Di sản học: Nhu cầu đời sống và hướng đi mới của khoa học liên ngành

Cập nhật lúc 2022-02-09 07:58:43

Hình ảnh đương hiện của mỗi quốc gia được hình thành nên từ muôn vàn con sóng thời gian, một trong những con sóng lừng đó được lưu giữ trong ký ức của quốc gia đó chính là di sản.

Dân tộc “cường ký” nhờ di sản

Trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã lưu giữ ký ức lịch sử của mình trong một khối lượng di tích đáng kể, với khoảng 4 vạn di tích đã được kiểm kê, trong số đó, gần 1 vạn di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố; 3.463 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 95 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt; 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới được UNESCO ghi danh. Ở nơi đâu trên đất nước Việt Nam cũng đều có thể nghe tiếng vọng của quá khứ qua những di tích. Đó là thủ đô với Hoàng thành Thăng Long qua dâu bể thời gian của biết bao triều đại hiển hách của Đại Việt làm nên những trầm tích văn hóa của mảnh đất ngàn năm văn vật; đó là cố đô Huế với những chứng tích trầm mặc mà kiêu hãnh viết vào thời gian tình yêu, trí tuệ và sự kiên cường của các bậc vua chúa, trung thần và con dân nước Việt tạo dựng, xây đắp và chiến đấu cho độc lập và bản sắc văn hóa của đất nước trong nhiều thế kỷ; đó là quần thể di tích Óc Eo mà các thế hệ tiền nhân đã dày công khai mở và tạo dựng nên một hệ thống cảng thị, một hệ thống đền đô, một không gian chính trị-văn hóa-thương mại, làm nên chiều sâu thăm thẳm hàng thiên niên kỷ cho đất nước Việt Nam. Và còn biết bao giai đoạn văn hóa với những chứng tích thể hiện dấu ấn sáng tạo của người Việt Nam, định hình lãnh thổ, định vị căn cước văn hóa của lịch sử dải đất hình chữ S này trong lịch sử khu vực và thế giới: rìu đá An Khê, rìu đá Bắc Sơn, trống đồng Đông Sơn, thạp đồng Đào Thịnh, đồ trang sức của văn hóa Sa Huỳnh, Đồng Nai, Óc Eo; biết bao thành quách và đền chùa, miếu mạo, nhà thờ…được bền bỉ dựng xây trong suốt quá trình con người cộng cư trên mảnh đất này…

Với một số lượng lớn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như vậy, có thể nói, Việt Nam là một dân tộc “cường ký” (sức nhớ lâu bền); hơn nữa, những biểu hiện của ký ức dân tộc lại đang hiện hữu sống động trong đời sống đương đại thông qua di sản, qua thực hành của con người đương đại nên ở đây truyền thống đang hòa quyện với hiện tại, các thế hệ nối tiếp chung tay xây dựng đất nước, làm nên văn hóa của đất nước này đang hợp lực cùng nhau viết nên một bản sắc Việt Nam.

Nguồn lực nội sinh phát triển đất nước

Văn hóa được coi là một nguồn lực để phát triển đất nước đã được xác định từ lâu. Luật Di sản Văn hoá Việt Nam khẳng định ″Di sản văn hoá Việt Nam là một bộ phận của Di sản văn hoá nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta″. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCHTW Đảng khoá VIII đã xác định 10 nhiệm vụ về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, Nhiệm vụ thứ 4 là bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá: ″Di sản văn hoá là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hoá″; Quan điểm về “văn hóa là nguồn lực nội sinh phát triển đất nước” đã được xác định trong Nghị quyết 9 Hội nghị Trung ương 9 Khóa XI và được nhắc lại trong các văn kiện Đại hội XII của Đảng: “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh(1).

Không chỉ vậy, di sản đã trở thành tài sản vật chất đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước và trở thành một thành tố quan trọng của ngành công nghiệp sáng tạo (công nghiệp văn hoá). Chỉ từ năm 2014 đến 2015 ngành du lịch đã đóng góp 6% GDΡ của cả nước, trong đó phải kể đến vai trò chủ đạo của các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên ở Việt Nam. Theo thống kê, năm 2017, khách du lịch quốc tế và du khách trong nước tới tham quan các khu di sản ở Việt Nam tăng mạnh. Chỉ riêng 08 khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam đón trên 16 triệu lượt khách (trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế), với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng 2.535 tỷ đồng.

