Phát triển hệ sinh thái đô thị biển đa chiều ở Việt Nam

Cập nhật lúc 2022-02-09 07:58:43

Sáng 04/11/2021 Khoa Các khoa học liên ngành (SIS.VNU) phối hợp cùng Viện nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững (ISSER) tổ chức Hội thảo khoa học (HTKH) trực tuyến “Phát triển hệ sinh thái đô thị biển đa chiều ở Việt Nam”.

Viện trưởng Viện nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững PGS.TS Nguyễn Hồng Thục và PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, GS.TS Trương Quang Hải đồng chủ trì Hội thảo. Chương trình phát trực tiếp trên fanpage (Facebook) chính thức của khoa Các khoa học liên ngành và nhận được nhiều sự quan tâm các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, học viên, sinh viên, khán giả trong và ngoài ĐHQGHN.

Phát biểu khai mạc HTKH, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu khẳng định mạng lưới đô thị cần xây dựng và phát triển trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế về địa lý, kinh tế, xã hội, văn hóa, đồng thời hỗ trợ phát triển vùng và địa phương. Các đô thị được phát triển theo hướng xanh, văn minh, hiện đại, kinh tế phát triển mạnh theo hướng công nghệ cao, công nghệ sạch, đồng thời giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, theo định hướng của Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Thực tế cho thấy tại các quốc gia phát triển trên thế giới, việc quy hoạch, phát triển đô thị biển luôn phải tính đến vấn đề quy hoạch không gian, công nhận và sử dụng khôn khéo các giá trị của cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên và các hệ sinh thái biển, đảo như là “nguồn vốn phát triển” dài hạn; quy hoạch và lựa chọn các kiến trúc – đô thị xanh, thông minh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp văn hóa bản địa.

Như vậy, từ định hướng của Việt Nam và thành công của các nước phát triển, có thể thấy đô thị biển cần phải là một hệ sinh thái đô thị biển đa chiều, là một bộ phận không thể tách rời của hệ sinh thái tự nhiên và xã hội.

Hội thảo khoa học có ba phiên thảo thảo luận. Phiên đầu tiên “Tầm nhìn phát triển các Cực kinh tế đô thị biển đa chiều ở Việt Nam”, tập trung làm rõ những thuận lợi và khó khăn về kinh tế của Việt Nam trong công tác phát triển đô thị biển. Giới thiệu các khung đánh giá đa chiều, công cụ quản lý tổng hợp trong phát triển mô hình đô thị biển.

Phát biểu tại phiên thứ nhất, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết:

Để đất nước mạnh giàu từ biển, hướng ra biển, dựa vào biển, vươn ra “biển lớn” thì cần xây dựng một “Mạng lưới các chuỗi đô thị biển” với các “Cực phát triển” chủ lực, có động lực lan tỏa rộng lớn và có khả năng kết nối không gian kinh tế ven biển, không gian kinh tế đảo và không gian kinh tế biển. Đô thị biển gồm có 3 kiểu: Đô thị ven biển, đô thị đảo và đô thị biển được tổ chức thành các chuỗi đô thị tương ứng. Đô thị biển không chỉ là đô thị, mà phải là một cực tăng trưởng trên không gian biển, phải là điểm kết nối các điểm cực tăng trưởng trong ba mảng không gian biển, đảo và ven biển.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi phát biểu trong hội thảo

