Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật giai đoạn 2020-2025: Từ xác lập vị trí đến thành tựu bước đầu

Cập nhật lúc 2025-04-09 00:00:00

1. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ lâu luôn được xem là một bộ phận cơ hữu, không thể tách rời khỏi sự phát triển của một cơ sở giáo dục đại học. Không chỉ là nền tảng để nâng cao chất lượng đào tạo, khoa học và công nghệ còn thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, góp phần khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, gắn kết vai trò xã hội thông qua mạng lưới chuyển giao, trở thành cầu nối quan trọng giữa lý thuyết hàn lâm và nhu cầu thực tế, đóng góp tích cực vào giải quyết các vấn đề xã hội. Bên cạnh đó, khoa học và công nghệ cũng trở thành tiêu chí quan trọng để xếp hạng đại học, hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực chất lượng, đồng thời thúc đẩy hội nhập quốc tế. Đặc biệt trong thời gian gần đây, tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII đã thể hiện quyết tâm cao độ và đồng thời xác định phát triển khoa học công nghệ trở thành nhiệm vụ then chốt và mang tính quyết định trong việc tạo ra sự bứt phá về phát triển của quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi và hội nhập quốc tế. Điều đó cũng đồng thời đặt lên vai hệ thống các cơ sở giáo dục đại học, với tư cách là những trung tâm có đội ngũ trí thức và chuyên gia khoa học khoa học công nghệ trách nhiệm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu sáng tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước. 

2. Mặc dù là một cơ sở mới tổ chức thực hiện hệ thống đào tạo ở cả ba bậc học trong Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như sự hạn chế về nguồn lực song có thể thấy trong giai đoạn 2020-2025, hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Khoa Các khoa học liên ngành (nay là Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật) đã có sự phát triển vượt bậc, bước đầu khẳng định bản sắc riêng, thể hiện uy tín và ảnh hưởng xã hội của đơn vị. Xét một cách tổng thể, những thành tựu lớn về hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của nhà trường được thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau đây:

Sự gia tăng vượt trội về số lượng và đa dạng về loại hình của các sản phẩm khoa học công nghệ đặc biệt là số lượng công bố quốc tế: Trong giai đoạn 2020 - 2025, đội ngũ cán bộ khoa học đã công bố 154 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học có uy tín quốc tế trong đó trong đó hơn 60% là các bài thuộc nhóm Q1, Q2; gần 100 các bài báo thuộc hệ thống các tạp chí uy tín trong nước, 01 sách chuyên khảo thuộc các nhà xuất bản có uy tín trên thế giới, 02 bằng giải phải pháp hữu ích và 05 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ được chấp nhận đơn. Đặc biệt, số lượng bài báo quốc tế được công bố trong năm 2024 là 70 bài, gấp 70 lần so với số lượng công bố năm 2020 và chiếm gần 50% tổng số bài báo quốc tế được công bố trong nhiệm kỳ. Các con số thống kê cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng công bố quốc tế hàng năm của nhà trường luôn đạt 200%. Đặc biệt hơn nữa là từ một đơn vị luôn nằm ở nhóm dưới về công bố quốc tế, trong khoảng hai năm trở lại đây, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật luôn nằm trong nhóm 10 đơn vị dẫn đầu về công bố quốc tế của Đại học Quốc gia Hà Nội. Tất cả những điều này không chỉ chứng minh cho sự nỗ lực vượt bậc của tập thể cán bộ nhà trường mà còn cho thấy tiềm năng của một đội ngũ các nhà khoa học giàu khát vọng cũng như có khả năng tạo ra nhiều sản phẩm khoa học công nghệ chất lượng cao.

Bước đầu hình thành một thể chế và môi trường nghiên cứu thu hút nhiều nguồn lực phát triển khoa học công nghệ và sự tham gia của đông đảo giảng viên, sinh viên: Hệ sinh thái về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật được phát triển trên nền tảng các nhóm nghiên cứu mạnh, các hoạt động trao đổi học thuật, các chương trình và dự án nghiên cứu khoa học công nghệ của giảng viên và hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Đối với việc phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, từ rất sớm trong đội ngũ các giảng viên , nhà khoa học của nhà trường đã tự ý thức hình thành lên các nhóm nghiên cứu trên cơ sở có sự liên kết với các chuyên gia, đơn vị trong nước và quốc tế rộng lớn, nhằm khai thác triệt để các nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo tại nhà trường. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian khá ngắn, nhà trường đã xây dựng thành công 04 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN, 03 nhóm nghiên cứu mạnh cấp trường, và 02 phòng thí nghiệm chuyên ngành. Đây là các tổ chức và lực lượng chính tạo ra các sản phẩm khoa học có giá trị, đồng thời thu hút một số lượng kinh phí đầu tư đáng kể thông qua các dự án đề tài/nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp. 

Trong giai đoạn 2020 - 2025, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật đã được nhận đầu tư, đặt hàng thực hiện 26 nhiệm vụ khoa học công nghệ với tổng kinh phí là 38.7 tỷ đồng trong đó chủ yếu là nguồn ngân sách từ các dự án chuyển giao khoa học công nghệ với các bộ ngành, chính quyền địa phương và nguồn ngân sách xã hội hóa. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã tổ chức gần 10 hội thảo có quy mô lớn, hàng trăm tọa đàm khoa học về các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, đặc biệt là các chủ đề về di sản, công nghiệp văn hóa, sáng tạo và nghệ thuật, trở thành diễn đàn học thuật quan trọng cho các nhà khoa học, nghiên cứu sinh ở trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội quan tâm tham dự. 

Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên dù mới được triển khai từ năm 2022 song đã thu hút hàng trăm sinh viên tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu hằng năm; góp phần hỗ trợ hoạt động đào tạo và nâng cao năng lực tự nghiên cứu cho sinh viên. Trung bình hàng năm, khoảng 12% số sinh viên của trường đã tham gia và triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học trong đó từ năm 2023 đến nay có nhiều nhóm nghiên cứu khoa học sinh viên đã đạt nhiều giải cao khi tham gia xét chọn, đánh giá các giải thưởng nghiên cứu nghiên cứu khoa học sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội và quốc gia. Bên cạnh đó, các hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên của nhà trường còn được thực hiện đồng thời gắn liền với việc liên kết chuyển giao với các doanh nghiệp. Một số sản phẩm thiết kế của sinh viên đã được ký kết hợp đồng mua bản quyền bởi các đối tác của nhà trường. Triết lý “liên ngành và đồng hành cùng doanh nghiệp” không chỉ là mong muốn mà còn là kim chỉ nam trong các hoạt động đào tạo sinh viên. Ngoài ra, các triển lãm nghệ thuật do nhà trường tổ chức cũng như các triển lãm cá nhân của giảng viên hoặc do giảng viên làm giám tuyển đã trở thành những sản phẩm khoa học đặc sắc, khẳng định bản sắc riêng biệt của Nhà trường trong hệ thống các đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Xác lập ảnh hưởng xã hội và vai trò phục vụ cộng đồng: Mặc dù kết quả hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo do các nhà khoa học và sinh viên có quy mô chưa lớn so với các đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học có truyền thống nhưng bước đầu đã có có những đóng góp và ảnh hưởng trong xã hội với các tư vấn chính sách và phục vụ cộng đồng; xác lập vai trò của nhà trường trong nghiên cứu khoa học hướng tới khả năng ứng dụng, đáp ứng nhu cầu xã hội. Về tư vấn chính sách, các dự án “Xây dựng hồ sơ nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng” trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại và Đề án “Lượng giá giá trị kinh tế di sản Quần thế danh thắng Tràng An” do nhà trường là đơn vị chủ trì đã và đang cung cấp các định hướng giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở tầm địa phương và quốc gia. Về phục vụ cộng đồng, nhà trường đã đóng góp tích cực vào việc triển khai nhiều hoạt động trong Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội giai đoạn 2022 - 2024; trong đó các hoạt động như triển lãm nghệ thuật “Dòng chảy kết nối” tại Hòa Lạc trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm Ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN (10/12/1993 - 10/12/2023); triển lãm “Cảm thức Đông Dương” nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 đã thu hút hàng vạn người tham quan, được chính quyền và nhân dân thủ đô Hà Nội ghi nhận.

3. Rõ ràng, có thể nói hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là một phần quan trọng góp phần thúc đẩy và phát triển các chương trình đào tạo, từng bước xác lập uy tín chuyên môn của nhà trường trong hệ thống các cơ sở đào tạo trong Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như các đơn vị đào tạo và nghiên cứu về khoa học liên ngành, công nghiệp văn hóa sáng tạo và nghệ thuật trên phạm vi cả nước. Điều này có được là nhờ sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường trong việc không ngừng tăng cường đội ngũ chuyên gia khoa học có trình độ chuyên môn cao, giàu khát vọng cống hiến đồng thời có định hướng phát triển kịp thời các nhóm nghiên cứu theo các thế mạnh chuyên môn khác nhau, có chính sách khuyến khích phù hợp, phát huy tối đa năng lực của từng giảng viên, nhà khoa học trong các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của Đại học Quốc gia Hà Nội, sự tin tưởng của các đơn vị quản lý khoa học và công nghệ và khát vọng tạo nên một môi trường nghiên cứu khoa học tự do và khai phóng đã trở thành điều kiện lý tưởng và là địa điểm tiếp thêm sức mạnh để các nhà khoa học có thể cống hiện và bước đầu xây dựng vị thế khoa học của Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật trong hệ thống các cơ sở đào tạo về sáng tạo và nghệ thuật tại Việt Nam.

Tuy nhiên trong chặng đường phát triển vừa qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau, các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của nhà trường cũng không tránh khỏi hạn chế đặc biệt khi phải đối mặt với hàng loạt thách thức về nguồn lực, sự khó khăn khi đồng thời phải tổ chức các hoạt động chuyển đổi về hành chính, sự đa dạng trong các lĩnh vực chuyên môn đào tạo và nghiên cứu. Hệ quả tất yếu là các hoạt động khoa học công nghệ thiếu sự đồng bộ, các kết quả cao chủ yếu là sản phẩm của một số các nhà khoa học xuất sắc, các hoạt động đổi mới sáng tạo mới chỉ tập trung ở bề nổi mà chưa có chiều sâu, tính quốc tế hóa trong các hoạt động sáng tạo chưa cao; đặc biệt là thiếu đi tính bản sắc riêng của nhà trường. Tất cả những hạn chế này đòi hỏi tập thể cán bộ giảng viên và nhà khoa học của nhà trường trong thời gian tới có một định hướng phát triển hợp lý cùng với đó là tinh thần đoàn kết, nhất trí để hướng tới xây dựng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật trở thành một cơ sở giáo dục uy tín về các lĩnh vực sáng tạo, góp phần đưa lĩnh vực nghệ thuật của Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp hạng cao trong các danh sách xếp hạng đại học trên thế giới. Với những nền tảng đã có cùng một triết lý giáo dục gắn với “tư duy liên ngành – tinh thần khai phóng – tầm nhìn toàn cầu”, chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng rằng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật sẽ tạo nên những bước đột phá mới, tạo ra một nhiệm kỳ chuyển mình của nhà trường gắn với vận mệnh chuyển mình của dân tộc.

CÁC TIN KHÁC