Vai trò của di sản và cách tiếp cận mới trong đào tạo di sản học

Cập nhật lúc 2022-02-09 14:58:43

Di sản có vai trò như thế nào đối với đời sống xã hội hiện nay? Đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực di sản ngày nay cần phải tập trung vào cái gì? Những vấn đề này đang thu hút được sự chú ý của các nhà quản lý cũng như những nhà nghiên cứu. Vì vậy, hãy cùng tìm kiếm câu trả lời qua cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Frank Proschan, học giả Fulbright 2019-2020, người đã có 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực di sản tại Việt Nam.

  • Theo ông, vì sao di sản lại quan trọng đối với con người?

            Di sản là phương tiện chủ yếu và là một kênh để chúng ta kết nối quá khứ với tương lai. Tất cả chúng ta đều quan tâm đến việc tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn không chỉ cho bản thân mà cho cả con cháu chúng ta. Chúng ta muốn thế hệ trẻ có cơ hội được tận hưởng những văn hóa và di sản mà tổ tiên để lại như chúng ta đã từng có. Do đó, bảo vệ di sản và văn hóa chính là để đảm bảo rằng thế hệ tương lai được tiếp cận với những di sản này và những lựa chọn văn hóa của các em sẽ luôn được rộng mở. Nhiệm vụ của những chuyên gia như tôi không phải là “ra lệnh” hay quyết định xem con người sẽ làm gì. Mà với tư cách một chuyên gia, chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo rằng con người được phép lựa chọn, rằng mọi thứ không bị mất đi và họ có cơ hội được thực hành các truyền thống, các di sản mà họ trân trọng và cảm thấy quan trọng đối với họ.

Tôi thấy Việt Nam là một xã hội rất năng động và có những thay đổi nhanh chóng về kinh tế xã hội. Ở bất cứ thời điểm nào, xã hội cũng như đang trải qua sự thay đổi này. Trong một xã hội như vậy, di sản quan trọng bởi vì nó cung cấp nền tảng, một sự ý thức về bản sắc, về sự liên tục cho cộng đồng, cho những người cần định hướng bản thân và đang tìm kiếm vị trí của mình trong xã hội.

  • Ông nghĩ thế nào về sự cần thiết của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực di sản ở Việt Nam?

Cũng như tất cả các quốc gia khác, Việt Nam phải đối mặt với nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực di sản. Nhu cầu này ngày càng trở nên cấp bách trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua những thay đổi nhanh chóng về kinh tế xã hội. Nhân sự trong lĩnh vực này cần phải có khả năng làm việc với cộng đồng nhằm bảo vệ tất cả các khía cạnh trong di sản. Việt Nam cảm thấy thiếu hụt nhân lực và chuyên gia ở lĩnh vực này là điều rất bình thường. Tôi nghĩ đó là một vấn đề phổ biến ở khắp các quốc gia trên thế giới. Quan trọng là, những người đang làm việc trong lĩnh vực này phải có kiến thức về bối cảnh trong nước và quốc tế cần cho bảo vệ di sản. Nhìn chung, việc củng cố nguồn nhân lực về di sản là rất thiết.

Thực tế là lĩnh vực di sản trên toàn cầu đang chứng kiến tầm quan trọng ngày một tăng của việc huy động sự tham gia của cộng động vào bảo vệ di sản của chính họ. Sự tham gia của cộng đồng quan trọng cho cả lĩnh vực khảo cổ, bảo tàng và chính bản thân cộng đồng đó. Cộng đồng là lực lượng tích cực và là tuyến đầu trong công cuộc chăm lo cho di sản của chính họ. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ của việc đào tạo chuyên gia và giảng viên ở lĩnh vực này giờ đây bao phủ từ giảng dạy, triển khai, định hướng cho đến hợp tác với cộng đồng. Quan điểm chuyên gia là người làm mọi thứ, nắm tất cả kiến thức và chịu trách nhiệm bảo vệ di sản đã tồn tại trong nhiều thập kỷ ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng đến nay, chúng ta biết rằng làm như vậy không hiệu quả. Bảo vệ di sản không phải là nhiệm vụ của chuyên gia, mà đó là nhiệm vụ của chính cộng đồng. Do đó, khi đào tạo những người làm trong lĩnh vực này, chúng ta cần đào tạo để họ có thể làm việc hiệu quả, kề vai sát cánh với người dân và cộng đồng địa phương. Như thế công việc bảo vệ di sản mới hiệu quả và tạo ra kết quả tích cực.

