Cập nhật lúc 2022-02-09 07:58:43
Sáng ngày 29/04/2021, Khoa Các khoa học liên ngành (CKHLN) trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức seminar chủ đề nghiên cứu “Lượng giá di sản văn hóa vật thế, lý thuyết & nghiên cứu thực tế tại phố cổ Hội An” của TS. Bùi Đại Dũng cùng nhóm nghiên cứu. |
Buổi seminar được tổ chức bởi Khoa CKHLN và được chủ trì bởi TS. Bùi Đại Dũng, người trực tiếp báo cáo và giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của các thành viên tham dự. Seminar lần này nhận được sự quan tâm của các chuyên gia đến từ các lĩnh vực Văn hóa, Kiến trúc, Di sản, Du lịch và Kinh tế, cùng sự có mặt của đội ngũ giảng viên, chuyên viên và học viên cao học các chuyên ngành về Di sản và Quản lí phát triển đô thị tại Khoa.
Trong lời giới thiệu mở đầu buổi seminar, TS. Nguyễn Kiều Oanh – Phó Chủ nhiệm Khoa đã gửi lời cảm ơn tới TS. Bùi Đại Dũng và nhóm nghiên cứu đã mang tới một đề tài rất hay và nổi bật tính liên ngành. Việc nghiên cứu và báo cáo tại các hội nghị chuyên đề như thế này mang lại cơ hội tiếp cận tính mới trong nghiên cứu khoa học cho tất cả mọi người quan tâm, làm phong phú và dày dặn thêm các hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa cũng như nâng cao hàm lượng khoa học trong công tác chuyên môn mang tính liên ngành.
TS. Bùi Đại Dũng đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo sơ bộ về công trình của nhóm, đã được thực hiện một cách nghiêm túc, chỉn chu suốt 2 năm qua. TS khẳng định đề tài này nói riêng và các đề tài nghiên cứu khoa học nói chung đều là cơ hội tuyệt vời cho các bạn học viên đang theo học các chuyên ngành được tiếp cận với thực tế, trau dồi kỹ năng thực chiến với nghề và nâng cao khả năng nghiên cứu. TS cũng khẳng định, tính liên ngành được thể hiện rất rõ nét trong nghiên cứu này, bởi không chỉ đơn thuần là một nghiên cứu về kinh tế mà ở đây, nhóm tiếp cận tới đa lĩnh vực, sử dụng kiến thức từ nhiều nhóm ngành khác nhau nhằm giải quyết một vấn đề là lượng giá di sản vật thể, lý thuyết & nghiên cứu thực tế tại phố cổ Hội An. Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra khó khăn lớn trong quá trình nghiên cứu chính là nhìn ra được sự xung đột giữa các khối kiến thức của các ngành và phải tìm ra bằng được giải pháp để dung hòa những xung đột đó, mang lại kết quả tối ưu nhất cho nghiên cứu. Hơn thế nữa, vấn đề lượng giá về di sản này còn đang rất mới ở cả Việt Nam và trên thế giới, các nhà khoa học đều chung tay để tìm ra phương án thích hợp nhất cho việc lượng giá 1 di sản bởi tính gắn kết chặt chẽ giữa yếu tố vật thể và phi vật thể trong cùng một di sản, từ đó rất khó để chúng ta tách biệt hai yếu tố riêng để lượng giá.
Trong khuôn khổ của bài báo cáo, TS. Bùi Đại Dũng đã trình bày và lý giải một cách cặn kẽ các phương pháp, các thuật ngữ, các mô hình tính toán cũng như các công thức cụ thể cho việc lượng giá di sản vật thể, ứng dụng trong giá trị Du lịch. Từ các thông tin trên, TS đã khẳng định, để lượng giá được một di sản, các nhà nghiên cứu đã cần vận dụng tới kiến thức và công cụ đánh giá của đa lĩnh vực: Du lịch, Quản lí đô thị, Toán học, Kiến trúc, Kinh tế, Môi trường, Văn hóa… Đồng thời, TS cũng chia sẻ rất nhiều công thức, phương thức được sử dụng phổ biến trên thế giới cho hoạt động lượng giá và điều này là kho tàng quý báu cho tất cả các bạn học viên đến tham dự buổi seminar. Sau phần báo cáo của Ts. Bùi Đại Dũng, các chuyên gia lần lượt đặt các câu hỏi để cùng trao đổi lượng thông tin phản hồi tích cực từ nhiều lĩnh vực khác nhau như:
GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung, Viện nghiên cứu văn hóa đã thể hiện mối quan tâm tới tính ứng dụng của vấn đề cũng như phương pháp cụ thể để làm tăng giá trị của phố cổ Hội An trước sự đô thị hóa và thương mại hóa nhanh như hiện nay. Đồng thời, Giáo sư cũng đặt ra mối lo ngại trước vấn đề sức chứa đối với từng điểm di sản trong quá trình tiến hành lượng giá.
TS.KTS Nguyễn Quốc Tuân, Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc – công trình, Trường ĐH Phương Đông cũng chia sẻ và nêu ra những vấn đề về không gian, quy mô của Hội An, sự khó phân tách giữa yếu tố vật thể và phi vật thể của phố cổ Hội An để có thể lượng giá chính xác. Hơn nữa, cần cân nhắc giữa yếu tố mô hình biểu diễn với không gian văn hóa di sản đặc trưng để có phương pháp lượng giá sát nhất với thực tế.
Trải qua hơn 2 giờ làm việc nghiêm túc với sự chia sẻ sôi nổi đầy tâm huyết của các nhà khoa học, những câu hỏi thắc mắc từ phía học viên cũng như những trao đổi về góc nhìn từ nhiều lĩnh vực khác lĩnh vực kinh tế, seminar “lượng giá di sản vật thể, lý thuyết & nghiên cứu thực tế tại phố cổ Hội An” đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo đại biểu tham dự. Đồng thời, các nhà khoa học tâm huyết cũng rất tích cực đóng góp những thông tin hữu ích từ lĩnh vực của mình cho nhóm nghiên cứu nhằm hoàn thiện tối ưu đề tài. Buổi hội nghị chuyên đề đã khép lại với nhiều thông tin hữu ích, hàm lượng khoa học chất lượng và phong phú.
Là một hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động nghiên cứu khoa học của năm 2021, buổi seminar đã góp phần thu hút và phát triển công tác nghiên cứu khoa học tại Khoa. Hội nghị chuyên đề này cũng khẳng định, Khoa CKHLN đang từng bước nỗ lực phối hợp cùng các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu để tổ chức các hoạt động tọa đàm, hội nghị, hội thảo nhằm mang lại cơ hội tiếp cận liên ngành, liên lĩnh vực tới các nhà nghiên cứu trên cả nước.