TCBC: Hội thảo khoa học về Quản lý sự phát triển đô thị tại Đại học Quốc gia Hà Nội thu hút sự chú ý của giới chuyên môn và cộng đồng

Cập nhật lúc 2022-02-09 07:58:41

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2017

HỘI THẢO KHOA HỌC VỀ QUẢN LÝ SỰ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TẠI ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI THU HÚT SỰ CHÚ Ý CỦA GIỚI CHUYÊN MÔN VÀ CỘNG ĐỒNG

22/12/2017, Hội thảo “Thực trạng quản lý đô thị & Nhu cầu nguồn nhân lực liên ngành trong quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam” sẽ được tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Hội thảo do Khoa Các khoa học liên ngành tổ chức dưới sự tài trợ của Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu châu Á. Diễn ra với hai phiên sáng chiều, hội thảo dự kiến ghi nhận sự tham gia của gần 200 đại biểu là học giả, chuyên gia, nhà quản lý, nhà báo, doanh nghiệp và cá nhân quan tâm.

Là phiên báo cáo sau quá trình 15 tháng nghiên cứu xây dựng giải pháp đào tạo nhân sự chất lượng cao về quản lý phát triển đô thị tại Đại học Quốc gia Hà Nội, nội dung hội thảo sẽ tập trung vào hai phần:

  • Báo cáo kết quả nghiên cứu về thực trạng quản lý đô thị, thực trạng nhu cầu nguồn nhân lực liên ngành trong quản lý phát triển đô thị tại Việt Nam;
  • Thông tin về các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho quản lý phát triển đô thị, bao gồm khoá đào tạo thạc sĩ trong 2 năm và các khoá đào tạo ngắn hạn.

PHIÊN BUỔI SÁNG

Tại phiên buổi sáng, các học giả và nhà nghiên cứu thông qua 6 báo cáo:

  • Báo cáo 1: Sử dụng đất đai phát triển đô thị và một số vấn đề cần trao đổi (TS. Trương Văn Quảng – Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam)
  • Báo cáo 2: Phát triển công trình xanh tại các đô thị – thực trạng và giải pháp phát triển (TS. Phạm Minh Dương – Viện Phát triển Đô thị Xanh)
  • Báo cáo 3: Tầm nhìn từ góc độ công tác quy hoạch – liên kết và điều phối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để Tp. Hồ Chí Minh phát triển đô thị nhanh, toàn diện, vững chắc – hướng tới mục tiêu thành phố sống tốt. (GS.TS. Nguyễn Trọng Hoà – Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh)
  • Báo cáo 4: Đào tạo nguồn nhân lực quản lý phát triển đô thị: Thực trạng và nhu cầu (GS.TS. Nguyễn Tố Lăng – Trường Đại học Kiến trúc)
  • Báo cáo 5: Chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lý phát triển đô thị: Một hướng tiếp cận mới cung cấp nguồn nhân lực liên ngành cho xã hội trong bối cảnh sau hiện đại. (PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục – Viện Nghiên cứu Định cư)
  • Báo cáo 6: Các xu thế phát triển mới tại đô thị Việt Nam, tác động của chúng lên thị trường nhà ở – bất động sản và các thách thức trong việc đào tạo nhân lực quản lý thích hợp (TS Hoàng Hữu Phê – Chủ tịch HĐQT Vinaconex R&D)

 

Sau 6 phần báo cáo, toạ đàm bàn tròn “Quản lý phát triển đô thị Việt Nam – góc nhìn toàn cảnh” với sự tham gia của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, đại diện cơ quan quản lý nhà nước đã cùng trả lời các câu hỏi để làm rõ hơn về thực trạng công tác quản lý đô thị tại các địa phương và thảo luận đưa ra các giải pháp khắc phục ngắn hạn và dài hạn. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được đặc biệt chú ý.

Chủ trì hội thảo là TS. Nguyễn Thị  Hồng Minh, Chủ nhiệm Khoa các khoa học liên ngành. Trong các phần trao đổi của mình, cô Minh nhấn mạnh và làm rõ khái niệm đào tạo định hướng liên ngành – khái niệm còn mới mẻ với thị trường giáo dục trong nước.

Ý kiến của các chuyên gia có mặt tập trung vào một số ý:

  • Đô thị hoá ở thế giới và Việt Nam là tiến trình tất yếu bao hàm nhiều vấn đề phát triển phức tạp từ nội tại. Trước sự phát triển của đô thị, cần nhiều giải pháp quản lý đồng bộ, trong đó quản lý đô thị không đơn thuần là quản lý từng lĩnh vực riêng lẻ mà cần quản lý sự phát triển của đô thị.
  • Song song với việc đưa ra khái niệm “quản lý sự phát triển của đô thị”, các chuyên gia đưa ra nhận định Việt Nam thiếu hụt một đội ngũ nhân lực chất lượng cao làm công tác quản lý phát triển đô thị. Chi tiết về các giải pháp đào tạo được trình bày tại phiên buổi chiều.

