mạnh vào tính ưu việt của Chương trình đào tạo.

– Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ đô thị hoá khá nhanh trong khu vực Đông Nam Á. Chỉ chưa đầy một thập kỷ nữa, 40% dân số cả nước sẽ sống trong đô thị. Việt Nam bắt buộc phải phát triển một hệ thống các thành phố và đô thị có khả năng chống chịu và phục hồi các không gian kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển đô thị.

– Chương trình được tổ chức theo cấu trúc modun, bao gồm các học phần liên quan đến dân cư – xã hội đô thị, kinh tế đô thị, môi trường đô thị, luật, chính sách, quy hoạch, xây dựng nhằm cung cấp kiến thức đa ngành cho người học và đa dạng hóa các hình thức đào tạo (đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng) hướng tới nhiều đối tượng người học.

– Các học phần bắt buộc của chương trình cung cấp các kiến thức nền tảng và nâng cao mang tính cập nhật, bao phủ các kiến thức liên ngành về quản lí phát triển đô thị. Các học phần tự chọn giúp người học phát triển năng lực chuyên môn theo thế mạnh của mình. Bên cạnh đó, chương trình chú trọng đến trang bị cho người học công cụ tích hợp trong quản lí phát triển đô thị, giúp đổi mới cách thức quản lí đô thị làm tăng tính hiệu quả trong quản lí đô thị hiện nay. Đáng chú ý là tính ứng dụng của Chương trình đào tạo. Đi kèm với việc học kiến thức chuyên môn, người học còn có cơ hội thực hiện các đồ án dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia và tham gia các hội thảo định hướng cơ hội việc làm.

– Về mặt tổ chức đào tạo, chương trình tuyển sinh 2 đợt trong 1 năm với đối tượng đa dạng. Toàn bộ thời lượng chương trình đào tạo gói gọn trong 69 tín chỉ với hình thức học tập cuốn chiếu thuận tiện cho học viên và giảng viên.

Ý kiến của các chuyên gia có mặt tập trung vào một số ý:

– Đô thị hoá trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng là tiến trình tất yếu bao hàm nhiều vấn đề phát triển phức tạp từ nội tại. Trước sự phát triển của đô thị, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó quản lí đô thị không đơn thuần là quản lí từng lĩnh vực riêng lẻ mà cần quản lí sự phát triển của đô thị một cách tổng thể.

– Song song với việc đưa ra khái niệm “quản lí sự phát triển của đô thị”, các chuyên gia đưa ra nhận định Việt Nam thiếu hụt một đội ngũ nhân lực chất lượng cao làm công tác quản lí phát triển đô thị theo hướng liên ngành, có khả năng nhận diện vấn đề và vận dụng tri thức liên ngành vào việc đưa ra các giải pháp và tổ chức giải quyết vấn đề một cách tổng thể.

– Chương trình đào tạo sẽ là chương trình đầu tiên ở Việt Nam đào tạo các cán bộ quản lí đô thị theo tư duy và cách tiếp cận liên ngành. Chương trình mang nhiều ý nghĩa thực tiễn, có tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội. Chúng tôi kỳ vọng đến năm 2020, Việt Nam sẽ có đội ngũ nhân lực liên ngành đầu tiên về quản lí phát triển đô thị.

 

MỌI THÔNG TIN THÊM VUI LÒNG LIÊN HỆ

Mr. Bùi Văn Lực

Phòng Khoa học công nghệ & Hợp tác phát triển – Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN

Email: Vanlucbc93@gmail.com

Số điện thoại: 01636761792

Địa chỉ: Phòng 504, nhà G7, Đại học Quốc gia Hà Nội, 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội.

CÁC TIN KHÁC