HỘI THẢO BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU & PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: TÁC ĐỘNG, ỨNG PHÓ VÀ ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC

Cập nhật lúc 2022-02-09 07:58:41

Ngày 16/12/2021 Khoa Các khoa học liên ngành (CKHLN) chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học (HTKH) trực tuyến “Biến đổi khí hậu & phát triển bền vững: Tác động, ứng phó và đào tạo nguồn nhân lực”, nhân kỷ niệm 10 năm tổ chức đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Biến đổi khí hậu.

 

Chương trình được tổ chức tại hội trường Khoa CKHLN, đồng thời tổ chức trực tuyến trên Zoom và phát trực tiếp trên Fanpage chính thức của Khoa. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, tham gia tích cực của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN, các học viên, cựu học viên của Khoa vào việc đóng góp các bài tham luận và ý kiến cho hội thảo.

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu bày tỏ niềm vui, niềm tự hào của Khoa về hành trình 10 năm trưởng thành và ghi dấu ấn là một trong những đơn vị đào tạo hàng đầu về chương trình Thạc sĩ liên ngành cho lĩnh vực biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. PGS cũng bày tỏ lòng biết ơn với sự đồng hành, ủng hộ của Ban Giám đốc ĐHQGHN, Bộ Tài nguyên & Môi trưởng, Tổng cục khí tượng thủy văn, các Sở Ban ngành liên quan, cũng như các chuyên gia, nhà khoa học, các giảng viên đã dành cho Khoa trong suốt thời gian qua. Thông qua Hội thảo, Chủ nhiệm Khoa cũng bày tỏ những quyết tâm của Khoa trong việc tiếp tục nỗ lực phấn đấu trong hoạt động mở ngành theo xu thế, đảm bảo duy trì chất lượng giáo dục cũng như chung tay cùng Chính phủ trong chuỗi hoạt động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, các giải pháp thiết yếu ứng dụng vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay. 

 

Phát biểu tại Hội thảo PGS.TS. Phạm Bảo Sơn đã dành những lời chúc mừng chân thành nhất tới Khoa, cũng như ghi nhận sự nỗ lực của Khoa trong suốt thập kỷ qua trong hoạt động đào tạo chuyên ngành Biến đổi khí hậu để từng bước đạt tới những thành tựu như ngày hôm nay. PGS nhấn mạnh tính cấp bách và thiết yếu của việc ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như sự thức thời của Khoa trong việc tổ chức hội thảo khoa học đúng thời điểm, từ đó khẳng định vị thế của Khoa trong vai trò là đơn vị hàng đầu về đào tạo và nghiên cứu liên ngành trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Phó Giám đốc cũng bày tỏ những gửi gắm tới Khoa về việc tiếp tục phát huy thế mạnh đào tạo, nghiên cứu hiện có; tăng cường sự gắn kết giữa các nhà khoa học, nhà nghiên cứu nhằm phát huy tinh thần One-VNU cũng như gây dựng đội ngũ nghiên cứu mạnh; Tăng cường phát huy sức mạnh liên kết của hệ thống cựu sinh viên, học viên; Và đặc biệt là Khoa cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động mở ngành mới với xu thế liên ngành, đáp ứng nhu cầu xã hội giai đoạn hiện nay.

 

Hội thảo cũng vinh dự được đón nhận lời chúc mừng đến từ GS.TS. Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng, Tổng cục khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên & Môi trường. Là một người gắn bó đặc biệt với Khoa từ những ngày đầu đào tạo chương trình Thạc sĩ BĐKH và nay cũng là người đang trực tiếp quản lý đội ngũ nhân lực được đào tạo từ Khoa CKHLN. Tổng cục trưởng gửi lời chúc mừng tới Khoa vì đã thực sự thành công trong việc đóng góp nguồn lao động chất lượng cao cho lĩnh vực Biến đổi khí hậu, đặc biệt GS khẳng định hiện nay có tới hơn 10 vị trí lãnh đạo cấp Vụ, Cục đều là cựu học viên của Khoa từ các khóa đầu tiên tới nay. Đây là niềm tự hào và cũng là vinh dự đặc biệt đối với Khoa nhất là trong dịp kỷ niệm 10 năm lần này. Không chỉ gửi lời chúc mừng tới Khoa, GS đã thêm một lần khẳng định sẽ luôn sát cánh bên Khoa trong mọi hoạt động nghiên cứu, đào tạo và thực hiện các đề tài, đề án khoa học trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

 