  • Ông đánh giá thế nào về tính liên ngành của di sản học và sự cần thiết của hướng tiếp cận liên ngành đối với ngành học này?

Di sản ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống, từ văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, kiến trúc, cách thức con người tạo ra nguyên vật liệu hay cách thức họ xây dựng nhà cửa. Vì vậy, người làm việc trong lĩnh vực di sản cần nhiều kỹ năng khác nhau để có thể làm việc với cộng đồng một cách hiệu quả nhằm giúp họ bảo vệ di sản của mình.

Di sản học có thể học từ rất nhiều ngành khác nhau. Đó không chỉ là nhân chủng học như ở nhiều nước hiện nay. Đó có thể bao gồm nhiều ngành như kiến trúc, môi trường, văn hóa, dân gian, khảo cổ…  Mỗi ngành, mỗi quan điểm lại mang đến một định hướng, một tập hợp các giá trị, nền tảng, giả thuyết và sự ưu việt khác cho công việc bảo tồn các di sản. Chính vì vậy, điều quan trọng là chúng ta không làm việc đơn độc. Ví dụ, là một nhà văn hóa dân gian và nhân chủng học, nhưng tôi cũng phải biết các nhà sử học đang làm gì, hiểu các nhà khảo cổ đang làm gì, cách tiếp cận của họ với một vấn đề, hay cách thức một nhà môi trường học đánh giá một tình hình cụ thể nào đó. Như tôi đã từng đề cập, tôi làm việc với người Khơ mú di chuyển từ Lào sang Việt Nam. Tôi phải học rất nhiều về cây tre, đặc điểm sinh học của cây tre bởi đó là một phần quan trọng của người Khơ mú trong việc duy trì di sản văn hóa của họ. Nhà của người Khơ mú được làm từ tre và những loại nhạc cụ của họ cũng được làm từ tre. Nếu không có cây tre, thật khó tưởng tượng đời sống của họ sẽ như thế nào. Chính vì thế, tôi phải học tên gọi khác nhau của các loài tre, vì mỗi loại tre có một đặc điểm khác nhau, tên gọi khác nhau trong tiếng Khơ mú và tiếng La tinh. Nói cách khác, tôi phải trang bị cho bản thân những kỹ năng ở các lĩnh vực rất xa với nhân chủng học và văn hóa dân gian. Đó là một trong những ví dụ cho thấy vì sao cách tiếp cận liên ngành lại rất cần thiết nếu chúng ta muốn đạt được hiệu quả trong việc giúp đỡ cộng đồng bảo vệ di sản của họ.

 

Khoa Các khoa học liên ngành là khoa trực thuộc ĐHQGHN, thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu các khoa học liên ngành, liên lĩnh vực. Hiện khoa đang được biết đến là đơn vị đào tạo uy tín các chuyên ngành mới có tính ứng dụng cao như Biến đổi khí hậu, Khoa học bền vững, Quản lí phát triển đô thị và Di sản học. Chương trình đào tạo thạc sĩ Di sản học là bước đột phá trong đào tạo về Di sản tại Việt Nam hiện này nhờ lần đầu tiên áp dụng tư duy tổng thể và cách tiếp cận liên ngành cùng với các công cụ, kỹ thuật và công nghệ hiện đại nhằm mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản bền vững.  

Video chi tiết bài phỏng vấn: https://youtu.be/1c8s3grIPls

CÁC TIN KHÁC