Lễ ra mắt chương trình Thạc sĩ Quản lí di sản

Cập nhật lúc 2022-02-09 07:58:41

Ngày 30/11/2019, Khoa Các Khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức Buổi lễ ra mắt Chương trình đào tạo Thạc sĩ Di sản học tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum, 19 Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm, Hà Nội với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lí, nhà báo và các cá nhân có quan tâm.

Buổi lễ ra mắt này nhằm giới thiệu Chương trình đào tạo Thạc sĩ Di sản học tới đông đảo những người quan tâm và thông báo tuyển sinh khóa đầu tiên tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Buổi lễ sẽ tập trung vào các nội dung sau:

  • Quá trình xây dựng chương trình và công tác chuẩn bị tổ chức đào tạo của Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN
  • Lễ công bố Quyết định ban hành chương trình đào tạo và Quyết định giao nhiệm vụ đào tạo của Giám đốc ĐHQGHN cho Khoa Các khoa học liên ngành

Trong Báo cáo tại Buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu – Phó Chủ nhiệm Khoa sẽ tóm lược quá trình xây dựng Chương trình và công tác chuẩn bị tổ chức đào tạo của Khoa với một số điểm trọng tâm sau:

            Di sản của Việt Nam vô cùng đa dạng, phong phú với nhiều loại hình di sản được công nhận ở tầm quốc tế, khu vực và quốc gia, tạo nên giá trị to lớn về tinh thần cho dân tộc và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, di sản đang đứng trước nhiều nguy cơ đến từ các vấn đề như toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường và biến đổi khí hậu. Trong khi đó, công tác quản lí, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản ở Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập và xung đột. Để có thể phát huy các giá trị di sản theo hướng bền vững, Việt Nam cần có nguồn nhân lực chất lượng cao với tư duy và cách tiếp cận liên ngành làm việc trong lĩnh vực di sản. Sự ra đời của Chương trình đào tạo Thạc sĩ di sản học, chương trình đầu tiên ở Việt Nam đào tạo Di sản học ở bậc thạc sĩ vơi định hướng liên ngành, chính là cung cấp nguồn nhân lực nhân lực chất lượng cao cho xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu này.

            Để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực này, Khoa Các Khoa học liên ngành với thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực và khả năng huy động sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đã bắt đầu xây dựng Chương trình đào tạo Thạc sĩ Di sản học từ năm 2017. Với sự tham gia của nhiều nhà khoa học đến từ các lĩnh vực chuyên môn khác nhau (xã hội – nhân văn, tự nhiên, kinh tế – luật, kiến trúc – xây dựng, công nghệ) đóng vai trò trụ cột kiến thức của Chương trình đào tạo. Sau các buổi hội thảo chuyên môn và các cấp thẩm định, với sự tham gia của các chuyên gia từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội đồng Di sản Quốc gia; Ban quản lí di tích và danh thắng các cấp; Bảo tàng, Thư viện, Vườn quốc gia; các viện nghiên cứu và các trường đại học, đến tháng 11 năm 2019, Chương trình đào tạo Thạc sĩ Di sản học đã chính thức được ĐHQGHN ban hành.

            Chương trình đào tạo được xây dựng theo cấu trúc mô đun học phần, bao phủ tất cả các khía cạnh của di sản từ nền tảng – bối cảnh di sản, giá trị di sản, quản lí và bảo tồn di sản bền vững đến thực hành di sản dựa trên các trụ cột kiến thức khoa học xã hội – nhân văn, khoa học tự nhiên, kiến trúc – xây dựng và công nghệ.

            Tham gia xây dựng và giảng dạy cho Chương trình là các nhà khoa học đang hoạt động tích cực trong các lĩnh vực liên quan đến di sản, công tác tại các trường đại học trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội, các viện nghiên cứu và các cơ quan quản lí di sản như Hội đồng Di sản Quốc gia, UNESCO, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ, các viện nghiên cứu và các trường đại học trong lĩnh vực di sản, văn hóa, bảo tồn, bảo tàng,… Đồng thời, Chương trình cũng nhận được sự quan tâm, hợp tác của các đơn vị bảo tồn và quản lí di sản như Ban quản lí di tích và danh thắng các cấp, Bảo tàng, Thư viện và Vườn quốc gia, tạo điều kiện cho người học tiếp cận và giải quyết các vấn đề thực tiễn về di sản dưới sự dẫn dắt, tư vấn của các giảng viên, chuyên gia đầu ngành.

            Chương trình hướng đến đối tượng người học đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực và vị trí công tác tại các cơ quan quản lí và bảo tồn di sản, cơ quan nghiên cứu và đào tạo về di sản, cơ quan báo chí và truyền thông, tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội và các doanh nghiệp nhằm cung cấp khả năng nhận diện các vấn đề liên quan đến di sản cũng như khả năng đề xuất các giải pháp, vận dụng các công cụ hỗ trợ và năng lực tổ chức, tham gia giải quyết các vấn đề thực tiễn về di sản.

            Chương trình tuyển sinh 2 đợt trong 1 năm. Toàn bộ thời lượng chương trình đào tạo gói gọn trong 64 tín chỉ với hình thức học cuốn chiếu, thuận tiện cho học viên và giảng viên.

Thông qua việc áp dụng những tiến bộ khoa học – công nghệ trong giảng dạy và nghiên cứu và các hình thức giảng dạy đa dạng, phong phú gắn với thực tiễn, Chương trình sẽ đem lại cho người học không chỉ kiến thức mà còn các kỹ năng cần thiết cho công việc của họ. Đây chính là môi trường lí tưởng để người học phat huy sở trường, khả năng của mình.

MỌI THÔNG TIN THÊM VUI LÒNG LIÊN HỆ

Ms. Nguyễn Thu Thủy

Phòng Khoa học công nghệ & Hợp tác phát triển – Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN

Email: nguyenthuthuydt@yahoo.com

Số điện thoại: 0912122054

Địa chỉ: Phòng 504, nhà G7, Đại học Quốc gia Hà Nội, 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội.

CÁC TIN KHÁC