Cập nhật lúc 2024-11-15 00:00:00
Di sản tư liệu mộc bản tại Việt Nam có giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa đặc biệt. Ngoài giá trị về mặt sử liệu, còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác. Với mong muốn quy tụ các nhà nghiên cứu, học giả, và chuyên gia chia sẻ những nghiên cứu mới nhất, thảo luận về các vấn đề liên quan đến Mộc bản, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật tổ chúc Hội thảo khoa học quốc tế “Mộc bản – Từ di sản đến công nghệ” từ ngày 26 đến ngày 27 tháng 11 năm 2024.
Hội thảo sẽ là cơ hội để kết nối các tổ chức, viện nghiên cứu, và cá nhân có cùng mối quan tâm về di sản tư liệu mộc bản cùng nhau chia sẻ hiểu biết về giá trị lịch sử, văn hóa, và nghệ thuật của Mộc bản, từ đó thúc đẩy hợp tác trong các dự án bảo tồn và phát huy giá trị Mộc bản.
Nghề in khắc mộc bản du nhập Việt Nam có từ thế kỷ 11. Khi Phật giáo trở thành quốc giáo vào thời Lý, Trần, nghề in khắc mộc bản cũng phát triển mạnh mẽ để in kinh Phật phục vụ các tầng lớp xã hội. Mộc bản vốn được dùng chủ yếu để in các văn bản tôn giáo như kinh Phật, hay các Huấn thị của Nho giáo, và cả bùa chú, sớ điệp của Lão giáo. Các mộc bản để in sách hiện được lưu trữ tại các điểm thờ tự, tổ đình Phật giáo, và các trung tâm lưu trữ.
Từ việc dùng mộc bản chủ yếu để in sách, nghề in khắc mộc bản phát triển đa dạng hơn rồi đạt đến đỉnh cao với loại tranh khắc gỗ in màu như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống.. Mỗi loại tranh có những đặc trưng riêng, tựu lại đều thể hiện sự tài hoa của nghệ nhân để phản ảnh cuộc sống hàng ngày, các sự kiện lịch sử và truyền thuyết.
Di sản mộc bản là một trong những loại hình di sản tư liệu mang nhiều giá trị cả ở góc độ vật thể và phi vật thể. Một số di sản mộc bản quý của Việt Nam đã được Unesco ghi danh như Mộc bản triều Nguyễn (1802-1945), Mộc bản kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm... Di sản mộc bản không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, tôn giáo, mà còn là hình thức lưu giữ và trao truyền các hệ thống giáo lý, văn hóa, tinh thần cũng như triết lý của Phật giáo tại Việt Nam. In khắc mộc bản còn là tri thức dân gian của thợ thủ công, của làng nghề từ việc chế tác mộc bản (chọn gỗ, xử lý gỗ, viết chữ, khắc chữ, khắc trang trí) đến việc trao truyền tri thức của nghề cho thế hệ sau. Di sản tư liệu từ mộc bản góp phần lưu giữ các ký ức về đời sống của người dân, các sự kiện lịch sử, truyền thuyết dân gian.
Nghề in mộc bản bị suy giảm nghiêm trọng do sự phát triển của kỹ thuật in ấn hiện đại, vì vậy nghiên cứu việc bảo tồn vào phát huy di sản mộc bản là thực sự cần thiết nhằm góp phần giới thiệu các giá trị văn hóa, lịch sử từ nguồn tư liệu này. Ngoài ra, đó cũng là một cách để giới thiệu tri thức dân gian của người thợ thủ công, của làng nghề khi đối mặt với nguy cơ mai một và không còn được trao truyền nữa.
Hội nghị Quốc tế về In mộc bản nhằm mục đích quy tụ các học giả, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nghệ nhân và những người đam mê văn hóa từ khắp nơi trên thế giới cùng thảo luận về truyền thống in mộc bản phong phú ở Việt Nam và những giá trị của di sản tư liệu này.
Ngoài các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, hội thảo còn hướng tới việc giáo dục cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, về tầm quan trọng của Mộc bản trong lịch sử và văn hóa Việt Nam. Hội thảo sẽ đóng góp vào việc xây dựng các chiến lược và chính sách cụ thể nhằm bảo tồn Mộc bản, đồng thời khai thác giá trị của nó trong phát triển du lịch và văn hóa.
Với mục đích này, hội thảo sẽ tập trung thảo luận các vấn đề chính sau:
- Lịch sử phát triển của nghề in mộc bản tại Việt Nam.
- Giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo của di sản tư liệu từ mộc bản.
- Những tri thức dân gian của người thủ công, của làng nghề.
- Vai trò của cộng đồng trong việc gìn giữ và trao truyền nghề in mộc bản.
- Vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy di sản mộc bản.
- Các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản mộc bản.
CÁC TIN KHÁC