SEMINAR – HUYỀN THOẠI, TRUYỀN THUYẾT VÀ KIẾN TẠO DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM

Cập nhật lúc 2022-02-09 07:58:43

Sáng ngày 05/11/2021, Tổ liên ngành khoa học xã hội & nhân văn của Khoa Các khoa học liên ngành (CKHLN) trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức seminar chủ đề “Huyền thoại, truyền thuyết và kiến tạo di sản văn hóa Việt Nam” do PGS.TS. Trần Thị An trình bày cùng sự điều phối của PGS.TS. Nguyễn Thị Hiền.

Nhằm liên tục khuyến khích nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học tại Khoa CKHLN, tạo điều kiện cho các nhà khoa học, nghiên cứu, học viên, sinh viên có điều kiện tiếp cận với các thông tin khoa học, tri thức cập nhật nhất, các buổi sinh hoạt khoa học tại Khoa luôn được chú trọng tổ chức và phổ biến tới toàn thể thành viên Khoa.  

Chủ đề của buổi sinh hoạt khoa học đề cập tới: Huyền thoại, truyền thuyết với việc kiến tạo di sản văn hoá Việt Nam. Nội dung chính được tập trung vào các vấn đề: 1) Đặc trưng thể loại (huyền thoại, truyền thuyết); 2) Huyền thoại, truyền thuyết với tư cách là nội dung của thực hành di sản; 3) Huyền thoại truyền thuyết với tư cách là diễn ngôn di sản; 4) Bên ngoài ranh giới huyền thoại và truyền thuyết – những tiếp cận liên ngành trong giải mã di sản.

PGS.TS Trần Thị An đã đề cập tới sự khởi nguồn và quá trình tiếp biến của nội dung các câu chuyện huyền thoại, truyền thuyết. Từ đó dẫn nhập tới các nội dung ứng dụng của thực hành di sản đối với từng trường hợp cụ thể như Đền Bạch Mã, Sông Tô Lịch, Núi Nùng, Đền Mã Viện Phục Ba, Đền Bích Châu (đền bà Hải, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Tháp Bà Ponagar (TP Nha Trang, Khánh Hòa).

Buổi sinh hoạt đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ khán giả quan tâm theo dõi xoay quanh các vấn đề ứng dụng huyền thoại, truyền thuyết vào giải mã văn hóa và các giá trị của di sản; dẫn nhập các mối liên hệ giữa lịch sử, văn hóa và di sản; vấn đề lõi lịch sử có được xác định trong quá trình nghiên cứu truyền thuyết, huyền thoại…. Các câu hỏi đã được PGS.TS. Trần Thị An trả lời, giải thích một cách thoả đáng.

Buổi seminar trực tuyến diễn ra thu hút trên 50 người tham dự. Với quy mô một chương trình mang tính nội bộ, đây là con số đáng khích lệ với tập thể Tổ liên ngành khoa học xã hội & nhân văn của Khoa CKHLN.  Sự quan tâm của các chuyên gia và chủ đề tọa đàm hấp dẫn là động lực thúc đẩy Khoa CKHLN tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động mang tính chất chuyên môn hơn nữa. Thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng như học sinh, sinh viên trong và ngoài hệ thống ĐHQGHN.

CÁC TIN KHÁC