Hội thảo được chia làm 3 phiên thảo luận với các nội dung chính lần lượt: Phiên đầu tiên “Tác động của biến đổi khí hậu”; Phiên thứ hai “Ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”; Phiên thứ ba “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”. Chủ đề của mỗi phiên được làm rõ thông qua các bài tham luận từ đó nêu bật lên chuỗi hoạt động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ việc chỉ ra các tác động của biến đổi khí hậu tới mọi lĩnh vực trong cuộc sống như: Xã hội, sản xuất kinh tế, nông nghiệp, hệ sinh thái… Các diễn giả tiếp tục đưa độc giả đến với các giải pháp hữu ích, tối ưu nhằm ứng phó với các tác động kể trên: từ những ứng dụng các vật liệu mới, năng lượng tự nhiên cho tới các giải pháp về chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp cho chuỗi hoạt động này phát huy tối đa lợi ích của mình. Và cuối cùng, không thể không nhắc tới hoạt động cốt lõi để tạo sự chuẩn bị tốt nhất cho chuỗi ứng phó đó là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Các diễn giả đều nhất tâm khẳng định tầm quan trọng của tính liên ngành và đào tạo liên ngành cho lĩnh vực biến đổi khí hậu, bởi thế giới đang phát triển như vũ bão, chúng ta không thể đừng ngoài cuộc hay chỉ chuyên môn hóa 1 lĩnh vực như trước kia. Việc chuẩn bị tốt một đội ngũ có tầm hiểu biết liên ngành sẽ tạo nên thế mạnh trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và đặc biệt phù hợp với định hướng của sự phát triển bền vững.

 

Phần thảo luận cũng rất sôi nổi với các câu hỏi trao đổi trực tiếp tại hội trường cũng như được đại biểu các điểm cầu trực tuyến gửi về xoay quanh một số vấn đề như: chính sách đào tạo đặc biệt cho lĩnh vực biến đổi khí hậu; Các nhân tố tác động đặc thù tới biến đổi khí hậu ở từng địa phương; vấn đề chia sẻ các số liệu nghiên cứu liên quan tới lĩnh vực biến đổi khí hậu; Các giải pháp đảm bảo sinh kế hay dự báo thiên tai ứng dụng cho từng địa phương…. Các câu hỏi đã được chuyên gia của từng lĩnh vực trả lời và giải thích rõ ràng, tận tâm với hàm lượng khoa học cao.

 

Tổng kết lại Hội thảo, sau thời gian làm việc tích cực, nghiêm túc và thảo luận sôi nổi, GS.TS. Phan Văn Tân, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Khoa đã hệ thống lại các nội dung chính phong phú, đa dạng được trình bày trong các phiên. GS khẳng định chúng ta cần phải được tiếp cận và hiểu rõ thế nào là biến đổi khí hậu, các tác động cụ thể của biến đổi khí hậu tới từng lĩnh vực, từ đó mới đưa ra được các giải pháp ứng phó tối ưu. Hội thảo hôm nay mới chỉ là cơ hội để trình bày các báo cáo đại diện cho gần 70 bài tham luận đóng góp một kho tàng kiến thức, số liệu, nghiên cứu của rất nhiều tác giả, nhóm tác giả đầy tâm huyết với lĩnh vực biến đổi khí hậu trên cả nước. Và GS cũng bày tỏ định hướng của Khoa về việc xuất bản bộ tài liệu chuyên ngành biến đổi khí hậu nhằm góp phần làm giàu cho kho tư liệu của lĩnh vực biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Một lần nữa, GS gửi lời tri ân tới các thế hệ giảng viên, cộng tác viên đã và đang hợp tác cùng Khoa trong hoạt động đào tạo chuyên ngành biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng và cung cấp một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, tinh nhuệ cho hoạt động ứng phó tác động biến đổi khí hậu của Quốc gia.

 

Hội thảo “Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững” vinh dự đón các nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực tham gia cùng các tác giả khác đã đóng góp tích cực vào tham luận cũng như kỷ yếu hội thảo. Với sức nóng của vấn đề biến đổi khí hậu, cùng những tên tuổi đầu ngành bảo chứng, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của gần 300 đại biểu tham dự. Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự ủng hộ nhiệt tình và quan tâm sâu sắc của các đại biểu tham dự cũng như sự chu đáo, tận tâm, nhiệt huyết thể hiện trong từng bài trình bày của các diễn giả và sự điều phối chuyên nghiệp của các Trưởng tiểu ban cùng Ban tổ chức. Đây không chỉ là một dấu mốc kỷ niệm 10 năm đào tạo chuyên ngành biến đổi khí hậu đầy tự hào mà còn là nền tảng cho những bước phát triển vững chắc của Khoa trong tương lai về cả công tác đào tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học. Khoa Các khoa học liên ngành có thêm động lực để phấn đấu phát huy thế mạnh đào tạo liên ngành, đảm bảo một môi trường chuyên nghiệp, hội nhập và năng động cho các nhà khoa học cũng như các thế hệ học viên, sinh viên của Khoa.

Thanh Ngọc - SIS

CÁC TIN KHÁC