Từ việc nhận diện đúng đắn vai trò và giá trị di sản, yêu cầu của việc nghiên cứu chuyên sâu để góp phần tổ chức thực hành di sản, giúp cho giá trị di sản trở nên hữu dụng, đáp ứng nhu cầu xã hội và phát triển bền vững là vô cùng cấp thiết nhằm tạo lập sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.

Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Internet

 

Bài toán bảo tồn và phát triển

Tuy nhiên, kho tài nguyên quý giá này ở Việt Nam đã và đang hao hụt và mất mát đi nhiều do các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Di sản “bị thương” trong chiến tranh chưa kịp phục hồi thì lại phải đứng trước thử thách của công cuộc hiện đại hóa. Không thể khác đối với mọi quốc gia: các khu công nghiệp được khởi công, các khu đô thị mọc lên, các xa lộ được mở ra…và dưới lòng đất là các di sản đã nhiều năm rơi vào quên lãng, trên mặt đất là các phế tích còn chưa kịp phục hồi. Bài toán bảo tồn và phát triển quả là đã và đang đặt ra biết bao thách đố cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và cộng đồng sở hữu di sản. Chỉ có một số bài toán tìm ra được cách thức giải quyết hài hòa như việc xây Nhà Quốc hội trong lòng di sản và bên cạnh Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long – đã được UNESCO vinh danh vào tháng 9 năm 2010. Tuy nhiên, còn biết bao di sản đang đứng trên bờ vực mất mát chưa tìm được lời giải, mà mới nhất là khu di tích Vườn Chuối có niên đại tới 3.500 tuổi với nhiều di vật, mộ táng chứng minh sự có mặt của người Việt cổ thời tiền sử đang lên tiếng kêu cứu trước nguy cơ bị xóa sổ (2) do đường vành đai 3,5 đang thi công chuẩn bị san ủi. Những bài toán loại này xuất hiện ở nhiều nơi trên đất nước ta, với tần số ngày càng dày theo với tốc độ đô thị hóa và công cuộc hiện đại hóa. Đó mới chỉ là trường hợp tiêu biểu gần đây, ngoài ra vẫn còn nhiều các di sản văn hóa phi vật thể mà quốc gia và cộng đồng đang chung tay gìn giữ nhưng chưa thể bảo vệ triệt để.

Từ thực trạng này, vấn đề giữ lại những di sản nào, bảo tồn các hạng mục nào để hài hòa giữa bảo tồn và phát triển đang đặt ra cấp thiết đối với các nhà nghiên cứu, quản lý và những chủ thể thực hành di sản.

Những thách thức phi truyền thống

Bên cạnh đó, còn rất nhiều thách thức phi truyền thống mới nổi.

Thứ nhất, đó là tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một nhanh, ngày một trầm trọng, ngày một khó lường. Chỉ mới cuối tháng 11 năm 2019, Italia đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp đối với Venice, một thành phố di sản thế giới do hậu quả của nước biển dâng cao nhất trong vòng 50 năm qua, có nguy cơ nhấn chìm các di sản văn hóa của thành phố này. Đồng bằng sông Cửu Long, và có thể cả thành phố Hồ Chí Minh, đang đứng trước nguy cơ biến mất vào năm 2030. Lũ quét, nắng hạn, bão tố đang ngày một dày hơn. Các di sản vốn mong manh trước sự tàn phá của thời gian và bao nhiêu thử thách khác, cần được bảo tồn như thế nào trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay?

Thứ hai, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra một cách hết sức nhanh chóng. Hoạt động mạnh mẽ của các tập đoàn lớn với những dự án quy mô “khủng” đang hàng ngày hàng giờ làm đau đầu các nhà quản lý di sản và các cộng đồng sở hữu di sản. Sự đánh đổi di sản cho phát triển, trong nhiều trường hợp, là không thể tránh khỏi.

