Cập nhật lúc 2022-02-09 07:58:43
Khoa Các Khoa học liên ngành, được biết đến như một đơn vị đi đầu trong xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo mới ở bậc thạc sĩ về Biến đổi khí hậu, Khoa học bền vững ở ĐHQGHN.
Cổng thông tin Điện tử ĐHQGHN đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành về những nội dung xoay quanh hai chữ “Liên ngành” mà Khoa đang mang tên.
Thưa PGS Nguyễn Hiệu, Khoa các Khoa học Liên ngành được biết đến là một đơn vị đi đầu trong xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo mới tại ĐHQGHN nói riêng và cả nước nói chung, vậy PGS có thể cho biết đôi nét về Khoa?
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu: Khoa Các khoa học liên ngành, tiền thân là Khoa sau đại học, là đơn vị đào tạo trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, được chính thức mang tên là Khoa Các khoa học liên ngành từ ngày 25/1/2017.
Có thể nói Khoa là một trong những đơn vị “trẻ” nhất của Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong giai đoạn đầu phát triển, Khoa đóng vai trò đơn vị tham mưu cho Đại học Quốc gia Hà Nội trong công tác đào tạo sau đại học và đã có nhiều đóng góp trong xây dựng hệ thống quản lí đào tạo sau đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, trọng tâm của Khoa là đào tạo và nghiên cứu liên ngành, với nhiều chương trình đào tạo liên ngành mang tính tiên phong, đáp ứng những vấn đề cấp thiết của xã hội. Đây là một trong những bước đi mang tính chiến lược của Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc phát triển một đơn vị đặc thù, tinh gọn nhằm tối ưu khả năng sử dụng nguồn lực chung của Đại học Quốc gia Hà Nội trong phát triển các khoa học liên ngành.
Đến nay, Khoa đã xây dựng và triển khai tổ chức đào tạo 4 chương trình thạc sĩ, 1 chương trình tiến sĩ và đang tiếp tục phát triển các chương trình đào tạo mới ở bậc cử nhân. Cùng với hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, Khoa đã triển khai ký kết hợp tác với các trường đại học lớn ở châu Á, châu Mỹ, Trung Quốc. và bước đầu cũng có những kết quả đáng khích lệ.
Trong 5 năm qua đã có nhiều cán bộ, giảng viên được đi tham quan, khảo sát, tập huấn ở nước ngoài. Khoa cũng đón nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm làm việc và đón một số đoàn giảng viên, sinh viên nước ngoài đến học tập và giao lưu.
PGS vừa đề cập nhiều đến tính liên ngành của các chương trình đào tạo của Khoa, vậy ông có thể cho biết rõ hơn về quan điểm của mình, và của đơn vị mình về khoa học liên ngành và vai trò của nó trong xã hội hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu: Trước những biến động nhanh chóng của thời đại và những thách thức mang tính phức hợp ở quy mô toàn cầu, khoa học liên ngành càng trở nên cần thiết trong việc giải quyết các bài toán thực tiễn.
Như vậy, bên cạnh các khoa học chuyên ngành và khoa học ứng dụng mang tính chuyên sâu, khoa học liên ngành có vai trò đưa ra cái nhìn tổng thể, nhận diện các kết nối của các chiều cạnh, từ đó giúp đưa ra những giải pháp mang tính tổng thể và toàn diện hơn.
Có thể lấy biến đổi khí hậu làm ví dụ. Nhắc đến biến đổi khí hậu, người ta thường nghĩ đến những yếu tố khí tượng như sự gia tăng về nhiệt độ, lượng mưa và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Tuy nhiên, để có thể thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu thì còn đòi hỏi sự hiểu biết về kinh tế xã hội, đặc trưng vùng miền, đặc tính cộng đồng… trước những tác động khác nhau của biến đổi khí hậu. Nói cách khác, đã qua rồi cái thời chỉ nhìn nhận và giải quyết vấn đề từ góc độ 1 chuyên ngành khoa học thay vào đó là sự phối hợp hài hòa tại vùng giao thoa của các ngành khoa học.
Khoa học liên ngành, vì lẽ đó, hình thành và phát triển như một quy luật tất yếu, giúp tăng sự liên thông, tương hỗ giữa các ngành, và trên hết, góp phần vào giải quyết những vấn đề phức tạp của thực tiễn một cách thiết thực và trọn vẹn hơn.
Từ những quan điểm về liên ngành nói trên, xin PGS có thể chia sẻ về những “thành tựu” mà Khoa Các khoa học liên ngành đã đạt được kể từ khi nhận tên và nhiệm vụ mới?
