Biến đổi khí hậu: Góc nhìn từ các chuyên gia, các nhà khoa học

Cập nhật lúc 2022-02-09 07:58:43

Biến đổi khí hậu: Góc nhìn từ các chuyên gia, các nhà khoa học

Quy tụ gần 500 đại biểu là lãnh đạo/cựu lãnh đạo của các quốc gia, các chính khách, lãnh đạo tập đoàn và các tổ chức quốc tế, các học giả và nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, Diễn đàn Hà Nội 2018 với tên gọi “Hướng đến Phát triển bền vững – Ứng phó Biến đổi khí hậu để đảm bảo Bền vững và An ninh” là nơi trao đổi học thuật và chính sách liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển bền vững.

Diễn đàn đã đưa ra những bằng chứng sinh động nhất cho thấy sự can thiệp thô bạo của con người gây ra BĐKH, từ đó đề xuất các mô hình ứng phó và các giải pháp dựa vào thiên nhiên, giải pháp về thể chế, chính sách và nguồn năng lực để hướng tới phát triển bền vững, thịnh vượng, an toàn.

Cổng Thông tin ĐHQGHN đã có những trao đổi nhanh lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học xung quanh nội dung Diễn đàn.

Diana Ürge-Vorsatz – Phó trưởng nhóm công tác III của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC): Đại học có vai trò quan trọng trong cuộc chiến với BĐKH

Tôi rất ấn tượng với sáng kiến quan trọng của ĐHQGHN khi tổ chức Diễn đàn Hà Nội về chủ đề biến đổi khí hậu. IPCC đã trình bày tại nhiều diễn đàn về kinh nghiệm và giải pháp ứng phó với BĐKH. Tôi cho rằng, Diễn đàn này thể hiện tính nhạy bén, sự cam kết và khả năng kêu gọi nguồn lực trí tuệ của ĐHQGHN không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực và trên thế giới. Khả năng thu hút nhân tài toàn cầu và những người có ảnh hưởng có thể thấy qua những đại biểu tham gia trong Diễn đàn lần này, từ các nhà hoạch định chính sách đến các nhà quản lý, nhà khoa học từ châu Á, châu Âu, Hoa Kỳ… Điều này chứng tỏ ĐHQGHN đã trở thành một cầu nối trong việc trao đổi cấp cao giữa những công trình trí tuệ, góp phần đưa những thành tựu tri thức đến gần hơn với việc hoạch định chính sách cũng như những hành động trách nhiệm, cần thiết khác.

Đồng chủ trì tiểu ban số 3 về “Ứng phó với biến đổi khí hậu” với GS Mai Trọng Nhuận từ ĐHQGHN, trong phiên thảo luận, chúng tôi đã bàn về vai trò của các đại học trong việc tham gia vào ứng phó với BĐKH. Tôi cho rằng, kiến thức đóng vai trò quan trọng trong những quyết định mang tính khoa học. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng lo ngại hiện nay là các chính sách liên quan đến BĐKH lại được đưa ra trước khi có những nghiên cứu về vấn đề này.

Nhiều câu hỏi được đưa ra thảo luận như: Bằng cách nào để có thể cân bằng giữa việc đưa ra chính sách và thực hiện các nghiên cứu? Và bằng cách nào các nhà khoa học có thể gây ảnh hưởng đến việc nghiên cứu hoạch định chính sách để giúp chính sách đó có thể thay đổi linh hoạt theo sự biến chuyển của tình hình?…

Có thể thấy các nhà khoa học đóng vai trò rất quan trọng để đưa ra ý kiến phản hồi cho xây dựng chính sách và tạo sự cân bằng giữa nghiên cứu và thực tiễn. Do đó, nếu không có những nghiên cứu nghiêm túc thì sẽ có rất nhiều sai sót được tạo ra, gây nên những hậu quả khôn lường kể cả chúng ta có ý định tạo ra những chính sách tốt ngay từ đầu.

GSPark Ryul Kyung – Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (Korean Advanced Institute of Sciences and Technology – KAIST): Chia sẻ thông tin giữa các đơn vị điều phối là chìa khóa chống lại BĐKH

Tùy theo những điều kiện của từng khu vực khác nhau trên thế giới mà các nước sẽ chịu ảnh hưởng từ BĐKH khác nhau. Tôi thấy rằng các nước Đông Nam Á rất dễ tổn thương trước BĐKH và các thảm họa thiên nhiên. Diễn đàn Hà Nội chính là điểm khởi đầu tốt cho việc thảo luận trong khu vực ở cấp độ nghiên cứu và thực tiễn, và tiến tới là thảo luận ở cấp độ toàn cầu.