Thứ ba, việc quản lý di sản một cách thiếu chuyên nghiệp, thiếu kiến thức chuyên môn tồn tại nhiều năm qua, đang đứng trước những thách thức nghiệt ngã. Để vượt qua nó, cần có một đội ngũ thực hành công tác di sản có chất lượng cao, mà không có lựa chọn nào khác ngoài sự trang bị kiến thức chuyên ngành và những trải nghiệm trong hoạt động thực tiễn.

Thực thế này đặt ra nhu cầu của đời sống về việc đào tạo một nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác di sản. Đó là hướng đi mà chương trình Di sản học của Khoa các Khoa học liên ngành đang hướng tới.

Khai quật tại di chỉ Vườn Chuối. Ảnh: Nguyễn Văn Thắng.

 

Tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu di sản

Di sản vốn là kết quả của sáng tạo người dân từ nhiều góc độ: kiến trúc, hội họa, âm nhạc, thư tịch, ngôn ngữ,…nói cách khác, là kết quả của một sáng tạo liên ngành. Nghiên cứu nó, đương nhiên là cần có một tiếp cận liên ngành, tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, đào tạo nhân lực cho di sản đang được tiến hành theo hướng đơn ngành. Có khoảng 15 trường có các chương trình đào tạo về bảo tồn, bảo tàng, quản lí nhà nước về văn hoá hoặc đào tạo chuyên sâu về một loại hình di sản, một số kỹ năng làm việc với di sản … nhưng mới thiên về từng khía cạnh của di sản.

Nguồn nhân lực trong hoạt động di sản ở Việt Nam còn thiếu hụt về số lượng và hạn chế về chất lượng, dẫn đến tình trạng thiếu chuyên nghiệp trong công tác quản lí, thực hành và nghiên cứu di sản. Chính vì lẽ đó, công tác quản lí, bảo tồn và phát huy di sản hiện nay thường được tiếp cận phân mảnh, tiến hành theo từng công đoạn, từng lĩnh vực, ở đó, di sản chưa được coi là một tổng thể toàn diện trong mối tương quan của nhiều ngành, nhiều phương diện. Sự tách rời trong hoạt động nghiên cứu và thực hành của người làm kiến trúc, người khai quật khảo cổ học, người làm bảo tồn hay người làm công tác quản lí đã có các tác động mang tính cục bộ lên di sản làm ảnh hưởng nguy hại tới tính bền vững của di sản.

Trong khi đó, mọi thay đổi xã hội từ vi mô đến vĩ mô đều có tác động mạnh mẽ đến tính bền vững của các loại hình di sản, ở cả mặt tích cực và tiêu cực. Việc nhìn nhận di sản ở nhiều khía cạnh, chiều kích khác nhau là vô cùng cần thiết để xác định giá trị đích thực của mỗi di sản. Điều này, trước hết cần được giải quyết từ việc trang bị nhận thức, tư duy và năng lực cho nguồn nhân lực công tác liên quan đến di sản và quản lí di sản.

Góp phần giải quyết hiện trạng trên, Khoa Các Khoa học liên ngành Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ đào tạo chương trình Thạc sĩ di sản học theo hướng liên ngành nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao về di sản. Đây là hướng đi mà nhiều nước trên thế giới đã triển khai từ đầu thế kỉ 21. Theo đó, chương trình đào tạo được hình thành và xây dựng dựa trên một số trụ cột kiến thức từ KHXH&NV (lịch sử, văn hóa, xã hội học, lưu trữ…), khối kiến thức tự nhiên (địa chất, địa lí, sinh học, môi trường…) và khối kiến thức kiến trúc – xây dựng, kết hợp với các công cụ và chế tài tích hợp (kinh tế, luật, công nghệ thông tin…).

Chú thích:

(1) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.216

(2) Nguồn: Báo Nhân dân, https://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/39548202-di-chi-khao-co-vuon-chuoi-lai-keu-cuu.html

Trần Thị An

CÁC TIN KHÁC