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu: Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của khoa học liên ngành trong xã hội ngày nay, cũng như nhu cầu về đội ngũ nhân lực chất lượng cao, trình độ cao phục vụ cho phát triển đất nước, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị tiên phong đào tạo đại học, sau đại học về khoa học liên ngành.
Với khẩu hiệu hành động “Liên ngành – Hợp tác – Phát triển”, tất cả các chương trình đào tạo mà Khoa tổ chức đào tạo đều là những chương trình cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, mang tính liên ngành cao, nhằm trang bị cho người học tư duy tổng thể và năng lực liên ngành.
Khoa cũng được biết đến như một đơn vị đi đầu trong xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo mới ở bậc thạc sĩ về Biến đổi khí hậu, Khoa học bền vững, quản lý phát triển đô thị và gần đây nhất là Di sản học. Với nền tảng đội ngũ và kinh nghiệm 10 năm tổ chức đào tạo thạc sĩ Biến đổi khí hậu, cùng mạng lưới học viên, cựu học viên rộng khắp 64 tỉnh thành, năm 2020, Khoa chính thức tổ chức đào tạo ở bậc tiến sĩ chuyên ngành biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Đây là một sự khẳng định về chất lượng, và cũng là quyết tâm của Khoa trong việc đóng góp vào xây dựng đội ngũ tinh hoa có tư duy và năng lực liên ngành cho đất nước.
Là đơn vị tương đối đặc thù của Đại học Quốc gia Hà Nội, đóng vai trò đơn vị đầu mối để quy tụ hơn 2000 nhà khoa học trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội, các chương trình đào tạo liên ngành tại Khoa đều có sự tham gia, đóng góp nhân lực và tri thức từ các đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội từ khâu xây dựng đến triển khai tổ chức đào tạo.
Với cơ cấu tổ chức tinh gọn, linh hoạt, việc vận hành chương trình cũng được thiết lập theo mô hình hiện đại thông qua những Ban điều hành chương trình đào tạo. Ở đó, các vấn đề chuyên môn sẽ được quyết định bởi Giám đốc chương trình. Việc vận hành trực tiếp chương trình và hỗ trợ người học sẽ được chuyên biệt hóa bởi các Điều phối viên.
Với mỗi chương trình đào tạo đã, đang và sẽ được triển khai ở Khoa Các khoa học liên ngành, ở mọi bậc đào tạo, Khoa đều xác định rõ ràng nội hàm “liên ngành” và “giá trị” trong triết lý của chương trình kể từ khâu xây dựng, thẩm định, vận hành và đảm bảo chất lượng. Triết lí đó được duy trì xuyên suốt quá trình tồn tại và phát triển của Khoa và được xem như bản sắc, như “văn hoá” của Khoa chúng tôi.
Với vai trò một đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS có thể cho biết những dự kiến và định hướng phát triển của đơn vị trong thời gian tới?
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu: với các thành tựu về đào tạo như hiện nay, trong 5 năm tới, Khoa tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong và chất lượng trong đào tạo liên ngành ở 3 bậc đào tạo từ cử nhân đến tiến sĩ, theo hướng chất lượng cao, thu học phí cao theo đặc thù đơn vị.
Đồng thời, Khoa sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế cũng như hợp tác với thị trường nghề nghiệp để tăng cường khả năng tiếp cận với nhu cầu thực tiễn của các chương trình đào tạo liên ngành. Bên cạnh đó, nghiên cứu khoa học sẽ được chú trọng đầu tư và phát triển, phấn đấu đến năm 2025 Khoa sẽ có một tạp chí chuyên về khoa học liên ngành có uy tín.
Ngoài ra, hợp tác với các địa phương, các Bộ, Ban, Ngành và thu hút các đề tài dự án cũng sẽ được Khoa nghiêm túc quan tâm và đầu tư để khoa học liên ngành dần đi vào cuộc sống. Cũng vì thế, triết lý “liên ngành” luôn nằm xuyên suốt các hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Khoa, và chúng tôi sẽ từng bước tận dụng điều đó như một lợi thế để dần hình thành một mạng lưới liên ngành, từ đó xây dựng một môi trường hợp tác liên ngành rộng khắp, có sự tham gia của các ngành, nghề, lĩnh vực, và ở đó Khoa Các khoa học liên ngành nói riêng và Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung, đóng vai trò cầu nối học thuật, hàn lâm với việc giải quyết các bài toán thực tiễn sâu sắc và ở các tầng bậc khác nhau.
Trân trọng cám ơn PGS.
(Theo VNU Media)