Cập nhật lúc 2022-02-09 07:58:43
Sáng ngày 30/11/2019, Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN đã tổ chức Lễ ra mắt Chương trình Thạc sĩ Di sản học.
Tham dự Buổi lễ có TS. Frank Proschan – Chuyên gia về di sản của UNESCO tại Việt Nam, PGS.TS. Trần Hồng Hạnh – Phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung – Tổ trưởng Tổ xây dựng đề án Chương trình Thạc sĩ Di sản học, PGS. TS. Nguyễn Văn Hiệu – Phó Chủ nhiệm phụ trách Khoa và TS. Nguyễn Kiều Oanh – Phó Chủ nhiệm Khoa cùng toàn thể các nhà khoa học, các thầy cô, cán bộ nhân viên, các cựu học viên và các học viên của Khoa.
Tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu – Phó Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học liên ngành nhấn mạnh, di sản của Việt Nam vô cùng đa dạng, phong phú với nhiều loại hình di sản được công nhận ở tầm quốc tế, khu vực và quốc gia, tạo nên giá trị to lớn về tinh thần cho dân tộc và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, di sản đang đứng trước nhiều nguy cơ đến từ các vấn đề như toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường và biến đổi khí hậu. Trong khi đó, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản ở Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập và xung đột.
Để có thể phát huy các giá trị di sản theo hướng bền vững, Việt Nam cần có nguồn nhân lực chất lượng cao với tư duy và cách tiếp cận liên ngành làm việc trong lĩnh vực di sản. Sự ra đời của Chương trình đào tạo Thạc sĩ di sản học, chương trình đầu tiên ở Việt Nam đào tạo Di sản học ở bậc thạc sĩ với định hướng liên ngành, chính là cung cấp nguồn nhân lực nhân lực chất lượng cao cho xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu này.
PGS. TS Nguyễn Văn Hiệu cho biết thêm về việc Khoa Các khoa học liên ngành được Đại học Quốc gia Hà Nội giao nhiệm vụ xây dựng Đề án mở Chương trình Thạc sĩ Di sản học. Sau khi nhận được Quyết định giao nhiệm vụ của Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 1 năm 2018, Khoa đã thành lập tổ công tác xây dựng Chương trình Thạc sĩ Di sản học. Chương trình đào tạo được tiếp cận theo nhiều góc độ như khoa học tự nhiên – công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế, luật, .. nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản một cách bền vững. Nói cách khác, Chương trình được xây dựng theo mô-đun, bao phủ các khía cạnh từ Nền tảng và bối cảnh di sản, Giá trị di sản, Quản lí di sản, Chiến lược bền vững đến Thực hành di sản. Đặc biệt là, Chương trình nhấn mạnh đến tính ứng dụng thông qua việc thực tập, thực tế tại các cơ quan thực hành di sản như vườn quốc gia, bảo tàng, thư viện, ban quản lý di tích và danh thắng các cấp,… Sau gần 2 năm thực hiện xây dựng, Đề án đã được Hội đồng thẩm định cấp Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá rất cao. Ngày 29/11/2019, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký Quyết định số 3845/QĐ ban hành Chương trình đào tạo và giao cho Khoa Các khoa học liên ngành tuyển sinh và tổ chức đào tạo từ năm học 2019 – 2020.
Tiếp theo, GS. Lâm Thị Mỹ Dung – Tổ trưởng Tổ xây dựng đề án Chương trình cho hay, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển và toàn cầu hóa ngày càng gia tăng thì nhu cầu của chúng ta về phát huy các giá trị của di sản như là một nguồn tài nguyên trong phát triển bền vững cũng gia tăng theo. Tuy nhiên, trong một xã hội phát triển như thế này, các di sản chịu nhiều áp lực của việc phát triển, không chỉ di sản vật thể mà cả di sản phi vật thể – những đối tượng dễ chịu nhiều tác động tiêu cực từ bên ngoài. Nếu không bảo vệ được các di sản, chúng ta không thể phát huy được các giá trị di sản cho sự phát triển hiện nay và mai sau. Chúng ta cũng đang loay hoay với công cụ pháp lí và vai trò của cộng đồng trong bảo vệ các giá trị của di sản. Vì thế, tính cấp thiết và tầm quan trọng của việc xây dựng Chương trình này rất là rõ ràng. Chương trình được đặt tại Khoa Các khoa học liên ngành là rất hợp lí vì tại đây chúng ta huy động được rất nhiều các nguồn lực trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội (các đơn vị nghiên cứu, các cơ quan quản lý, các cơ quan thực hành di sản, …). Kết thúc bài phát biểu, GS. Lâm Thị Mỹ Dung bày tỏ mong muốn các thầy các cô, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý đã giúp đỡ trong quá trình xây dựng chương trình sẽ tiếp tục hỗ trợ Khoa trong việc vận hành tốt Chương trình này.