Cập nhật lúc 2022-08-04 21:28:53
HỘI NGHỊ GIẢNG VIÊN NĂM HỌC 2022-2023
Công tác đào tạo đại học: Thực tiễn, kinh nghiệm
và những giải pháp đảm bảo chất lượng
Ngày 30/07/2022, Khoa Các khoa học liên ngành (CKHLN), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHGQHN) tổ chức Hội nghị Giảng viên năm học 2022-2023 - Công tác đào tạo đại học: Thực tiễn, kinh nghiệm và những giải pháp đảm bảo chất lượng.
Từ thực trạng phát triển vượt bậc về đội ngũ chuyên môn chất lượng cao từ 08 giảng viên năm 2020 đến 33 Giảng viên như hiện nay, Khoa luôn nỗ lực mang lại môi trường năng động nhất, chuyên nghiệp nhất tới đội ngũ giảng viên nhằm ngày một nâng cao năng lực từng cá nhân cũng như cả tập thể. Hội nghị Giảng viên năm học 2022-2023 là bước khởi đầu trong chuỗi hoạt động phát huy và nâng cao chất lượng cho đội ngũ giảng viên tại Khoa. Đây sẽ là hoạt động nền tảng và thường niên của Khoa để chuẩn bị cho những tiền đề phát huy chất lượng cho việc dạy và học, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng môi trưởng phát triển mạnh mà bền vững.
Mở đầu hội nghị là phần công bố quyết định thành lập các tổ bộ môn cũng như quyết định bổ nhiệm tổ trưởng các bộ môn nhằm hoàn thiện và khu trú chuyên môn cao vào các tổ bộ môn. Từ đó tạo cơ sở cho việc phát triển các ngành, chuyên ngành trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Khoa thực hiện vinh danh các thầy cô nhận được bình chọn cao nhất từ Sinh viên về chất lượng giảng dạy. Đồng thời phát động tinh thần sáng tạo, đổi mới trong đào tạo và lan tỏa tính liên ngành, đồng hành với sinh viên tới đội ngũ giảng viên bắt đầu từ năm học 2022-2023, nhằm khích lệ và thúc đẩy giá trị hoạt động giảng dạy từ mỗi giảng viên.
Nội dung chính của Hội nghị là phần tham luận đến từ Phòng Đào tạo, các giảng viên tập trung vào chủ đề nâng cao chất lượng giảng dạy, thực tiễn, kinh nghiệm và những giải pháp cho đảm bảo chất lượng trong đào tạo.
Theo đó, tham luận của phòng Đào tạo đã nhấn mạnh các nhiệm vụ tiên quyết như: Tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá; Thúc đẩy hoạt động tự học của sinh viên; Đáp ứng chuẩn đầu ra về ngoại ngữ; Triển khai công tác tư vấn hướng nghiệp; Tiếp nhận xử lý phản hồi của giảng viên, sinh viên; Triển khai ứng dụng CNTT; Lập phương án triển khai các học phần; Triển khai kế hoạch đảm bảo chất lượng.
Trong tham luận của giảng viên đại diện cho 2 ngành Di sản và Thương hiệu cũng nhấn mạnh về 1 số thực trạng hiện hữu trong năm học 2021-2022, từ đó chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn mà các giảng viên đã áp dụng với sinh viên và học viên tại Khoa. Thông qua đó, các giảng viên khẳng định thêm vai trò của giảng viên đối với văn hóa học cũng như tính khích lệ, tạo động lực từ phía giảng viên dành cho người học. Với các kinh nghiệm phong phú, thực tế và chất lượng, các giảng viên đã có những đóng góp quý báu cho việc cải thiện chất lượng giảng dạy tại Khoa.
Phiên thảo luận được chủ trì tập trung vào các nội dung: khó khăn, hạn chế của Khoa và các giải pháp, đề xuất về kinh nghiệm giảng dạy đối với cả Đại học và Sau Đại học. Đặc biệt, công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học công nghệ đều cần được chú trọng.