 

Phát biểu của PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng viện nghiên cứu định cư: “Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ đô thị hoá khá nhanh trong khu vực Đông Nam Á. Chỉ chưa đầy một thập kỷ nữa, 40% dân số cả nước sẽ sống trong đô thị. Việt Nam bắt buộc phải phát triển một hệ thống các thành phố và đô thị có khả năng cạnh tranh và linh hoạt trong chống chịu và phục hồi các không gian kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển đô thị”

 

PHIÊN BUỔI CHIỀU:

Chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lý phát triển đô thị tại ĐHQGHN được tổ chức thực hiện bởi Khoa Các khoa học liên ngành. Chương trình có định hướng ứng dụng, nhằm mục tiêu đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực liên quan đến vấn đề quản lí phát triển đô thị; cung cấp cho người học một chương trình đào tạo cập nhật, làm cơ sở cho quá trình quản lí sự phát triển đô thị trong bối cảnh hiện đại của Việt Nam cũng như trang bị cho người học những kĩ năng cần thiết  trong quản lí phát triển đô thị ở các lĩnh vực khác nhau (môi trường, xã hội, dân cư, chính sách, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, tự nhiên, công nghệ).

Nội dung đào tạo chia về 7 modules kiến thức: Đô thị và bối cảnh phát triển, dân cư và xã hội đô thị, kinh tế và tài chính cho phát triển đô thị, môi trường đô thị bền vững, quy hoạch chiến lược phát triển đô thị, công cụ tích hợp trong quản lý phát triển đô thị và đồ án liên ngành quản lý phát triển đô thị. Việc quản lý nội dung đào tạo theo modules giúp học viên dễ dàng hệ thống quá các tri thức thu hái được sau quá trình học tập.

 

Về mặt tổ chức đào tạo, chương trình tuyển sinh 2 đợt trong 1 năm với đối tượng đa dạng và không có bước học thi chuyển đổi. Toàn bộ thời lượng chương trình đào tạo gói gọn trong 69 tín chỉ với hình thức học tập cuốn chiếu thuận tiện cho học viên và giảng viên.

 

Quá trình nghiên cứu xây dựng các giải pháp đào tạo được Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN trình bày bằng một video. Video làm rõ tiến trình nghiên cứu, điểm lại các hoạt động trọng tâm như các cuộc tập hợp đội ngũ các chuyên gia và nhà khoa học quan tâm tới lĩnh vực quản lý phát triển đô thị; tổ chức hội thảo định hướng chương trình đào tạo; nhận được công văn cho phép triển khai xây dựng chương trình đào tạo từ ĐHQGHN; thành lập tổ công tác xây dựng chương trình; những quyết định quan trọng trong các lần hội tổ công tác… cho tới khi trình phác thảo chương trình đào tạo; dự thảo đề án mở chương trình đào tạo; điều tra xã hội học để tìm ra nhu cầu xã hội và đánh giá tính thực tiễn của chương trình đào tạo cùng các bước cụ thể đi đến lập hồ sơ trình ĐHQGHN ban hành chương trình đào tạo.

 

Khoa Các khoa học liên ngành là khoa trực thuộc ĐHQGHN, thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu các khoa học liên ngành, liên lĩnh vực để tận dụng nguồn  lực từ các đơn vị thành viên trong toàn ĐHQGHN. Tiền thân là khoa Sau đại học với lịch sử 15 năm xây dựng và trưởng thành, hiện khoa đang được biết đến là đơn vị đào tạo uy tín các chuyên ngành mới có tính ứng dụng cao như Biến đổi khí hậu, Khoa học bền vững.

 

Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu châu Á, ĐHQGHN (ARC) là đơn vị thực hiện tài trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học của các học giả Việt Nam bằng ngân sách tài trợ của Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc để thúc đẩy phát triển nghiên cứu khoa học, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, vì sự phồn vinh chung của Châu Á. Các hoạt động của trung tâm bao gồm: Hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ của các nhà khoa học ở trong và ngoài ĐHQGHN; hỗ trợ tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, khoa học và giáo dục giữa ĐHQGHN với các đối tác quốc tế cùng một số nhiệm vụ khác do ĐHQGHN giao phó.

 

MỌI THÔNG TIN THÊM VUI LÒNG LIÊN HỆ

Mrs. Nguyễn Thị Lan Hương

Phòng Khoa học công nghệ & Hợp tác phát triển – Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN

Email: lanhuong.sis@vnu.edu.vn

Số điện thoại: 0943 277 901

Địa chỉ: Tầng 5, nhà G7, Đại học Quốc gia Hà Nội, 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội.

CÁC TIN KHÁC