Cập nhật lúc 2024-12-17 00:00:00
Bài viết của sinh viên Lý Tư Lâm, sinh viên Học viện Bách Sắc, Quảng Tây, Trung Quốc chia sẻ về mùa thu Hà Nội trong quá trình học tập tại Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đai học Quốc Gia Hà Nội:
Có câu nói: “Người nay chẳng thấy trăng xưa, Trăng nay soi rọi người xưa tinh tường”. Tôi là một sinh viên học chuyên ngành Tiếng Việt (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội), khi đến Hà Nội, tôi muốn cảm nhận nét riêng của thành phố xinh đẹp này. Tôi ấp ủ kế hoạch khám phá những không gian nhuốm màu lịch sử để hiểu và yêu hơn mảnh đất mà từ khi bước chân vào Học viện Bách Sắc, ngày nào chúng tôi cũng hướng đến.
Hà Nội là một thành phố chứa đựng những câu chuyện của riêng mình, có quá nhiều bí ẩn và kì diệu chờ đón những bước chân của chúng tôi.
Văn miếu Quốc Tử Giám nhuốm màu thời gian
Khi bước chân trên con đường đá vào Văn miếu Quốc Tử Giám, chạm ánh mắt vào những viên ngói cổ kính ngày xưa, tôi như nhìn thấy hành trình học hành khó nhọc và thú vị của những trí thức ngày xưa. Mỗi sĩ tử mang trong mình không chỉ ước mơ của cá nhân mà còn gánh trên vai những kì vọng mãnh liệt của gia đình, dòng họ. Dù lần đầu tiên đặt chân đến nơi đây, nhưng những văn bia nơi đây thật quen thuộc biết mấy. Những dòng chữ đầy thông điệp, tái hiện lấp lánh những tinh hoa của tri thức thời phong kiến khi xưa.
Khi Hà Nội chìm trong màn đêm, chúng tôi dạo qua những con phố cổ kính và bước vào Nhà Thờ Lớn uy nghiêm và trang nhã. Những giao thoa của đức tin, tôn giáo và tín ngưỡng Đông – Tây dệt nên một bức tranh kiến trúc Hà Nội độc đáo. Sự hiện hữu của những mảng màu, những không gian vừa trầm mặc vừa sôi động như nói với chúng tôi những câu chuyện của hàng trăm, hàng nghìn năm trước….
Nhờ Thờ Lớn uy nghiêm và trang nhã
Chúng tôi đã đến Bảo tàng Dân tộc học, khám phá những dân tộc sinh sống ở Việt Nam, thật đa dạng và phong phú. Chúng tôi được chứng kiến những nét đặc trưng khác nhau của các dân tộc thiểu số Việt Nam từ miền Bắc đến miền Nam, thăm những căn phòng có phong cách hoàn toàn khác nhau và cuộc sống chân thực của các dân tộc như tái hiện ra trước mắt... Mỗi bước chân đi là những chân trời mới, vô cùng náo nức và hấp dẫn. Những gì được trưng bày ở đây là những câu chuyện sâu sắc của những giai đoạn văn hóa khác nhau trong quá khứ, một sự kết nối vi diệu giữa truyền thống và hiện đại. Tuy chưa hiểu hết được ý nghĩa của từng chi tiết, nhưng sự hấp dẫn và cuốn hút kích thích chúng tôi, tôi thực sự muốn khám phá nhiều hơn về đất nước xinh đẹp này.
Bảo tàng Dân tộc học rất thú vị
Mỗi tuần ở Hà Nội, tôi cố gắng sắp xếp để thực hiện những chuyến đi ngắn, mỗi ngày khám phá thêm những nét văn hóa độc đáo của Việt Nam. Mỗi bước chân đi, tôi cảm nhận sâu sắc hơn trí tuệ và sự sáng tạo của người dân Việt Nam. Tôi thấy mình thật may mắn khi biết đến tiếng Việt, nhờ tiếng Việt tôi đã có cơ hội biết đến một chân trời mới, với những hứa hẹn về kiến thức mới, cơ hội mới, vòng tay mới... Tôi tự hào là người nước ngoài, một sự hiện hữu bé nhỏ, góp phần cho việc trao đổi văn hóa của Trung Quốc - Việt Nam được thuận lợi và tốt đẹp hơn.
Lý Tư Lâm, sinh viên Học viện Bách Sắc, Quảng Tây, Trung Quốc