Trong nghiên cứu của mình, tôi thấy việc chia sẻ thông tin giữa các đơn vị điều phối giữa các nước là chìa khóa để chống lại BĐKH. Các hệ thống chia sẻ thông tin bao gồm hỗ trợ thông tin, tạo ra nền tảng thông tin để chia sẻ trong các trường hợp khẩn cấp. Thông tin và dữ liệu rất quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề về BĐKH.

Chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm về việc sử dụng công nghệ vào chống biến đổi khí hậu như dùng dữ liệu mở, dữ liệu lớn, hay du lieu hinh anh vệ tinh… vào việc dự đoán và chống BĐKH. Tuy nhiên, những công nghệ này không thể đơn độc trong cuộc chiến chống BĐKH mà cần có các yếu tố về văn hóa, chính sách và cần có cả thể chế để mọi người cùng chung tay hành động. Do vậy, bên cạnh tiến bộ khoa học công nghệ thì chúng ta cần có những cơ chế hoạt động bền vững để ứng phó với vấn đề này.

Đến với Diễn đàn này, tôi được chứng kiến sự đam mê của những người tham dự và điều này có thể trở thành nền tảng cho sự hợp tác và trao đổi quốc tế. Đây là một bước tiền đề quan trọng để tiếp tục công cuộc ứng phó với BĐKH trong tương lai.

PGS.TS Trần Hồng Thái – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nâng cao nhận thức cộng đồng về BĐKH

Trước hết, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, làm sâu rộng hơn hiểu biết của người dân, của xã hội trong vấn đề BĐKH. Qua Diễn đàn Hà Nội 2018, chúng ta sẽ tiếp thu được những kinh nghiệm quốc gia và quốc tế và sẽ cùng nhau trao đổi một cách toàn diện từ thực tiễn, nghiên cứu, đào tạo để đưa ra những khuyến nghị chính sách tốt về BĐKH và phát triển bền vững.

Là thành phố lớn và cũng là nơi chịu nhiều tác động của BKĐH, việc tổ chức Diễn đàn Hà Nội sẽ giúp người dân thủ đô cũng như người dân Việt Nam nhận thức rõ hơn rằng BĐKH không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề đến vùng nông thôn hay miền núi mà sẽ tác động và đe dọa sự phát triển của tất cả các vùng miền.

Tại tiểu ban 5 về “Khoa học, công nghệ và giáo dục về ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững” mà tôi đồng chủ trì, các diễn giả đã đưa ra bức tranh chung và những góc nhìn từ góc độ nghiên cứu khoa học, đào tạo, thực tiễn, chính sách và quản lý. Qua các ý kiến và sự tham gia tích cực của các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia, có thể nhận thấy rằng, không chỉ ở các nước phát triển mới có những nghiên cứu, công nghệ ứng phó với BĐKH mà ở các nước đang phát triển, tiềm năng này cũng rất lớn.

Nicole AL Manley – nhà khoa học từ Vương quốc Anh: Sử dụng nghệ thuật để truyền tải thông điệp ứng phó với BĐKH

Cùng với góc nhìn khoa học, tôi lựa chọn nghệ thuật để truyền tải những thông điệp liên quan BĐKH. Nghệ thuật giúp chúng ta nhìn nhận khác đi về cách chúng ta tác động đến môi trường và cách môi trường tác động lại chúng ta.

Đơn cử như bức tranh lụa về đập thủy điện Hòa Bình được ghép từ 200 bức ảnh khác nhau chụp rất nhiều con sông ở cả Việt Nam và Anh quốc. Nhìn từ xa có thể thấy đập Hòa Bình, nhưng nếu nhìn gần hơn, chúng ta có thể thấy hình ảnh nhiều dòng sông

Tôi ghép các bức tranh lại với nhau để tạo nên hình ảnh đập Hòa Bình nhằm đưa đến một góc nhìn khác về biến đổi khí hậu. Hoạt động của đập thủy điện đang kiềm chế sức nước từ sông Đà, đồng thời cản lại những nguồn lợi thiên nhiên có thể cung cấp xuống vùng Đồng bằng châu thổ Sông Hồng. Mặc dù tạo ra nguồn dien nhưng nó cũng làm ảnh hướng đến nhiều tài nguyên khác của môi trường.

Vì thế, chúng ta cần có cách nhìn tổng thế để có thể đưa ra những giải pháp thích đáng trong việc ứng phó với BĐKH. Đó là lý do tôi dùng nghệ thuật để kết nối những khía cạnh tương quan đến nhau mà chúng ta chưa đề cập đến.

Sinh Vũ, Thùy Trang – Ảnh: Ngọc Tùng – VNU Media

CÁC TIN KHÁC