Nếu chúng ta xây dựng được các chuỗi: đô thị ven biển, đô thị đảo, đô thị biển trong tương lai thì chắc chắn sẽ tạo ra các “lợi ích kép”, giúp tăng cường liên kết và giao thương giữa các hệ thống đảo với nhau. Các trung tâm tích tụ dân số được hình thành, tạo ra nội lực và nhu cầu tiêu thụ nội vùng, kéo theo khả năng tăng cung và đánh thức tiềm năng các vùng biển và lãnh thổ đất liền lân cận. Tạo mối liên kết đảo với bờ và bờ với biển về kết nối giao lưu kinh tế (hàng hóa, vật dụng, nhu yếu phẩm…) giữa đất liền và biển; giữa hậu phương và tiền tuyến khi xuất hiện tình huống cần thiết. Phát triển các chuỗi đô thị như vậy sẽ làm xuất hiện các động lực tương tác và tác động lan toả ra các vùng không gian biển cũng như bờ lân cận. Khi các chuỗi đô thị biển “thông minh, thích ứng” (Smart Adaptively City) hình thành sẽ kích hoạt sự phát triển hàng loạt ngành nghề mới, nhất là các dịch vụ biển, năng lượng tái tạo, du lịch, nghề cá…

Phát biểu tại Hội thảo PGS.TS Nguyễn Hồng Thục chia sẻ:

Khi đánh giá tiềm năng phát triển trong hệ sinh thái đô thị biển, cần chú ý tới việc cùng sản xuất những cấu trúc mới, hay nói là cộng sinh. Giữa dịch vụ hệ sinh thái, dịch vụ đô thị và dịch vụ du lịch, … phải cùng phát triển, cùng cộng sinh, để cùng sản xuất mô hình giá trị gia tăng cao nhất. Kinh tế biển là một chùm quan hệ, chùm tương tác, liên kết với các đô thị biển.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục phát biểu trong hội thảo

Phiên đầu tiên của hội thảo bàn về vấn đề kinh tế, thì phiên thứ hai “Hệ sinh thái tự nhiên- xã hội trong phát triển đô thị biển đa chiều” mở ra cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và khán giả góc nhìn nhiều chiều về tác động tới xã hội của hệ sinh thái đô thị biển. Cụ thể, hai tham luận của TS. Nguyễn Ngọc Hiếu và PGS.TS Lưu Thế Anh đã giải đáp những thắc mắc về việc cân bằng giữa xây dựng đô thị biển và bảo tồn hệ sinh thái, tài nguyên biển tại Việt Nam.

Tham luận của PGS.TS Lưu Thế Anh đưa ra ước tính giá trị của dịch vụ sinh thái khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

Thứ nhất là dịch vụ cung cấp, với tiềm năng cung cấp các sản phẩm từ thiên nhiên như gỗ, dược liệu, muối thành phẩm, dừa nước, nuôi Yến, nguồn lợi thuỷ sản, nguồn lợi ven biển.

Thứ hai dịch vụ văn hoá, chú trọng du lịch sinh thái và giải trí, du lịch đường sông; du lịch sinh thái biển; du lịch sinh thái RNM; du lịch sinh thái nông nghiệp; du lịch hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa, tín ngưỡng và giáo dục. Ước tính  lương khách du lịch có thể đón 1,2 – 1,5 triệu lượt người/năm. Dự báo đến năm 2030 khoảng 10 triệu lượt người/năm.

Thứ ba dịch vụ điều tiết, cung cấp khí Ohấp thụ CO2 và lưu trữ các bon: RNM Cần Giờ có năng lực hấp thụ khoảng 32.446,44 tấn CO2/ngày và tạo ra 23.685,9 tấn O2/ngày. Tương ứng giá trị giao dịch tín chỉ các bon khoảng 2.169 tỷ đồng/năm. Dịch vụ lọc nước và hấp thu các chất độc hại, chất ô nhiễm vùng cửa sông ven biển, đồng thời, với chức năng tuyệt vời của hệ thống rễ cây có khả năng lưu giữ các kim loại nặng và các chất ô nhiễm khác. Hệ thống cây và rễ cây chằng chịt của RNM góp phần điều tiết lưu lượng nước và dòng chảy, tạo điều kiện thuận lợi cho trầm tích lắng đọng, bồi lắng phù sa mở rộng đất đai. Hệ thống này cũng góp phần quan trọng hạn chế nguy cơ xói lở bờ sông, bờ biển, phòng hộ và bảo vệ các công trình trên đất liền, ven biển nhờ chức năng làm giảm đến 50% năng lượng sóng và đến 95% chiều cao sóng khi vào bờ.

