Cập nhật lúc 2025-07-21 00:00:00

Sáng 20/7/2025, tại Lễ trao bằng tốt nghiệp cho các học viên và sinh viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật - Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-SIS), hai bài phát biểu đại diện đến từ học viên cao học và sinh viên cử nhân đã để lại dấu ấn đặc biệt. Trong không gian trang trọng mà ấm áp, những lời chia sẻ chân thành, sâu lắng đã kể lại hành trình không chỉ của tri thức, mà còn là hành trình của sự trưởng thành, tự hiểu và dũng cảm là chính mình, đúng với tinh thần liên ngành mà Nhà trường luôn theo đuổi.
Bốn năm học tập dưới mái trường liên ngành đã cho Doãn Phùng Hải Ly (tân cử nhân ngành Quản trị thương hiệu và cũng là một trong những thế hệ cử nhân đầu tiên của Việt Nam ở lĩnh vực này) một nền tảng vững chắc: tư duy phản biện, kỹ năng liên ngành, và hơn hết là sự thấu hiểu bản thân để biết mình đang ở đâu, nên làm gì, và có thể đóng góp gì cho cộng đồng. Hành trình ấy không kết thúc khi nhận tấm bằng tốt nghiệp. Ngược lại, đó là sự khởi đầu cho một mục tiêu lớn hơn: trở thành người tử tế, sống trung thực và có giá trị trong cộng đồng, như lời cam kết đầy xúc động mà cô sinh viên trẻ dành tặng cho thầy cô, gia đình và chính mình ngay trước khi rời giảng đường. Đại diện cho 181 sinh viên khóa đầu tiên của VNU-SIS phát biểu tại buổi lễ, Hải Ly không chỉ kể về những năm tháng học tập, làm việc nhóm, những dự án thử thách, Ly còn chia sẻ hành trình khám phá nội tâm một cách chân thực, từ câu hỏi “Mình là ai?” cho đến hành trình 5A - một mô hình tưởng chừng chỉ dành cho thương hiệu nhưng lại hóa thành kim chỉ nam sống cho mỗi người trẻ: Tỉnh thức - Yêu bản thân - Đặt câu hỏi - Hành động - Truyền cảm hứng.
Tân Cử nhân Doãn Phùng Hải Ly cùng phụ huynh đến tham dự Buổi Lễ bế giảng và trao bằng
Khác biệt về độ tuổi và xuất phát điểm, tân Thạc sĩ Di sản học Hoàng Thị Thu Trang, mang đến một bài phát biểu đầy cảm xúc và trải nghiệm. Là một nhà báo đã có hơn 20 năm công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam, chị đến với Di sản học một cách “tình cờ mà có duyên”, từ lời gợi ý của một người bạn và sau đó là hành trình chinh phục việc học một cách nghiêm túc, cầu thị và đầy thử thách. Chị xúc động kể lại những khó khăn khi vừa học vừa làm, cả những lúc tưởng như muốn từ bỏ, nhưng nhờ sự đồng hành, tận tâm và linh hoạt của đội ngũ giảng viên, đặc biệt là trong những thời điểm cuối cùng viết luận văn chị đã hoàn thành hành trình học tập đầy cam go. Nhiều bạn học viên trong lớp, như chị nói, "là những nhà đầu tư rất có lãi" - ngoài tấm bằng, họ còn mang về cả kiến thức, những trải nghiệm quý giá, tình bạn, và cả sự thấu hiểu bản thân. Đối với chị Trang, quay lại học không chỉ là bước chuyển trong nghề nghiệp, mà còn là cách làm giàu cho chính cuộc sống của mình. Chính trải nghiệm này cũng trở thành lời động viên chân thành chị gửi đến các bạn trẻ: hãy học khi còn có thể, học một cách liên tục và nghiêm túc, vì đó là con đường ngắn nhất để trưởng thành và tự tin đi xa.
Học viên Hoàng Thị Thu Trang nhận khen thưởng của nhà trường
Từ góc nhìn của một sinh viên trẻ lần đầu bước vào đời, cho đến chia sẻ của một học viên đã nhiều năm đi làm quay lại giảng đường, cả hai bài phát biểu đã gặp nhau ở một điểm chung: sự biết ơn chân thành đối với ngôi trường đã giúp họ nhận ra bản thân, nuôi dưỡng khát vọng, và sống tử tế với chính mình.
Tân Thạc sĩ Di sản học - Hoàng Trang cùng Giảng viên Công Lưu (Khoa Công nghiệp văn hóa và Di sản)
Buổi Lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp năm 2025 của VNU-SIS diễn ra trong không khí ấm áp đầy cảm xúc
Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật tuy còn trẻ tuổi, nhưng đã ghi dấu là nơi khơi mở những chương trình đào tạo tiên phong, kết nối liên ngành, đổi mới tư duy và truyền cảm hứng sống, học, làm nghề một cách có chiều sâu. Những chia sẻ ấy không chỉ khép lại một chặng đường, mà còn mở ra nhiều hy vọng: rằng từ mái trường này, những người học không chỉ mang về tri thức, mà mang theo cả bản lĩnh sống, để tạo ra những thay đổi tích cực cho cộng đồng, cho đất nước bằng chính ngành nghề mà mình yêu thích và theo đuổi.
CÁC TIN KHÁC