Trong phiên thảo luận “Hệ sinh thái đô thị biển đa chiều- Di sản và các mô hình phát triển””, các tham luận của TS.KTS Vũ Hoài Đức, NCS.KTS. Phạm Thị Nhâm, ThS. KTS. Nguyễn Xuân Anh đã khắc hoạ một cách cụ thể bức tranh di sản, văn hoá, những vùng đô thị ven biển nước ta từ miền Bắc tới miền Nam. Mỗi một đô thị biển được xây dựng cần gắn liền với đặc thù của từng địa phương, gìn giữ nét đặc trưng riêng có liên hệ và chịu tác động với văn hóa bản địa và vùng. Phát triển nhìn nhận đồng thời đến yếu tố văn hóa, đặc biệt là khai thác các địa điểm văn hóa – lịch sử trong khu vực và vùng không chỉ thúc đẩy phát triển du lịch, mà còn tạo nên sự phát triển hài hòa, bền vững an toàn.

Hội thảo “Phát triển hệ sinh thái đô thị biển đa chiều ở Việt Nam” đã nhận được sự quan tâm của hơn 150 khán giả, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học đã tham gia trực tuyến. Nhiều câu hỏi được gửi về xoay quanh một số vấn đề như: chiến lược tầm nhìn kinh tế biển phát triển bền vững như thế nào; quy hoạch chức năng không gian biển, quy hoạch sử dụng biển, kĩ thuật cảng, sinh thái biển, hoá học biển…; mối quan hệ hài hoà giữa bảo tồn và phát triển kinh tế biển. Các câu hỏi đã được chuyên gia của từng mảng trả lời và giải thích rõ ràng.

Tổng kết Hội thảo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi khẳng định việc phát triển đô thị biển ở Việt Nam với các chuối đô thị ven biển, chuỗi đô thị đảo, và trong tương lai là chuỗi đô thị nổi, có những vấn đê cần làm ngay, và có những vấn đề cần tiếp tục phát triển. Tuy nhiên khi đặt vấn đề phát triển đất nước bền vững, ổn định lâu dài, cần ưu tiên những giải pháp, hành động phù hợp với yêu cầu chung thuận theo bối cảnh toàn cầu. Vai trò của Biển Đông là hết sức chiến lược.

Trên cơ sở đó, hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng phát triển đô thị biển như một phương thức tiếp cận nhằm giải bài toán phát triển bền vững kinh tế biển gắn với chủ quyền an ninh biển đảo. Từ đó gợi mở, thảo luận, xác định nhận diện đô thị biển của chúng ta dưới tư cách một hệ sinh thái. Khi đã là một hệ sinh thái thì bản thân nó đã phải đa chiều, bởi hệ sinh thái bao giờ cũng phải được tồn tại một cách bền vững nhờ sự liên kết bên trong đô thị. Một đô thị có thể phát triển được cần dựa vào kinh tế đô thị, mà kinh tế này có phát triển được hay không là nhờ vào sự liên kết giữa đô thị này với các đô thị khác hoặc không gian lân cận.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đề cao hai yếu tố con người – tự nhiên. Hai yếu tố này cần hài hòa, hỗ trợ đắc lực cho nhau. Những giá trị tự nhiên là sẵn có, và nhớ công sức của con người mà chuyển biến những lợi thế tự nhiên thành giá trị đem lại lợi ích cho cả một quốc gia, cộng đồng và xã hội.

Hội thảo đã khép lại thành công tốt đẹp sau hơn 4 giờ làm việc tập trung, nghiêm túc và chất lượng, đưa khán giả tiếp cận với nhiều thông tin hữu ích với hàm lượng khoa học cao, các định hướng cũng như các giải pháp đề xuất cho từng vấn đề còn tồn đọng. Sự thành công của hội thảo mở ra hướng phát triển vững chắc hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như định hướng đào tạo của Khoa trong tương lai.  

CÁC TIN KHÁC